1tg - Đối với những người đồng tính (LGBT) bị kỳ thị, họ cô lập, sống ẩn dật trong thế giới của mình. Bi kịch hơn là những người khuyết tật đồng tính, thảm kịch hơn nữa là những người khiếm thính đồng tính. Rất khó để họ chia sẻ cũng như để người khác chạm đến trái tim của họ.

Cần Thơ tạo sân chơi, mở rộng vòng tay kết nối với cộng đồng người đồng tính

Thanh Nguyên | 06/10/2020, 15:09

1tg - Đối với những người đồng tính (LGBT) bị kỳ thị, họ cô lập, sống ẩn dật trong thế giới của mình. Bi kịch hơn là những người khuyết tật đồng tính, thảm kịch hơn nữa là những người khiếm thính đồng tính. Rất khó để họ chia sẻ cũng như để người khác chạm đến trái tim của họ.

Từ kỳ thị đến ủng hộ người đồng tính

Cuối tháng 6.2020 vừa qua Câu lạc bộ (CLB) Cha mẹ, Gia đình và Bạn bè của người đồng tính, song tính và chuyển giới TP.Cần Thơ  (PFLAG) vừa được Liên hiệp các tổ chức hữu nghị TP.Cần Thơ thành lập. CLB này trực thuộc Dự án Quản trị Quyền trẻ em - Trẻ em và Thanh thiếu niên LGBT tại Việt Nam được tiếp cận các dịch vụ giáo dục, y tế và dịch vụ xã hội” do Tổ chức Vì sự đa dạng giới Na Uy tài trợ thông qua Tổ chức Cứu trợ trẻ em quốc tế tại Việt Nam.

Ông Võ Đức Chỉnh - Chủ nhiệm PFLAG TP.Cần Thơ cho biết tính đến nay đây là tổ chức đầu tiên và duy nhất tại TP.Cần Thơ dành cho cộng đồng LGBT được thành lập một cách bài bản, chính thức. CLB hy vọng sẽ giúp cho những bậc phụ huynh và một bộ phận xã hội có cái nhìn đúng đắn hơn về cộng đồng LGBT. Đồng thời qua các hoạt động của CLB cũng sẽ góp phần động viên, kêu gọi cộng đồng LGBT mạnh dạn, tự tin hòa nhập với xã hội. PFLAG TP.Cần Thơ không chỉ là nơi cho cộng đồng LGBT sinh hoạt mà còn tập hợp những người ủng hộ cộng đồng này và mong muốn thay đổi nhận thức của một số bộ phận còn chưa chấp nhận cộng đồng LGBT.

Ban chủ nhiệm CLB gồm 9 người đều là những người ủng hộ, mong muốn chia sẻ, kết nối cộng đồng LGBT với xã hội. Nhiều người trong số họ lúc trước có sự kỳ thị và khó chấp nhận cộng đồng LGBT, nhưng khi có kiến thức về thế giới này, họ đã ủng hộ hoàn toàn. Ông Võ Đức Chỉnh - 1 nhà giáo ưu tú, từng là hiệu trưởng của nhiều trường THPT trên địa bàn TP.Cần Thơ đã từng như thế. Khoảng 40 năm về trước ông đã có cơ hội để tiếp xúc với người đồng tính. Cũng như nhiều người thời điểm đó ông cho đây là căn bệnh và không chấp nhận được họ, thậm chí có phần kỳ thị.

“Mãi sau này khi làm hiệu trưởng của 1 trường, tôi được một nhóm bạn trẻ LGBT đến liên hệ và muốn tổ chức các hoạt động văn nghệ với các học sinh trong trường. Tôi nghe các em nói chuyện nghiêm túc và dần cởi mở hơn. Tôi nhận ra các em LGBT đều có những thế mạnh đặc biệt. Nếu được hướng đi đúng hướng các em sẽ có những thành công nhất định”, ông Chỉnh nói.

Để thay đổi cách nhìn về cộng đồng LGBT đối với ông Chỉnh tất nhiên không chỉ đơn giản như vậy mà đó là một quá trình tiếp xúc và thấu cảm với nhiều trường hợp. Lúc còn công tác trong cương vị là hiệu trưởng, ông Chỉnh không thể nào quên của câu chuyện của 1 nữ sinh đồng tính nữ. Số là trường học lúc bấy giờ có quy định nữ sinh buộc phải mặc áo dài vào sáng đầu tuần để sinh hoạt dưới cờ.

“Nữ sinh này là người đồng tính nữ, cắt tóc ngắn, không chịu mặc áo dài. Để tránh phải mặc, em này thường trốn rất nhiều buổi sinh hoạt dưới cờ”, ông Chỉnh kể. Để xử lý trường hợp này, ông Chỉnh cho mời nữ sinh này lên làm việc và trao đổi. Cô nữ sinh thú thật mình là người đồng tính, rất khó chịu khi khoác lên mình tà áo dài. Ông Chỉnh và nữ sinh này đã có thỏa thuận rằng cô có thể mặc đồng phục thường nhưng không được trốn sinh hoạt dưới cờ nữa.

“Trường hợp ngoại lệ này lúc đó cũng khiến nhiều giáo viên trong trường thắc mắc, nhưng chứng kiến sự nổi trội của học sinh này trong các phong trào của trường, mọi người dần chấp nhận”, ông Chỉnh nhớ lại.

