Dù mới được thông xe nhưng những ngày qua, cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi đã bị bong tróc, xuất hiện rất nhiều ổ gà. Đại diện VEC thừa nhận dự án này chất lượng chỉ ở mức trung bình.

Cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi hỏng nặng: Lật lại vấn đề trước thông xe

Lê Đình Dũng | 11/10/2018, 12:14

Dù mới được thông xe nhưng những ngày qua, cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi đã bị bong tróc, xuất hiện rất nhiều ổ gà. Đại diện VEC thừa nhận dự án này chất lượng chỉ ở mức trung bình.

Chất lượng 6/10?

Trả lời truyền thông mới đây, ông Nguyễn Tiến Thành -Giám đốc Ban Quản lýdự án đường cao tốc Đà Nẵng -Quảng Ngãi (thuộc Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam - VEC)đưa ra ý kiến về chất lượng tuyến cao tốc này: “Tôi nói thật, dự án này chất lượng chỉ ở mức trung bình. Nếu chấm trên thang điểm 10, chất lượng dự án này chỉ được 6 điểm”.

Vậy vì đâu dự án này chỉ đạtđiểm 6/10 như ông Thành nhận định?

Hình ảnh cao tốc Đà Nẵng -Quảng Ngãi bong tróc, dày đặc ổ gà

Cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi đoạn Tam Kỳ - Quảng Ngãi với vốn vay từ Ngân hàng Thế giới (WB) đã chậm thông xe so với hợp đồng gốc (theo hợp đồng thì các gói thầu phải kết thúc trước tháng 9.2017), cũng như chậm thông xe theotiến độ gia hạn đến ngày 30.6.2018, rồi tiếp tục chậm so với mốc cam kết trước 31.7.2018.

Theo chỉ đạo của Bộ trưởngGTVT thì ngày 2.9, toàn tuyến cao tốc Đà Nẵng -Quảng Ngãi đã thông xe khai thác. Nhiều chuyên gianhận địnhviệc đưa tuyến cao tốc vào khai thác khi chưa hoàn thiện các hạng mục có thể gây tiềm ẩn thảm họa giao thông.

Cụ thể vàotrước thời điểm thông xe, gần 90km hàng rào an toàn chưa được đóng kín, đối với cao tốc thì đây là yêu cầu bắt buộc do khi vận hành với tốc độ lớn, chỉ một cản trở nhỏ cũng đủ gây ra thảm họa tai nạn giao thông liên hoàn.

Theo báo cáo của Ban Quản lý(BQL) dự án, trước khi thông xe, hàng rào an toàn chưa đóng hết vì vướng mặt bằng 52,4km, dự kiến đóng ưu tiên các vị trí nguy hiểm và đóng hoàn thành vào ngày 31.10.2018. Nhưng chuyên gia cho rằngđối với đường cao tốc với vận tốc thông hành lớn cần đóng 100% hàng rào để ngăn cách đường cao tốc với dân cư, gia súc, vật cản...

Chưa hết, rãnh thoát nước nền đào đá, nếu thông xe sẽ làm mặt đường nhanh chóng xuống cấp và hư hỏng. Chưa hoàn thành gia cố mái taluy đắp, nguy cơ xói lở khi mùa mưa đang đến gần...

Đặc biệt, trước thời điểm thông xe, độ bằng phẳng mặt đường (thông qua chỉ số độ gồ ghề quốc tế IRI) vượt quá quy định ở gói A1, A3.

Một số đoạn đường cao tốc Đà Nẵng- Quảng Ngãi phải sửa lại mặt đường trước ngày thông xe.​

Về khắc phục sự kém chất lượng về độ bằng phẳng, theo nguồn tin, tại gói A1 nhà thầu đã cào bóc bằng máy đào có gàu là không hề đảm bảo. Theo quy định phải sử dụng máy cào bóc bê tông nhựa, sau đó nhà thầu huy động máy này vào.

