Logistics là ngành dịch vụ có vai trò quan trọng trong việc kết nối, hỗ trợ và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Những năm gần đây, ngành logistics Việt Nam có tốc độ tăng trưởng bình quân 14-16%/năm.
Theo Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam (VLA), năm 2022, mặc dù dịch COVID-19 đã được kiểm soát, nhưng nền kinh tế Việt Nam nói chung và ngành logistics Việt Nam nói riêng vẫn đối mặt với rất nhiều thách thức như: Tình hình chính trị căng thẳng ở nhiều quốc gia trên thế giới; chuỗi cung ứng năng lượng và lương thực bị đứt gãy trên phạm vi toàn cầu; lạm phát diễn ra ở nhiều quốc gia…
Tuy nhiên, nền kinh tế Việt Nam vẫn có nhiều điểm sáng. Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu đến thời điểm hiện tại đã gần cán mốc 700 tỉ USD. Tăng tưởng kinh tế ước đạt 8%, là mức tăng trưởng cao nhất khu vực châu Á-Thái Bình Dương trong năm 2022. Các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới đi vào thực thi và mang lại nhiều lợi ích thiết thực, nhất là EVFTA… Điều đó tạo nên động lực cho ngành logistics phát triển mạnh mẽ.
"Ngành dịch vụ logistics Việt Nam đã vượt qua khó khăn của đại dịch COVID-19, tăng trưởng và phát triển bền vững, với tốc độ tăng trưởng 12-15% tùy theo ngành nghề kinh doanh của doanh nghiệp", đại diện VLA cho biết.
Thông tin tại Hội nghị thường niên 2022 của Hiệp hội logistics Việt Nam, ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho biết, ngành logistics Việt Nam đang có rất nhiều thuận lợi để phát triển.
Đơn cử như, hiện nay rất nhiều địa phương đã xây dựng kế hoạch, quy hoạch về phát triển logistics. Cùng với đó, xu hướng đầu tư vào ngành logistics đang tăng rất nhanh, thể hiện qua các công trình hạ tầng như: Đường cao tốc, đầu tư sân bay Long Thành, mở rộng các cảng biển, xây dựng các trung tâm logistics mới và trong sự tham gia này, không chỉ có nhà đầu tư trong nước, nguồn vốn của Nhà nước, mà còn cả nguồn vốn của các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài.
“Khi các DN nước ngoài nhìn thấy thị trường logistics của Việt Nam là một thị trường đem lại lợi nhuận cao, thì tốc độ, dòng vốn đổ vào ngành logistics sẽ rất lớn. Đầu tư gia tăng cũng tạo ra sự chuyển biến về mặt hạ tầng, khi đó, DN kinh doanh dịch vụ có điều kiện phát triển tốt hơn", ông Trần Thanh Hải nêu.
Thuận lợi tiếp theo là hoạt động sản xuất thương mại của Việt Nam đang phục hồi và gia tăng rất tốt. Ngày 15.12, ghi nhận tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam lần đầu tiên đạt mức kỷ lục 700 tỉ USD. Đây được đánh giá là thuận lợi lớn đối với ngành logistics vì khối lượng hàng hóa sản xuất, luân chuyển trong nước và giao dịch với thương mại quốc tế gia tăng, sẽ kéo theo nhu cầu sử dụng dịch vụ logistics.
Ngành logistics cũng ghi nhận sự lớn mạnh trong năm vừa qua khi bên cạnh sự gia tăng của các DN mới, nhiều DN của Việt Nam đã phát triển rất tốt và có tốc độ tăng trưởng nhanh. Ngoài ra, còn có sự xuất hiện của các hiệp hội mới, trong đó có những hiệp hội đặc thù như: Hiệp hội Phát triển nhân lực logistics Việt Nam. Điều này cũng tạo sự đóng góp chung về lực lượng và giúp ngành logistics đạt được những kết quả tốt hơn.
Tuy nhiên, ông Trần Thanh Hải cũng cho rằng, năm 2023 sẽ là một năm rất khó khăn. Bởi, hiện nay thế giới đang ở trong tình trạng suy thoái và lạm phát, nhu cầu tiêu dùng thế giới sẽ sụt giảm, dẫn đến sự sụt giảm về các hoạt động thương mại, kéo theo đó là hoạt động logistics… Các DN nói chung, trong đó có DN logistics phải có sự chuẩn bị để đối mặt.
Mặc dù hiện nay, cước vận tải container đường biển đã giảm về mức trước dịch, thậm chí giảm dưới mức trước dịch. Tuy nhiên, những yếu tố bất ổn trong thị trường kinh doanh vẫn đang bộc lộ, bên cạnh cuộc chiến Ukraine chưa có dấu hiệu chấm dứt, các yếu tố khác như thiên tai, dịch bệnh hay các sự cố bất ngờ như tàu container gây tắc nghẽn kênh đào Suez... cũng có thể gây ra những tắc nghẽn do dòng chảy thương mại, logistics...
Một khó khăn nữa được ông Trần Thanh Hải đề cập đến nhưng cũng là yêu cầu cho các DN, đó là DN phải có nhận thức và đổi mới trong vấn đề về xu hướng xanh hóa đang diễn ra trong hoạt động thương mại và hoạt động kinh tế, tức là lồng ghép các yêu cầu về bảo vệ môi trường trong các hoạt động kinh tế, thương mại trong hoạt động logistics.
Với yêu cầu như vậy, sẽ tăng thêm những tiêu chuẩn cao hơn cho hàng hóa, hoạt động kinh doanh... đồng thời, việc đáp ứng các tiêu chuẩn này sẽ khiến chi phí gia tăng và các doanh nghiệp logistics sẽ không đứng ngoài cuộc chơi này...
Tại Diễn đàn logistics Việt Nam 2022 tổ chức mới đây, Trưởng ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh nêu rõ, bộ, ngành chức năng cần khẩn trương xây dựng, ban hành chiến lược phát triển ngành logistics Việt Nam, bảo đảm được những yêu cầu phát triển mới của lĩnh vực này. Chiến lược cần chú trọng định hướng phát triển logistics xanh và các giải pháp thân thiện với môi trường, hoàn thiện thể chế, chính sách về dịch vụ logictics, vận tải đa phương thức, vận tải xuyên biên giới, luật hóa các cam kết quốc tế về logistics... tạo cơ sở pháp lý thuận lợi cho hoạt động logistics.
“Cần triển khai một cách thực chất chương trình chuyển đổi số, chuyển đổi xanh trong ngành logistics, coi đây vừa là yêu cầu, vừa là động lực để đổi mới và phát triển bền vững. Thực hiện logistics xanh trong bối cảnh mới trên cơ sở ứng dụng công nghệ nhằm thúc đẩy đổi mới sáng tạo và hội nhập quốc tế sâu rộng”, Trưởng ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh nhấn mạnh.
Theo thống kê của Ngân hàng Thế giới năm 2019, giao thông đường bộ có lượng khí thải CO2 chiếm đến 85%, tiếp đến là vận tải đường thủy nội địa 10% và vận tải đường hàng không 5%. Trong khi đó, vận tải đường sắt còn gây ô nhiễm tiếng ồn bên cạnh khí thải độc hại do phương tiện cũ và lạc hậu.
Còn theo Báo cáo logistics Việt Nam 2022 của Bộ Công Thương, chỉ có 31% doanh nghiệp logistics được khảo sát có sử dụng năng lượng tái tạo trong vận hành kho bãi; 26,8% doanh nghiệp logistics không có chiến lược phát triển xanh; 35,2% doanh nghiệp không có hoạt động kiểm soát môi trường…