Chia sẻ với phóng viên về vấn đề các ca khúc sáng tác trước năm 1975 hiện nay vẫn đang "nằm trong vòng cấm" và phải có một đơn vị xin cấp phép thì các ca khúc đó mới được lưu hành.

Cần tăng cường... xin phép để nhạc trước 1975 được phổ biến nhiều hơn

Hải Yến | 13/04/2017, 18:51

Chia sẻ với phóng viên về vấn đề các ca khúc sáng tác trước năm 1975 hiện nay vẫn đang "nằm trong vòng cấm" và phải có một đơn vị xin cấp phép thì các ca khúc đó mới được lưu hành.

Chính vì cơ chế "xin - cho" này mới làm nảy ra nhiều vấn đề, nhiều ca khúc đã nằm lòng với người dân nhưng đến tận bây giờ mọi người mới biết, hóa ra các ca khúc này vẫn... chưa được cấp phép biểu diễn và lâu nay mọi người vẫn đang còn... hát chui.

Báo điện tử Một Thế Giới đã có cuộc trò chuyện ngắn với ông Đào Đăng Hoàn - Cục phó Cục NTBD (Bộ VHTT-DL) để hiểu rõ hơn về vấn đề này.

Thưa ông, hiện nay các sáng tác trước năm 1975 và của các nhạc sĩ người Việt định cư ở nước ngoài đang được kiểm soát một cách chặt chẽ, kể cả bài hát đã được cấp phép trước đó hoặc được rất nhiều người yêu mến, ông có thể giải thích cụ thể hơn về những quy định này?

Trong nghị định số 15/2016/NĐ-CP ngày 15-3-2016 của Chính phủ về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 79/2012/NĐ-CP có quy định việc phổ biến các sáng tác trước năm 1975. Theo đó, các đơn vị tổ chức, cá nhân muốn biểu diễn những tác phẩm này phải hoàn thiện hồ sơ gửi về Cục NTBD. Cục hoàn toàn làm theo đúng luật mặc dù có những ca khúc rất quen thuộc hay đã từng được cấp phép biểu diễn trước đây nhưng chưa làm giấy xin cấp phép phổ biến thì không được sử dụng. Việc này là nhằm kiểm soát tính nguyên bản của các bản gốc cũng như thể hiện sự tôn trọng đối với nguyện vọng của chủ sở hữu tác phẩm có muốn phổ biến hay không. Các ca khúc, sau khi hoàn tất hồ sơ, được cấp phép thì sẽ được bổ sung vào danh mục được phép phổ biến - đăng trên website của Cục NTBD và Bộ VHTT-DL.

Điển hình như mới đây là các ca khúc của cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, bài hát Nối vòng tay lớn hiện đã được Cục cấp phép phổ biến rộng rãi vào ngày 12.4.2017, còn các ca khúc còn lại của chính cố nhạc sĩ này do gia đình và các đơn vị biểu diễn chưa làm hồ sơ nên Cục chưa thể tự ý cấp phép phổ biến vì còn liên quan đến quyền tác giả cũng như bản gốc của các ca khúc do chính gia đình cung cấp.

Ông Đào Đăng Hoàn tại họp báo của Bộ VHTTDL

Thời gian vừa qua, dư luận ngạc nhiên khi hàng loạt các ca khúc bị cấm cũng như phát hiện ra có các ca khúc chưa được cấp phép biểu diễn, tại sao việc thu tiền tác quyền ở Trung tâm tác quyền vẫn diễn ra mà trong khi đó ở Cục NTBD thì lại thông báo các bài hát chưa được cấp phép?

Trên thực tế, những ca khúc được các nhạc sĩ sáng tác trước năm 1975 trong giai đoạn đất nước rất khó khăn về vấn đề giấy phép, có những bài hát được biểu diễn rất nhiều nhưng vẫn chưa được cấp phép vì nhiều vấn đề. Hiện nay, đã có2.500 ca khúc sáng tác trước năm 1975 đã được Cục NTBD cấp phép và đăng tải trên trang website của Cục NTBD, mọi người có thể vào để xem. Tuy nhiên, sau năm 1975, chủ trương của Đảng và nhà nước là quét sạch sản phẩm văn hoá đồi truỵ và sau này đổi tên là những tác phẩm văn hoá ngoài luồng. Chính vì thế từ năm 1989 trở đi thì Bộ VHTT-DL bắt đầu cấp phép các bài hát cụ thể. Đến nay khoảng hơn 2.500 bài hát được cấp phép chúng tôi đã đăng lên website. Còn nhiều bài không phải không được cấp phép mà chưa được cấp phép vì chưa có đơn vị nào đứng ra để xin phổ biến rộng rãi ca khúc đó.

