Nguy cơ xung đột trên eo biển Đài Loan tăng cao trong lúc Mỹ ngày càng thắt chặt quan hệ quốc phòng với Đài Bắc, khiến Bắc Kinh phải gửi thêm tín hiệu đe dọa.

Căng thẳng Mỹ - Trung: Mỹ tính chuyển từ chiến lược ‘mơ hồ’ sang ‘rõ ràng’ đối với Đài Loan

Hoàng Vũ | 07/11/2021, 15:34

Nguy cơ xung đột trên eo biển Đài Loan tăng cao trong lúc Mỹ ngày càng thắt chặt quan hệ quốc phòng với Đài Bắc, khiến Bắc Kinh phải gửi thêm tín hiệu đe dọa.

Theo Bưu điện Hoa Nam buổi sáng (SCMP), các nhà quan sát nhận định rằng, Mỹ từ lâu chưa hề có sự thay đổi trong chính sách “mơ hồ chiến lược” về nghĩa vụ bảo vệ Đài Loan trước cuộc tấn công từ phía Trung Quốc đại lục, song động thái mà Washington đưa ra mới đây, đã thúc đẩy Đài Loan tìm cách làm rõ hơn ý định của Mỹ và làm mối quan hệ giữa 3 bên thêm căng thẳng.

taiwanpic.png
Đạo luật Đài Loan năm 1979 quy định Mỹ cung cấp cho Đài Loan những phương để tự vệ, nhưng không nhất thiết phải tham gia vào một cuộc xung đột vì Đài Loan - Ảnh: AP

Tháng trước, trong một cuộc phỏng vấn Tổng thống Mỹ Joe Biden đã nói rằng Mỹ sẽ bảo vệ Đài Loan trong trường hợp đảo tự trị bị Trung Quốc tấn công. Nhà Trắng sau đó phải lên tiếng rút lại lời tuyên bố, nói rằng, chính quyền Biden không thay đổi chính sách “Một Trung Quốc” áp dụng với Đài Loan.

Tuy nhiên, trên thực tế, có nhiều lời kêu gọi Mỹ hủy bỏ chính sách “mơ hồ chiến lược” mà họ đã áp dụng suốt nhiều thập kỷ qua, trong đó Washington từ chối xác nhận hoặc phủ nhận việc liệu họ có can thiệp quân sự để bảo vệ Đài Loan trong trường hợp xảy ra một cuộc tấn công hay không.

8b5dd53834575eb4e6aedc24c3c2518ee96b2b4b_size556_w3499_h2186.jpeg
Tổng thống Mỹ Joe Biden - Ảnh: SCMP

Chủ tịch Ủy ban Tình báo Hạ viện Mỹ Adam Schiff, một thành viên kỳ cựu của đảng Dân chủ hôm 2.11 đã thúc giục chính quyền Biden cần phải “rõ ràng” hơn với vấn đề Đài Loan.

“Tôi nghĩ rằng, có khi ít sự mơ hồ sẽ tốt hơn là nhiều sự mơ hồ”, ông Schiff nói tại Diễn đàn An ninh Aspen.

Những động thái trên được đưa ra trong lúc căng thẳng ở eo biển đang leo thang, đặc biệt là kể từ đầu tháng 10, khi Bắc Kinh điều một số lượng kỷ lục máy bay chiến đấu vào vùng nhận dạng phòng không của Đài Loan.

Tuần trước, lãnh đạo Đài Loan Thái Anh Văn bất ngờ thừa nhận rằng, binh sĩ Mỹ đang đồn trú trên đảo tự trị này. CNN dẫn tài liệu của Bộ Quốc phòng Mỹ cho thấy số lượng binh sĩ Mỹ đóng tại Đài Loan tăng từ 10 người trong năm 2018 lên 32 người vào đầu năm nay.

Tuy nhiên, các nhà quan sát của cả Mỹ và Trung Quốc cho biết cho đến nay, Washington không hề có sự thay đổi chính sách trong vấn đề Đài Loan, nhưng sự ủng hộ mà họ dành cho Đài Loan lại đang tăng lên.

Chuyên gia về quan hệ quốc tế đến từ Đại Học Nhân dân Trung Quốc, Shi Yinhong cho biết, chính phủ Mỹ chưa từng tuyên bố chính thức về việc sử dụng vũ lực để bảo vệ Đài Loan, nhưng “sự mơ hồ” lại đang giảm dần và ngày càng trở nên “rõ ràng” hơn.

