Ngày 23.6, cử tri Anh sẽ tham gia cuộc trưng cầu dân ý dân về việc Anh ở lại hay rời khỏi Liên minh châu Âu (EU). Đã có nhiều cảnh báo giải pháp Anh rời khỏi EU sẽ mang đến nhiều hệ lụy không chỉ cho nước Anh mà còn làm phương hại đến cộng đồng châu Âu và thế giới.

Cảnh báo trước khi Anh trưng cầu ý dân rời EU

Huỳnh Hy | 23/06/2016, 07:07

Ngày 23.6, cử tri Anh sẽ tham gia cuộc trưng cầu dân ý dân về việc Anh ở lại hay rời khỏi Liên minh châu Âu (EU). Đã có nhiều cảnh báo giải pháp Anh rời khỏi EU sẽ mang đến nhiều hệ lụy không chỉ cho nước Anh mà còn làm phương hại đến cộng đồng châu Âu và thế giới.

Kênh truyền hình Mỹ CNBC dẫn lời Thủ tướng Anh David Cameron cảnh báo việc Anh rời khỏi EU (Brexit) sẽ kéo theo tình trạng “không rõ ràng” kéo dài và khiến Anh “mãi mãi nghèo hơn”.

Về kinh tế, EU là đối tác lớn nhất của Anh, chiếm 44% kim ngạch xuất khẩu và 53% kim ngạch nhập khẩu của đảo quốc trong năm 2015.

Theo Trung tâm Nghiên cứu về cải cách châu Âu (CER), bởi Anh gia nhập EU nên kim ngạch xuất khẩu của Anh mới tăng 55%.

Theo tổ chức tư vấn Open Europe, nếu rời khỏi EU, tăng trưởng của Anh có thể sẽ giảm đến 2,2% trong trường hợp xấu nhất.

Tác hại kế tiếp là xứ sở sương mù sẽ mất đi một phần vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đáng kể. Vốn FDI đến từ các nước EU đổ vào Anh chiếm tới 48% tổng số, tức khoảng 728 tỉ USD vào năm 2014. Ngoài ra, Brexit cũng sẽ làm cho Anh mất đi quyền tham gia vào thị trường chung EU.

Các quan chức Anh đã cảnh báo sự kiện Anh rời EU sẽ gây nhiều biến động xấu đến tình hình tài chính trong nước. Bộ trưởng Tài chính George Osborne cho rằng trong trường hợp này xảy ra, ông sẽ phải phản ứng lại, bằng cách đưa ra giải pháp tăng thuế và giảm chi tương đương khoảng 43 tỉ USD.

Các nhà phân tích cũng lo ngại “cuộc chia tay” sẽ gây bất ổn cho nền kinh tế châu Âu rồi từ đó lan rộng ra toàn thế giới.

Trong lúc mức tăng trưởng kinh tế toàn cầu đang trì trệ, sự ra đi khỏi EU của nền kinh tế thứ hai trong khu vực có thể sẽ đẩy kinh tế EU rơi vào tình trạng khủng hoảng, kéo theo khủng hoảng kinh tế toàn cầu.

Một tuần trước khi diễn ra cuộc trưng cầu ý dân ở Anh, thị trường chứng khoán thế giới đã tỏ ra hết sức nhạy cảm với các dự đoán về kết quả của Brexit. Cổ phiếu tại Mỹ và EU rớt giá khi có dự đoán cho rằng người dân Anh sẽ bỏ phiếu thuận rời khỏi EU.

Tuy nhiên, sau đó cổ phiếu lại nhanh chóng hồi phục khi xuất hiện một số dự đoán có kết quả ngược lại. Nhìn chung, các nhà phân tích đều đồng loạt cho rằng giải pháp Brexit sẽ làm giảm mức tăng trưởng kinh tế toàn cầu.

Rời khỏi EU cũng đồng nghĩa với việc Anh sẽ giảm bớt một số lượng lớn người nhập cư đến từ EU. Vụ khủng hoảng người di cư trong thời gian qua tại châu Âu là một trong những lý do khiến dân Anh ngại: họ sợ phải “còng lưng” đóng thuế để nuôi số người di cư bằng các khoản trợ cấp xã hội. Họ cũng sợ dân nhập cư sẽ cướp mất việc làm của họ.

Tuy nhiên, điều này cũng có nghĩa rằng Anh sẽ mất đi số lượng đáng kể lao động nước ngoài trẻ và có tay nghề. Theo báo Financial Times, lao động nhập cư tại Anh (khoảng 2,1 triệu người) đóng góp nhiều cho tài chính trong nước hơn cả người bản xứ.

Một trong những lý do chính được phe ủng hộ Brexit đưa ra, là vô số các quy chế mà Brussels đang áp đặt lên các nước thành viên EU gây ảnh hưởng đến quyền tự quyết và độc lập của Anh.

Tuy nhiên, giải pháp rời khỏi EU có thể sẽ lại tạo tiền lệ cho các chủ thể trong Liên hiệp Anh và Bắc Ireland muốn ly khai. Tại Scotland và Bắc Ireland, đại đa số người dân đều ủng hộ Anh ở lại EU. Nếu Anh cương quyết “thoát EU” bất chấp người dân Scotland và Bắc Ireland, có thể hai nước này sẽ xúc tiến “ly khai” khỏi vương quốc Anh.

Giải pháp Brexit nếu xảy ra sẽ đánh dấu một bước ngoặt trong tình hình chính trị-kinh tế châu Âu kể từ sau Thế chiến 2 vốn mang đậm xu hướng tăng cường hợp tác. Anh “thoát EU” chắc chắn sẽ tạo ra nhiều bất ổn không nhỏ tại châu Âu.

Mất đi nền kinh tế thứ năm thế giới cộng với làn sóng chủ nghĩa dân tộc đang có xu hướng bộc phát rộng trong khu vực, EU sẽ đứng trước nguy cơ tan rã. Trong trường hợp đó, chắc chắn những biến động sẽ lan ra khỏi châu lục ảnh hưởng đến cộng đồng thế giới.

Huỳnh Hy

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Cần có một cuộc cách mạng thực sự về khoa học - công nghệ
2 giờ trước Khoa học - công nghệ
TSKH Nghiêm Vũ Khải - nguyên Phó chủ tịch Liên hiệp Các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam cho rằng nếu không có một cuộc cách mạng thực sự về khoa học - công nghệ thì sẽ không thể vượt qua tình trạng tụt hậu.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Cảnh báo trước khi Anh trưng cầu ý dân rời EU