Chúng tôi cũng không thể nào lập danh sách các ca khúc bị cấm đưa lên website để các đơn vị tránh ca khúc đó được mà phải dựa vào ca khúc đó như thế nào, có cung cấp đủ bản gốc mới cấp phép biểu diễn. Hoạt động quản lý phải dựa trên việc đơn vị nào đó xin cấp phép và thông qua quá trình đó, chúng tôi thấy ca khúc nào không phù hợp thì sẽ không cho lưu hành.

Những ca khúc chưa được cấp phép mà vẫn thu tiền tác quyền thì việc đó bên Trung tâm bảo vệ quyền tác giả âm nhạc họ có quy định riêng, nhưng theo tôi tiền tác quyền là tiền thu cho các nhạc sĩ của các ca khúc đã được sự ủy thác của tác giả cho trung tâm, còn việc ca khúc đó được cấp phép hay không lại là chuyện khác. Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam họ dựa theo danh sách của Cục NTBD và Sở VH Thể thao các tỉnh để thu tác quyền khi các cá nhân, đơn vị tổ chức có yêu cầu sử dụng ca khúc để kinh doanh.

Cục NTBD là đơn vị cấp phép phổ biến các ca khúc nên khi xác định được chính xác các ca khúc có vi phạm, Cục được quyền tạm dừng phổ biến các ca khúc này đúng theo quy định của pháp luật như 5 các ca khúc mà báo chí đưa vừa qua. Đây là hành động đúng đắn của Cục NTBD nhằm bảo vệ các quyền sở hữu của tác giả thông qua biện pháp hành chính.

Có nhiều người nói việc xin cấp phép lưu hành, phổ biến các tác phẩm âm nhạc trước năm 1975 còn khá khó khăn, ông đánh giá ý kiến này như thế nào?

Sau năm 1975, chủ trương của Đảng và Nhà nước là quét sạch các sản phẩm văn hóa ngoài luồng, chính vì thế từ năm 1989 các tác phẩm bắt đầu được cấp phép một cách cụ thể hơn. Với các thủ tục hành chính, hiện nay các cá nhân, tập thể đơn vị cần xin cấp phép một ca khúc nào đó đều có thể gửi thông tin qua cổng thông tin của Cục để hoàn thiện hồ sơ một cách nhanh chóng, đơn giản và dễ dàng. Và Cục cũng đã "mở cửa" với các ca khúc được sáng tác trước năm 1975 để nhiều khán giả được biết tới hơn nếu như có đơn vị nào đó xin cấp phép.

Tôi cũng mong các tổ chức, cá nhân hãy cung cấp tư liệu cho chúng tôi qua cổng thông tin dịch vụ để chúng tôi thực hiện cho phép phổ biến rộng rãi các ca khúc có nội dung tốt, có chất lượng nghệ thuật. Chúng tôi khẳng định sẽ tạo điều kiện hết sức cho các tổ chức, cá nhân được thuận lợi trong quá trình xin cấp phép ca khúc.

Để xin được một ca khúc được biểu diễn lưu hành, các cá nhân đơn vị cần chú ý có sự đồng ý của chủ sở hữu tác phẩm đó. Chủ sở hữu tác phẩm mới là nơi nắm giữ bản nhạc chính xác nhất về ca từ, ký tự âm nhạc và có quyền quyết định muốn phổ biến tác phẩm mình đang sở hữu hay không. Nếu cơ quan quản lý chủ động cho phép, một tình huống có thể xảy ra là tác phẩm được phép phổ biến nhưng nội dung không chính xác hoặc tác giả, chủ sở hữu tác phẩm chưa xác nhận, đồng ý.

Hiện nay, có nhiều bài hát còn được lưu giữ trong công chúng nhưng các tác giả, chủ sở hữu tác phẩm chưa chủ động đề nghị cấp phép. Vì vậy, vẫn còn những tác phẩm chưa được phổ biến đến công chúng. Trong khi đó, việc xác định nội dung, quyền sở hữu tác phẩm hoàn toàn thuộc quyền nhân thân của tác giả. Chúng tôi rất mong các tổ chức, cá nhân lưu giữ, sưu tầm, sở hữu gửi đề nghị qua website để Cục tổ chức thẩm định và cho phép phổ biến theo quy định của pháp luật.

Cảm ơn ông vì những chia sẻ.

Dạ Thảo
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng yêu cầu đẩy mạnh quản lý nhà nước về thương mại điện tử
4 phút trước Theo dòng thời sự
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ký Công điện số 119/CĐ-TTg ngày 25.11.2024 yêu cầu một số bộ liên quan và các địa phương tiếp tục đẩy mạnh công tác quản lý nhà nước về thương mại điện tử.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Cần tăng cường... xin phép để nhạc trước 1975 được phổ biến nhiều hơn