Cơ quan Vũ trụ Canada (CSA) đã ký một thỏa thuận lịch sử với NASA xác nhận sự tham gia của nước này trong sứ mệnh Mặt trăng Artemis.

Canada hợp tác với NASA đưa phi hành gia lên Mặt trăng

Long Hải | 17/12/2020, 19:25

Cơ quan Vũ trụ Canada (CSA) đã ký một thỏa thuận lịch sử với NASA xác nhận sự tham gia của nước này trong sứ mệnh Mặt trăng Artemis.

mat-trang1.jpg
Hình ảnh minh họa tàu vũ trụ Orion của NASA đang hướng tới Mặt trăng - Ảnh: NASA

Cơ quan Vũ trụ Canada (CSA) cho biết vào hôm 16.12, một phi hành gia Canada sẽ tham gia chuyến bay chở người quanh Mặt trăng trong sứ mệnh Artemis II của Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA). Một phi hành gia CSA khác cũng sẽ có chỗ trong sứ mệnh tiếp theo tới Trạm vũ trụ Lunar Gateway.

Các chuyến bay sắp tới là một phần của thỏa thuận hợp tác giữa CSA và NASA. Hai cơ quan này sẽ cùng xây dựng trạm vũ trụ trên quỹ đạo Mặt trăng. Theo đó, CSA sẽ hỗ trợ thiết bị cho Gateway, bao gồm việc chế tạo Canadarm3. Hệ thống này sẽ giúp kiểm tra và sửa chữa bên ngoài trạm Gateway, kết nối với những tàu vũ trụ bay đến. Đổi lại NASA sẽ cho các phi hành gia CSA cơ hội thực hiện các sứ mệnh trên Mặt trăng.

Hàng trăm công ty Canada dự kiến sẽ tham gia vào việc phát triển Canadarm3 cho Lunar Gateway, làm việc với nhà thầu chính MDA (MacDonald, Dettwiler and Associates Ltd.) và các tổ chức nghiên cứu để thúc đẩy các công nghệ mới nổi. Ngoài ra, trạm điều khiển mặt đất của Canadarm3 sẽ được đặt trên lãnh thổ của Canada.

“Điều này sẽ giúp Canada trở thành quốc gia thứ hai sau Mỹ có phi hành gia du hành vùng nằm ngoài lực hút của Trái đất và bay quanh Mặt trăng”, Navdeep Bains, Bộ trưởng Bộ Đổi mới, Khoa học và Công nghiệp Canada, nói với các phóng viên trong cuộc họp báo.

canh-tay.jpg
Ý tưởng về cánh tay robot Canadarm3 của Cơ quan Vũ trụ Canada - Ảnh: CSA

Theo NASA, nhiệm vụ Artemis I dự kiến ​​diễn ra trước cuối năm 2021, liên quan đến một cuộc thử nghiệm Hệ thống Phóng không gian (SLS) và một tàu vũ trụ không người lái Orion. Artemis II sẽ là ​​một chuyến bay thử nghiệm có phi hành đoàn lên quỹ đạo Trái đất vào năm 2023 nhưng không liên quan đến việc hạ cánh trên Mặt trăng. Artemis III sẽ đưa các phi hành gia, bao gồm cả người phụ nữ đầu tiên, lên Mặt trăng vào năm 2024.

NASA muốn chương trình Artemis sẽ có sự tham gia rộng rãi của quốc tế. Việc chế tạo và bảo trì Gateway là bước thiết yếu trong kế hoạch xây dựng chỗ đứng vũng chắc trên Mặt trăng của cơ quan này. Gateway sẽ trở thành trạm nghiên cứu và điểm nghỉ chân cho những chuyến bay đến Mặt trăng và xa hơn.

