Thời gian qua, tình hình tội phạm hoạt động sử dụng công nghệ cao để lừa đảo chiếm đoạt tài sản còn diễn biến phức tạp. Nhiều tội phạm truyền thống và tội phạm mạng đã có sự cấu kết để lừa đảo.
Cơ quan Cảnh sát điều tra – Công an TP.HCM vừa cho biết đã ra quyết định khởi tố bị can và lệnh bắt bị can để tạm giam đối với Hứa Thị Ngọc Trâm (sinh năm 1994) và Patrick Destiny Ifeanyi (sinh năm 1992, Quốc tịch Nigeria) về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Theo đó, Trâm và Patrick ngụy tạo tài khoản Facebook giả mạo là tướng quân đội Mỹ tên Paul Hagen Reardon kết bạn với bà H.T.K.A (thường trú quận Gò Vấp) và hứa hẹn gửi cho 900.000 USD. Sau đó, Trâm giả danh nhân viên hải quan gọi điện cho bà H.T.K.A yêu cầu đóng tiền phạt, tiền phí và tiền “bôi trơn” cho cấp trên… để nhận số ngoại tệ khi về đến Việt Nam.
Tin là thật, bà H.T.K.A chuyển gần 400 triệu đồng cho Trâm và Patrick. Ngoài ra, Trâm và Patrick còn câu kết với những người nước ngoài gốc Phi tại Thái Lan, Philipine, Malaysia, Campuchia… sử dụng mạng xã hội Facebook, Zalo, WhatsApp giả mạo tướng Mỹ, doanh nhân, bác sỹ Liên hợp quốc… rồi sử dụng thủ đoạn trên để lừa đảo. Nhiều nạn nhân đã bị lừa chuyển tiền vào tài khoản ngân hàng Việt Nam cho Trâm.
Qua sự việc này, Phòng Tham mưu Công an TP.HCM (PV01) đã phát đi thông báo đề nghị người dân cảnh giác với 4 phương thức, thủ đoạn sau:
Hình thức thứ nhất là lừa đảo bằng hack e-mail. Nạn nhân của hình thức này thường là các công ty hoạt động mua bán và thanh toán tiền với các đối tác nước ngoài qua mạng internet. Chúng tạo một địa chỉ e-mail gần giống với đối tác, sau đó làm giả e-mail giao dịch và yêu cầu nạn nhân thanh toán chuyển khoản vào tài khoản của đối tượng tại Việt Nam hoặc nước ngoài để chiếm đoạt.
Hình thức thứ hai là lừa đảo bằng cách làm quen thông qua mạng xã hội như Facebook, Viber, Zalo… Kẻ lừa đảo thường nhắn tin làm quen với đa phần là phụ nữ lớn tuổi, có nhu cầu kết bạn và tiến tới hôn nhân. Sau thời gian làm quen, kẻ lừa đảo giả gửi quà (trong đó có nhiều ngoại tệ, vàng, bạc…) về Việt Nam cho nạn nhân. Sau đó, chúng thông báo cho nạn nhân quà đã bị hải quan sân bay giữ lại, bắt buộc nộp thuế, phí… thông qua tài khoản của người Việt Nam đứng tên làm thủ tục nhận quà để thực hiện hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Hình thức thứ ba là lừa đảo qua điện thoại. Hình thức này tuy không mới nhưng thời gian gần đây thường xảy ra, gây thiệt hại không nhỏ cho nhiều người. Những kẻ lừa đảo gọi điện thoại cho nạn nhân tự xưng danh là đại diện cho cơ quan pháp luật (Công an, Tòa án, Viện Kiểm soát) thông báo nợ tiền cước điện thoại, tiền điện, tiền nước, liên quan đến một vụ án, rửa tiền…
Lúc này, kẻ lừa đảo dùng lời lẽ dọa nạt yêu cầu nạn nhân phải hợp tác phục vụ yêu cầu điều tra. Nếu nạn nhân không hợp tác và làm theo hướng dẫn sẽ bị xử lý hình sự, đồng thời yêu cầu nạn nhân phải giữ bí mật, không được báo cho người nhà biết. Chúng dò hỏi thông tin cá nhân, số tài khoản, có những tài khoản gửi ở đâu và yêu cầu chuyển vào tài khoản cho “cơ quan pháp luật” kiểm tra và sẽ trả lại trong vài giờ. Sau đó, chúng cung cấp số tài khoản để chiếm đoạt tiền của nạn nhân gửi.
Hình thức thứ tư là lừa đảo bằng huy động tài chính thông qua mạng internet, núp bóng dưới mô hình kinh doanh đa cấp có sử dụng các loại tiền ảo… do các băng nhóm tội phạm xây dựng. Các máy chủ này được đặt ở nước ngoài. Nhiều nạn nhân đã tham gia bởi chúng tạo được hiệu ứng tâm lý số đông, đánh vào lòng tham, người sau nộp tiền cho người trước, càng dụ dỗ, lôi kéo được nhiều người tham gia càng có cơ hội làm giàu nhanh.
Trước tình hình này, Công an TP.HCM đã chỉ đạo các đơn vị trực thuộc tăng cường công tác phối hợp, tuyên truyền đến người dân tại cơ sở về phương thức, thủ đoạn hoạt động của loại tội phạm công nghệ cao để nâng cao tinh thần cảnh giác, phòng ngừa không để bị lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Song song đó là tăng cường các biện pháp công tác để đấu tranh, triệt phá các băng nhóm, đối tượng tội phạm này.
Phan Diệu