15.jpg

Biểu tượng của CLB PFLAG TP.Cần Thơ nhấn mạnh sự chung tay để truyền cảm hứng, kết nối xã hội với cộng đồng LGBT - Ảnh: Thanh Nguyên

Chính vì lẽ đó, ở tuổi hưu nhưng được nhiều người động viên tham gia PFLAG TP.Cần Thơ, ông nhanh chóng đồng ý. Ông Chỉnh cũng như nhiều thành viên khác trong Ban chủ nhiệm CLB PFLAG TP.Cần Thơ mong muốn có sự thay đổi mạnh mẽ trong tâm thức của nhiều người trước nay có định kiến với cộng đồng LGBT. Ngay từ những ngày tiếp nhận CLB đầy mới mẻ này, ông Chỉnh và các thành viên trong ban chủ nhiệm đã vạch ra những quy định, tiêu chí hoạt động của tổ chức. Đặc biệt, ông lưu ý đến các trường hợp là người đồng tính nhưng bị khuyết tật.

“Người bị khuyết tật đã mang sẵn trong mình một nỗi mặc cảm, nếu họ là trường hợp đồng tính nữa thì nỗi mặc cảm đó như tăng gấp đôi vậy. Nếu họ là trường hợp khiếm thính nữa thì còn rất khó khăn cho những người muốn giúp đỡ hòa nhập với cuộc sống”, ông Chỉnh phân tích. Trong nhiều kế hoạch của CLB ông Chỉnh cũng cho biết sẽ hướng tới tất cả các trường hợp đặc biệt của cộng đồng LGBT, từng bước truyền cảm hứng, kết nối họ với xã hội.

Cộng đồng LGBT không đáng bị kỳ thị

Từng hoạt động trong nhiều phong trào, chương trình về giới tính, ông Nguyễn Thanh Vũ - Trưởng Phòng Tư vấn và Trợ giúp đối tượng của Trung tâm Công tác xã hội TP.Cần Thơ và cũng là Phó chủ nhiệm CLB PFLAG TP.Cần Thơ, ông Vũ có sự hiểu biết chuyên sâu về cộng đồng LGBT.

Theo ông Vũ nguyên nhân tiên quyết nhất khiến một bộ phận xã hội chưa chấp nhận cộng đồng LGBT là vì họ thiếu kiến thức về vấn đề này. Trong suy nghĩ của nhiều người LGBT là 1 căn bệnh và có thể lây lan. Theo ông Vũ đây là một suy nghĩ sai lầm, LGBT đã được y học thế giới khẳng định không phải là một căn bệnh. Dù vậy, cho đến nay người ta vẫn không thể khẳng định đâu là nguyên nhân dẫn đến những trường hợp đồng tính, song tính, dị tính…

“Các nhà khoa học nhiều lĩnh vực đã làm nhiều cuộc nghiên cứu về não của những trường hợp LGBT, có sự khác biệt trong bộ não của những người này, nhưng vẫn không thể lý giải được vì trong số này lại có nhiều sự khác biệt nữa. Khi nghiên cứu về hành vi xã hội hay hệ gen của những người này cũng như vậy, họ vẫn chưa thể khẳng định được nguyên nhân”, ông Vũ phân tích. Theo quan điểm của ông Vũ và ông Chỉnh, không có lý do gì để cộng đồng LGBT bị kỳ thị. Vì thực tế, họ luôn tồn tại và có những sự đóng góp trong quá trình phát triển xã hội.

“Vấn đề ở đây là chúng ta làm sao để xã hội không còn định kiến về họ. Rất nhiều trường hợp họ bị chính cha mẹ, người thân của họ kỳ thị. Bản thân họ phải giấu diếm, không sống thật với mình. Chình vì điều đó, chúng tôi mong muốn thay đổi được những vấn đề đó. Nhưng điều này cũng cần sự chung tay mạnh dạn để chia sẻ của cộng đồng LGBT. Chúng tôi muốn chính bản thân những người LGBT hoặc những bậc phụ huynh có con em thuộc cộng đồng này tự kể câu chuyện của họ. Và điều này rất may mắn khi trong thành viên của câu lạc bộ này có những người như vậy”, ông Chỉnh nói.

Thực tế trong xã hội hiện nay, không chỉ người thiếu hiểu biết về cộng đồng LGBT mới có định kiến mà ngay cả những người tri thức cũng không dễ dàng chấp nhận bộ phận người này. Chính những suy nghĩ này sẽ tạo áp lực ngày càng lớn lên cộng đồng LGBT mà không phải một sớm một chiều có thể tháo gỡ được. Chính vì vậy, để giải quyết bài toán mà PFLAG TP.Cần Thơ đặt ra cần rất nhiều nỗ lực và chung tay của toàn xã hội. PFLAG TP.Cần Thơ sau khi được thành lập cũng đã vạch ra nhiều chương trình hoạt động để từng bước xóa nhòa khoảng cách mà dư luận xã hội tạo ra với cộng đồng LGBT.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
TP.HCM cần làm gì để đột phá trong tăng trưởng kinh tế?
Các chuyên gia cho rằng tăng trưởng 8,3% vẫn chưa phải là cao so với tiềm năng của TP.HCM. Thành phố có thể hướng đến mục tiêu tăng trưởng cao hơn nhiều, trên 10%, thậm chí cao hơn.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Cần Thơ tạo sân chơi, mở rộng vòng tay kết nối với cộng đồng người đồng tính