Trong những ngày đầu năm 2022, Ủy ban Thường vụ Quốc hội họp bàn về những quyết sách lớn, trong đó có dự thảo Nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.Cần Thơ. Phó chủ tịch UBND TP.Cần Thơ Nguyễn Thực hiện cho rằng, nếu Nghị quyết này được Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua, đây sẽ cơ hội lớn cho TP.Cần Thơ về thu hút đầu tư.
Còn nhớ, vào ngày 10.8.2018 đã diễn ra hội nghị xúc tiến đầu tư TP.Cần Thơ, trước sự chứng kiến của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cùng với lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương. Tại hội nghị này, TP.Cần Thơ đã ký kết với 4 ngân hàng thương mại về tài trợ vốn. Đặc biệt, TP.Cần Thơ đã ký kết thỏa thuận hợp tác với 19 nhà đầu tư, tổng số vốn gần 85.000 tỉ đồng.
Niềm vui lúc đó ánh lên trên gương mặt Chủ tịch UBND TP.Cần Thơ Võ Thành Thống khi ông nói về thước đo “chỉ số niềm tin” trong mắt các chuyên gia kinh tế, các nhà đầu tư đang ngày một tăng cao. Tuy nhiên, cho đến nay UBND TP.Cần Thơ cũng chưa có sơ kết nào về các nhà đầu tư cam kết đầu tư vào TP.Cần Thơ từ năm 2018, đến nay đã thực hiện đến đâu.
Ông Nguyễn Thành Nguyên, Phó Ban quản lý Dự án quận Cái Răng cho biết, thực tế cho đến nay, có một số doanh nghiệp (DN) ký cam kết đầu tư vào TP.Cần Thơ cũng chỉ dừng ở cam kết trên giấy. Một số khác có triển khai dự án nhưng không nhiều. Có những DN đầu tư đã có quyết định đầu tư, triển khai dự án nhưng “bị nghẽn” do cơ chế, chính sách... Về cam kết đầu tư, có DN cam kết sẽ đầu tư hơn 1.600 ha đất dự án ở TP.Cần Thơ, trên địa bàn quận Cái Răng và huyện Phong Điền nhưng đến nay đâu có ai liên hệ với địa phương. Tại quận Cái Răng, có khoảng 5 dự án triển khai nhưng gặp khó về việc phải xin chủ trương của Thủ tướng Chính phủ vì có diện tích đất lúa hơn 10ha... Các DN triển khai dự án khu dân cư cũng vướng mắc về giá đền bù, về tái định cư, giải phóng mặt bằng.
Trong các cơ chế đề xuất cơ chế thí điểm cho TP.Cần Thơ có hai cơ chế chế rất quan trọng đó là về quản lý đất đai, HĐND thành phố quyết định chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa nước từ 2 vụ trở lên với quy mô dưới 500 ha, theo ủy quyền của Thủ tướng; phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được cấp có thẩm quyền quyết định. Trình tự, thủ tục chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa tại Cần Thơ do Thủ tướng quy định. Việc chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa phải thực hiện công khai, lấy ý kiến người dân, người chịu tác động.
Về quy hoạch, trên cơ sở đồ án quy hoạch xây dựng khu chức năng, quy hoạch đô thị trên địa bàn đã được phê duyệt, Thủ tướng quyết định việc phân cấp cho UBND TP.Cần Thơ phê duyệt điều chỉnh cục bộ quy hoạch chung xây dựng khu chức năng; điều chỉnh cục bộ quy hoạch chung đô thị.
Hai cơ chế này sẽ giúp TP.Cần Thơ giải quyết nhiều vấn đề trên đường phát triển đô thị, công nghiệp nông nghiệp và kinh tế xã hội nói chung.
Trước đây, các DN muốn đến Cần Thơ nhưng cuối cùng do vướng mắc về chính sách, về quy định về những rào cản về pháp lý cần phải tháo dỡ. Nay khi TP.Cần Thơ được Quốc hội và Chính phủ cho thí điểm thực hiện các cơ chế, chính sách phù hợp để phát triển, thiết nghĩ đây sẽ là cơ hội vàng cho các nhà đầu tư phát triển đô thị, bất động sản, xây dựng và công nghiệp... Hy vọng một trang mới sẽ mở ra cho TP.Cần Thơ.