“Nếu nhìn vào những tuyên bố của Washington, có thể thấy rõ là không hề có sự thay đổi trong chính sách của họ với Đài Loan vì vẫn là "sự mơ hồ chiến lược". Điều này có nghĩa rằng Mỹ vẫn duy trì chính sách truyền thống với Đài Loan. Tuy nhiên, sự rõ ràng hơn trong chiến lược có thể khuyến khích các lực lượng đòi độc lập cho Đài Loan, và có thể dẫn tới một cuộc chiến tranh, cũng như làm tăng sự đối địch giữa Trung Quốc và Mỹ”, Shi nhận định.

Theo ông, Mỹ ngày càng tăng sự hỗ trợ và ủng hộ về mặt quân sự, ngoại giao, kinh tế và cả các mặt trận tư tưởng đối với Đài Loan, ông Shi nói và thêm rằng sự ủng hộ này “có thể sẽ tiếp tục tăng trong tương lai”

Mặc dù cả Mỹ và Trung Quốc đều mong muốn giữ nguyên trạng và tránh nổ ra một cuộc chiến qua việc các nhà lãnh đạo của cả hai bên đã tuyên bố sẽ quản lý xung đột, các chuyên gia cho rằng nguy cơ xung đột quân sự đang vẫn đang gia tăng.

Phát biểu tại Diễn đàn Aspen, Chủ tịch Hội đồng tham mưu trưởng liên quân Mỹ, Mark Milley cho rằng, Trung Quốc rất có khả năng sẽ không sử dụng vũ lực để tấn công Đài Loan trong vòng vài năm tới.

“Tôi không nghĩ rằng điều đó sẽ xảy ra trong tương lai gần, có thể là 6, 12 hoặc có thể là 24 tháng tới. Bất cứ điều gì đều có thể xảy ra”, ông nói và thêm rằng quân đội Mỹ “chắc chắn” có thể bảo vệ Đài Loan trước một cuộc tấn công của Trung Quốc nếu như được yêu cầu làm như vậy.

Còn tại Trung Quốc, sau khi xuất hiện một số cảnh báo của Bộ Thương mại nước này rằng người dân nên tích trữ nhu yếu phẩm phòng “trường hợp khẩn cấp” đã dẫn tới suy đoán rằng sắp có một cuộc chiến tranh xảy ra với Đài Loan. Các phương tiện truyền thông xã hội đã tràn ngập sự ủng hộ một cuộc tấn công Đài Loan, trong bối cảnh chủ nghĩa dân tộc đang tăng mạnh, một phần được khuyến khích bởi giới lãnh đạo Trung Quốc. Tháng trước, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã nói rằng “việc thống nhất” với Đài Loan “phải được thực hiện”.

Mặc dù cả hai bên đều miễn cưỡng tham gia vào các cuộc xung đột quân sự, nhưng theo chuyên gia Shi, Trung Quốc và Mỹ đang dần đi vào bẫy Thucydides - một lý thuyết chính trị để mô tả xu hướng chiến tranh khi một cường quốc mới nổi đe dọa sự tồn tại của một siêu cường.

Michael Swaine - chuyên gia về nghiên cứu an ninh Trung Quốc và Đông Á tại Quỹ Carnegie vì Hòa bình Quốc tế, cho biết Mỹ sẽ không hướng tới sự rõ ràng chiến lược về vấn đề Đài Loan nhưng đang xích lại gần hơn với Đài Loan theo nhiều cách khác nhau.

“Điều này làm tăng khả năng mất kết nối giữa những gì Mỹ nói và những gì họ làm. Washington hiện chưa khẳng định lại rõ ràng và xác định các giới hạn trong mối quan hệ với Đài Loan dựa trên chính sách Một Trung Quốc của họ”, Swaine nói và cho rằng nguy cơ xảy ra một cuộc khủng hoảng nghiêm trọng giữa Washington và Bắc Kinh liên quan đến vấn đề Đài Loan là "điều tất yếu".

Bài liên quan
Bộ trưởng Thương mại Raimondo: Kirin 9000s trong Huawei Mate 60 chậm hơn nhiều so với chip Mỹ
Gina Raimondo, Bộ trưởng Thương mại Mỹ, khẳng định chip cung cấp năng lượng cho Huawei Mate 60 Pro không tiên tiến bằng chip của Mỹ. Theo bà, điều này cho thấy việc Mỹ trừng phạt gã khổng lồ thiết bị viễn thông Trung Quốc đang có hiệu quả.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tập trung thu hút các dự án FDI có quy mô lớn, công nghệ cao
3 giờ trước Tài chính và đầu tư
Thủ tướng yêu cầu tập trung xúc tiến, thu hút các dự án FDI có quy mô lớn, công nghệ cao, nhất là đối với phát triển kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, điện tử, bán dẫn, hydrogen...
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Căng thẳng Mỹ - Trung: Mỹ tính chuyển từ chiến lược ‘mơ hồ’ sang ‘rõ ràng’ đối với Đài Loan