CSA vẫn chưa thông báo phi hành gia nào sẽ được chọn để tham gia nhiệm vụ với NASA. Canada có 4 phi hành gia đang hoạt động là Saint-Jacques (đã bay lên Trạm Vũ trụ quốc tế trong năm 2018-2019), Jeremy Hansen (được chọn vào năm 2009 và vẫn đang chờ nhiệm vụ). Gần đây nhất là năm 2017, CSA đã tuyển dụng Jenni Sidey-Gibbons và Joshua Kutryk. Cả hai đều đủ tiêu chuẩn để trở thành phi hành gia vào đầu năm 2020 sau khi hoàn thành khóa đào tạo ứng viên phi hành gia tiêu chuẩn.

phi-hanh-gia.jpg
Phi hành gia David Saint-Jacques của Cơ quan Vũ trụ Canada chụp ảnh Trái đất từ Trạm Vũ trụ quốc tế vào ngày 15.1.2019 - Ảnh: NASA

Đáng chú ý, phi hành gia Hansen là người điều phối toàn bộ lịch trình đào tạo của lớp phi hành gia năm 2017 và có vai trò cố vấn cho những người được tuyển dụng. Đây là lần đầu tiên việc này được giao cho một người Canada, cho thấy sự tin tưởng của NASA đối với Hansen. Ông cũng giúp lập kế hoạch cho một số chuyến đi bộ ngoài không gian phức tạp gần đây, bao gồm các quy trình liên quan đến việc sửa chữa và nâng cấp một máy dò vật chất tối trên trạm ISS được gọi là Máy quang phổ từ tính Alpha.

Trong cuộc họp báo, ông Navdeep Bains cũng nói rằng phi hành gia Hansen là một “đại sứ lớn” của Canada trong việc thúc đẩy chiến lược không gian của đất nước tới các nhà hoạch định chính sách. Bản thân Hansen cũng nói về tầm quan trọng của việc Canada tham gia vào các sứ mệnh không gian quốc tế.

“Đặt ra các mục tiêu lớn trong việc khám phá không gian đã tăng cường khả năng cộng tác của chúng tôi, bằng chứng là hệ thống bảo dưỡng lưu động Canadarm2 trên trạm ISS. Sự hợp tác tương tự là cần thiết khi chúng tôi giải quyết những thách thức toàn cầu như biến đổi khí hậu”, Hansen nói.

canh-tay2.jpg
Đóng góp chính của Canada cho trạm ISS là Canadarm2. Trong khoảng thời gian 20 năm qua, Canada đã đóng góp gần 1,4 tỉ đô la Canada cho kinh phí của trạm ISS - Ảnh: NASA

Canada dự đoán sẽ sử dụng cơ hội lên Mặt trăng để thử nghiệm các công nghệ như tàu bay trên bề mặt hay nghiên cứu địa chất từ ​​quỹ đạo. “Các nhà khoa học của Canada thực sự quan tâm đến việc nghiên cứu hồ sơ địa chất của Mặt trăng và quá trình địa chất hình thành bề mặt vệ tinh này. Điều đó cho chúng ta những gợi ý không chỉ về cách Mặt trăng hình thành mà còn cho biết về thành phần và đặc điểm của các hành tinh trên cạn khác trong hệ Mặt trời”, phi hành gia Sidey-Gibbons nhận định.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Kinh tế-xã hội Việt Nam gần đây và triển vọng trong năm nay - Bài 1: Những điểm sáng và thành tựu nổi bật
Trong bối cảnh kinh tế toàn cầu suy giảm, nhờ sự phối hợp kịp thời, chặt chẽ, hiệu quả của các cơ quan trong hệ thống chính trị, sự điều hành chủ động, linh hoạt, quyết liệt của Chính phủ, sự đoàn kết, tin tưởng, ủng hộ của nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp... tình hình kinh tế - xã hội nước ta năm 2023 đã phục hồi ổn định, sang năm 2024 càng phát triển. Trong loạt bài này, chúng tôi xin đề cập tới hiện trạng kinh tế - xã hội đất nước và triển vọng trong năm 2024.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Canada hợp tác với NASA đưa phi hành gia lên Mặt trăng