Tại gói A3, nhà thầu dùng đèn khò để khò nhựa, làm thay đổi tính chất cơ lý nhựa, ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng mặt đường…

Ngày 7.8.2018, VEC có văn bản số 2169 gửi BQL dự án đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi, tư vấn giám sát CDM Smith Inc về việc hoàn thiện, khắc phục, sửa chữa các vấn đề liên quan chất lượng thi công dự án đối với chỉ tiêu độ bằng phẳng.

Văn bản của VEC nêu: “Theo phản ánh của các cơ quan báo chí, có nêu: "Theo lãnh đạo BQL dự án đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi, 4 vị trí mà hội đồng nghiệm thu nhà nước cho rằng việc thảm nhựa chưa đảm bảo chất lượng, cần khắc phục thuộc địa phận huyện Núi Thành (tỉnh Quảng Nam) và huyện Bình Sơn (tỉnh Quảng Ngãi)”. Tuy nhiên, theo ghi nhận thực tế tại hiện trường, nhà thầu đã dùng máy xúc để cào bóc lớp bê tông nhựa không đạt yêu cầu này.

Vì vậy, để đảm bảo công tác khắc phục, sửa chữa và quản lý chất lượng một cách đồng bộ trên toàn dự án tránh việc sửa chữa, làm đi làm lại,VEC yêu cầu BQL dự án đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi chỉ đạo nhà thầu và tư vấn giám sát trình biện pháp khắc phục đối với lớp bê tông nhựa có độ bằng phẳng không đạt yêu cầu tại các gói A1, A3 đã được tư vấn kiểm định KC1 và hội đồng nghiệm thu nhà nước nêu.

BQL phối hợp với tư vấn giám sát chặt chẽ công tác thi công sửa chữa của nhà thầu theo đúng biện pháp được duyệt”.

Ngày 15.8.2018, Bộ GTVT có văn bản hỏa tốc gửi VEC chỉ đạo nhà thầu, tư vấn giám sát phải kiểm tra, rà soát kỹ hiện trường thi công đối với các công việc còn lại tại các gói thầu như: hoàn thiện mái taluy nền đào đá và taluy nền đắp; đường gom dân sinh; đường ngang; hàng rào tôn lượn sóng; hàng rào hai bên tuyến; hoàn trả đường địa phương; đền bù nứt nhà và đền bù do ảnh hưởng thi công đến đất nông nghiệp, mùa vụ… để xác định cụ thể thời điểm thông xe, các nội dung công việc bắt buộc phải hoàn thành trước thời điểm thông xe, các hạng mục công việc có thể tiếp tục thi công sau thời điểm thông xe, báo cáo Bộ GTVT.

Trong đó, lưu ý phải có đánh giá về mức độ ảnh hưởng đến an toàn giao thông, an toàn bền vững cho công trình và an toàn cho người dân ở 2 bên tuyến đối với các hạng mục công việc phải thi công sau thời điểm thông xe.

Chỉ được phép thông xe nếu trong ngắn hạn (tính từ thời điểm thông xe đến thời điểm hoàn thành toàn bộ các hạng mục công trình thuộc dự án)các hạng mục công việc phải thi công sau thời điểm thông xe không làm ảnh hưởng đến an toàn giao thông, an toàn bền vững cho công trình và an toàn cho người dân ở hai bên tuyến.

Địa phương cảnh báo

Mới đây, UBND tỉnh Quảng Ngãi cho biết sau khi đưa vào khai thác tuyến cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi,VECđã không phối hợp với địa phương để giải quyết các tồn tại. Tỉnh này cảnh báo sẽ không chịu trách nhiệm nếu người dân cản trở giao thông.

Theo đó, thực hiện kết luận của Bộ trưởngGTVT Nguyễn Văn Thể, UBND tỉnh Quảng Ngãi đã có 2 công văn trong tháng 3 và tháng 4.2018 đề nghị VECkhẩn trương chỉ đạo các cơ quan, đơn vị có liên quan phối hợp với BQL dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông Quảng Ngãi (đơn vị được UBND tỉnh Quảng Ngãi giao làm đầu mối) để giải quyết các nội dung còn tồn tại, kiến nghị, đề xuất của địa phương về công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, vấn đề an sinh, ảnh hưởng trong quá trình thi công, việc hoàn trả lại đường thi công, vệ sinh môi trường… liên quan đến dự án đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi, đoạn qua địa bàn tỉnh Quảng Ngãi.

