Sau khi COVID-19 có chiều hướng giảm sâu, một bộ phận người dân đã lơ là, chủ quan nên đã không có ý định tiêm ngừa vắc xin COVID-19 mũi bổ sung, nhắc lại.
Những tháng gần đây, số ca mắc COVID-19 trên cả nước giảm sâu, số ca nặng và tử vong ở mức thấp. Chính vì thế một bộ phận người dân vẫn còn tâm lý lơ là, chủ quan, nhiều trường hợp không đồng ý tiêm các mũi vắc xin tiếp theo do nghĩ đã được miễn dịch bảo vệ và cho rằng liều bổ sung, nhắc lại là không cần thiết.
Tuy nhiên, trên thực tế khả năng miễn dịch của vắc xin sẽ giảm dần theo thời gian nên việc tiêm liều bổ sung, nhắc lại là rất quan trọng nhằm bảo vệ sức khỏe bản thân và gia đình, nhất là phòng ngừa nguy cơ biến thể mới lây lan trong cộng đồng.
Đã qua, bên cạnh một số người dân ủng hộ và tuân thủ việc tiêm vắc xin, vẫn còn một số trường hợp lo ngại, từ chối, tránh né việc tiêm vắc xin liều bổ sung, nhắc lại vì nhiều lý do khác nhau. Chị N.T.T, ngụ phường 9 TP.Cà Mau cho biết: “Gia đình tôi đã tiêm 3 mũi vắc xin, vừa mới khỏi COVID-19 cách đây vài tháng. Tôi nghĩ việc tiêm vắc xin mũi 4 không cần thiết lắm vì dù sao trong người đã có miễn dịch rồi, đã khỏi bệnh rồi nên việc tiêm hay không cũng không quá quan trọng thời điểm này nữa”.
Anh Đ.T.L, ngụ phường 8 TP.Cà Mau cho rằng: “Tôi đã tiêm được 3 mũi vắc xin, thời gian gần đây trí nhớ có phần giảm sút. Tôi không biết đó là do tiêm vắc xin hay do vấn đề của bản thân nên vẫn còn khá lo ngại. Nhiều người xung quanh cũng đồn đoán tiêm vắc xin dễ xuất hiện các triệu chứng mất ngủ, hay quên, nhức mỏi... nên tôi cũng đang cân nhắc việc có tiêm vắc xin mũi 4 hay không”.
Hiện nay, một số luồng thông tin không chính thống, tiêu cực về tác dụng phụ, biến chứng khi tiêm vắc xin khiến một bộ phận người dân trên địa bàn tỉnh Cà Mau vẫn còn băn khoăn, lo lắng chưa mạnh dạn trong việc tiêm vắc xin. Mặt khác, nhiều trường hợp không đồng ý tiêm vắc xin do nghĩ việc tiêm vắc xin liều bổ sung, nhắc lại là không cần thiết. Điều này ảnh hưởng rất nhiều đến công tác phòng chống dịch của tỉnh.
Trên thực tế, tất cả các loại vắc xin ngừa COVID-19 trên thế giới đều đã qua thời gian nghiên cứu kiểm định nghiêm ngặt để đảm bảo tính an toàn và hiệu lực, trước khi tiêm rộng rãi trong cộng đồng. Hầu hết, tác dụng phụ sau khi tiêm vắc xin COVID-19 là những phản ứng thông thường liên quan đến phản ứng tại vị trí tiêm và các triệu chứng như đau đầu, ớn lạnh, mệt mỏi, buồn nôn, sốt, chóng mặt, đau cơ, nhịp tim nhanh… Các triệu chứng này xảy ra sớm sau khi tiêm vắc xin, tự khỏi và không gây ra vấn đề nghiêm trọng về sức khỏe cũng như không để lại di chứng.
Theo các chuyên gia y tế, không như các loại vắc xin khác, vắc xin phòng COVID-19 sẽ giảm dần miễn dịch theo thời gian, nguy cơ nhiễm, tái nhiễm vẫn còn tiềm ẩn. Vì thế, việc tiêm vắc xin liều bổ sung, nhắc lại được xem là một trong những yếu tố then chốt góp phần ngăn chặn dịch bệnh tái phát, nhất là phòng ngừa biến thể mới.
Chị N.N.Q, ngụ huyện Trần Văn Thời nhìn nhận: “Gia đình tôi vừa tiêm vắc xin mũi 4 cách đây 1 tuần. Lúc đầu, chỉ hơi đau đau chỗ tiêm, còn lại sức khỏe vẫn bình thường, không có dấu hiệu gì đáng ngại. Giờ biến chủng mới nguy hiểm, lây lan nhanh nên tôi và gia đình tiêm vắc xin để phòng ngừa, mình chủ động vẫn hơn”.
Tương tự, anh T.M.L, ngụ phường 4, TP.Cà Mau nói: “Dịch bệnh dù đã lắng xuống nhưng vẫn tiềm ẩn nhiều nguy cơ nên bản thân tôi và gia đình thấy cần thiết phải tiêm ngừa mũi 4 để phòng bệnh. Các mũi tiêm trước đều ổn, nên lần này tôi không quá lo lắng”.
Gần đây, Việt Nam ghi nhận sự xuất hiện biến thể BA.4 và BA.5 của chủng Omicron với khả năng lây lan nhanh và nguy hiểm hơn các chủng trước đó. Theo cảnh báo của WHO nơi nào đó chưa an toàn (vùng chưa tiêm chủng), kháng thể chưa đảm bảo thì vi rút có kết hợp trở thành biến thể mới.
Hiện nay, vắc xin là yếu tố then chốt sẽ giúp giảm tình trạng nhập viện, nặng và tử vong của người dân. Vì vậy, để phòng ngừa dịch bệnh tái bùng phát, ngay từ bây giờ, mỗi người, mỗi gia đình cần chủ động tiêm vắc xin liều bổ sung, nhắc lại để bảo vệ sức khỏe bản thân, gia đình và cộng đồng xung quanh.