Tuy nhiên, theo báo cáo của BQL dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông Quảng Ngãi thì BQL đã có nhiều văn bản đề nghị VEC giải quyết các nội dung tồn tại, vướng mắc, nhất là các kiến nghị của cử tri nhưng chưa nhận được kết quả giải quyết của VEC.

Đồng thời, kể từ ngày dự án được thông xe đến nay thì VEC cũng không phối hợp với BQL và các địa phương giải quyết các tồn tại liên quannữa.

Vì vậy, UBND tỉnh Quảng Ngãi đề nghị Bộ GTVT quan tâm, chỉ đạo VEC khẩn trương phối hợp với BQL để giải quyết dứt điểm các tồn tại, vướng mắc liên quan đến dự án.

UBND tỉnh Quảng Ngãi không chịu trách nhiệm đối với trường hợp người dân cản trở giao thông trên tuyến đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi liên quan đến việc chậm phối hợp giải quyết của VEC.

Tại Quảng Nam, lãnh đạo tỉnh này cũng cho biết đang rốt ráo phối hợp với phía VEC để xử lý các tồn tại liên quan đến việc hoàn thành các hạng mục phụ, đường gom dân sinh, cống thoát nước trước mùa mưa bão đang tới, vấn đề đền bù cho người dân… Tuy nhiên, đến nay tiến độ vẫn rất chậm.

Dự án đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi được khởi công ngày 19.5.2013 với tổng vốn đầu tư giai đoạn 1 là 1,64 tỉ USD, tương đương gần 34.520 tỉ đồng từ vốn vay của Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA), Ngân hàng Thế giới (WB) và vốn đối ứng trong nước. Sáng 2.9.2018, Bộ Giao thông vận tải tổ chức thông xe, đưa vào khai thác toàn tuyến.

Tuyến chính cao tốc được thiết kế theo tiêu chuẩn kỹ thuật đường cao tốc loại A, quy mô 4 làn xe và 1 làn dừng xe khẩn cấp, tốc độ thiết kế 120km/giờ với đầy đủ hệ thống biển báo.

Điểm đầu của tuyến là thuộc thôn Túy Loan (xã Hòa Phong, huyện Hòa Vang, thành phố Đà Nẵng) điểm cuối thuộc xã Nghĩa Kỳ (huyện Tư Nghĩa, tỉnh Quảng Ngãi).

Toàn tuyến có 8 nút giao gồm: Túy Loan (Đà Nẵng); Phong Thử, Hà Lam, Tam Kỳ, Chu Lai (tỉnh Quảng Nam); Dung Quất, Bắc Quảng Ngãi và Quảng Ngãi (tỉnh Quảng Ngãi).

Được biết, mức phí tối thiểu là 1.500 đồng/km. Nếu đi hết toàn tuyến thì mức phí dịch vụ thấp nhất là 180.000 đồng đối với xe dưới 12 chỗ ngồi và cao nhất là 790.000 đồng đối với xe container 40 feet. Thời gian thu phí 24 năm với điều kiện đảm bảo 28.000 lượt phương tiện/ngày.

Lê Đình Dũng
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng Phạm Minh Chính: Đưa quan hệ Việt Nam - Ba Lan lên tầm chiến lược
10 giờ trước Sự kiện
Trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức Ba Lan, sáng 17.1, tại thủ đô Warsaw, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã thăm và phát biểu chính sách tại Đại học Tổng hợp Warsaw, nhấn mạnh về việc đưa quan hệ Việt Nam - Ba Lan lên tầm chiến lược, vì hòa bình và phát triển của hai khu vực Đông Nam Á và Trung Đông Âu.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi hỏng nặng: Lật lại vấn đề trước thông xe