Đánh giá về việc thu hút FDI năm 2017, Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ KH-ĐT) cho rằng một số dự án chưa bảo đảm tính bền vững, tiềm ẩn nguy cơ gây ô nhiễm môi trường, sử dụng nguồn tài nguyên không hiệu quả, chưa chú ý đầy đủ tới an ninh quốc phòng...

Cấp phép cho một số dự án FDI chưa chú ý tới an ninh quốc phòng

30/05/2018, 13:41

Đánh giá về việc thu hút FDI năm 2017, Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ KH-ĐT) cho rằng một số dự án chưa bảo đảm tính bền vững, tiềm ẩn nguy cơ gây ô nhiễm môi trường, sử dụng nguồn tài nguyên không hiệu quả, chưa chú ý đầy đủ tới an ninh quốc phòng...

Còn nhiều tồn tại trong thu hút FDI - Ảnh minh họa

FDI là đầu tàu trong xuất khẩu

Báo cáo của Cục Đầu tư nước ngoài về tình hình thực hiện và kết quả hoạt động của doanh nghiệp FDI năm 2017 cho thấy vốn thực hiện của các dự án FDI trong năm 2017 ước đạt 17,5 tỉ USD, tăng 10,8% so với cùng kỳ năm 2016.

Đây cũng là năm đánh dấu mốc cao nhất về vốn giải ngân của khu vực này trước đến nay. Giải ngân dự án FDI đạt được những kết quả trên là do công tác hỗ trợ, thúc đẩy giải ngân các dự án đã được chú trọng hơn.

Đồng thời công tác đối thoại chính sách với các nhà đầu tư đang hoạt động tại Việt Nam nhằm tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc của nhà đầu tư được đẩy mạnh, phần nào giúp các nhà đầu tư triển khai hoạt động có hiệu quả hơn.

Xuất khẩu của khu vực FDI (kể cả dầu thô) trong 2017 đạt 155 tỉ USD, tăng 22,8% so với cùng kỳ năm 2016 và chiếm 72,5% tổng kim ngạch xuất khẩu. Xuất khẩu không kể dầu thô trong năm 2017 đạt 152,2 tỉ USD tăng 22,9% so với cùng kỳ 2016, chiếm 71,1% tổng kim ngạch xuất khẩu.

Nhập khẩu của khu vực FDI năm 2017 đạt 126,4 tỉ USD, tăng 23,4% so với cùng kỳ năm 2016 và chiếm 59,9% tổng kim ngạch nhập khẩu. Tính chung trong năm 2017, khu vực FDI xuất siêu 28,7 tỉ USD kể cả dầu thô và xuất siêu 25,8 tỉ USD không kể dầu thô.

Cơ quan này cho rằng xuất khẩu của khu vực đầu tư nước ngoài là một điểm sáng trong bức tranh kinh tế chung của Việt Nam trong năm vừa qua.

Tỷ trọng xuất khẩu của khu vực này trong tổng kim ngạch xuất khẩu có xu hướng ngày càng tăng trong các năm gần đây (năm 2010 là 54,1%; năm 2011 là 56,9%; năm 2012 là 64%, năm 2013 là 66,9%, năm 2014 là 68%, năm 2015 là 70,5%, năm 2016 là 71,5%). Trong năm 2017 đạt mức cao nhất từ trước đến nay 155 tỉ USD, chiếm 72,5% kim ngạch xuất khẩu.

Theo Cục Đầu tư nước ngoài, việc giải ngân các dự án FDI đạt kết quả ấn tượng. Mặc dù bối cảnh nền kinh tế thế giới và trong nước vẫn gặp nhiều khó khăn, thách thức nhưng các nhà đầu tư vẫn triển khai giải ngân vốn và tiếp tục mở rộng hoạt động sản xuất kinh doanh tại Việt Nam.

Bên cạnh đó, vốn đăng ký cấp mới, tăng thêm và góp vốn mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài tăng mạnh so với cùng kỳ năm 2016 (vốn cấp mới tăng 40,1%, vốn điều chỉnh tăng 35,1%, góp vốn mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài tăng 40,1%).

Với việc tỷ trọng các dự án FDI trong lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo đang ngày càng tăng, đặc biệt một số dự án lớn để sản xuất hàng xuất khẩu đang tích cực giải ngân, mở rộng sản xuất (Samsung, Nokia, LG, Formosa...), dự kiến khu vực doanh nghiệp FDI vẫn tiếp tục giữ vị trí đầu tàu trong việc tạo ra giá trị xuất khẩu trong các năm tới.

Bên cạnh đó, cơ cấu đầu tư theo hướng tích cực, phần lớn doanh nghiệp FDI vẫn tập trung vào lĩnh vực công nghiệp chế biến chế tạo và tiếp tục có tác động tích cực đến sự phát triển các ngành công nghiệp của Việt Nam, phù hợp với chủ trương công nghiệp hóa – hiện đại hóa của nước ta.

Giá trị gia tăng thấp, gây ô nhiễm

Tuy nhiên, bên cạnh đó vẫn có nhiều tồn tại, hạn chế. Đó là mục tiêu về thu hút các dự án công nghệ cao, sản phẩm có sức cạnh tranh, chuyển giao công nghệ chưa đạt yêu cầu. Đa phần các dự án được cấp phép là dự án quy mô nhỏ. Các dự án có quy mô dưới 5 triệu USD, chiếm 87,8%, dự án dưới 1 triệu USD chiếm 65,7%).

Đầu tư nước ngoài chủ yếu tập trung vào lắp ráp, tỷ lệ nội địa hóa thấp; giá trị xuất khẩu thực hiện theo hình thức gia công, sử dụng nhiều lao động. Giá trị gia tăng tạo ra tại Việt Nam thấp.

Công nghiệp phụ trợ còn yếu. Hiệu ứng lan tỏa, tính liên kết của khu vực FDI đối với khu vực trong nước chưa cao.

Do ảnh hưởng khủng hoảng kinh tế kéo dài, đến nay một số nhà đầu tư gặp khó khăn nên triển khai dự án không đúng tiến độ.

Một số dự án được cấp phép nhưng chưa bảo đảm tính bền vững, tiềm ẩn nguy cơ gây ô nhiễm môi trường, tiêu tốn năng lượng, sử dụng nguồn tài nguyên không hiệu quả, chưa chú ý đầy đủ tới vấn đề an ninh quốc phòng.

Một số doanh nghiệp còn hạn chế về kiến thức, sự am hiểu về pháp luật tại Việt Nam, kinh nghiệm quản lý và trách nhiệm đối với xã hội, chưa tự giác tuân thủ pháp luật, chưa đảm bảo quyền lợi của người lao động, ít quan tâm đến việc xây dựng quan hệ lao động hài hòa; chưa giải quyết dứt điểm những tồn đọng về nợ thuế, nợ bảo hiểm xã hội.

Dự kiến vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện năm 2018 dự kiến đạt 18-18,5 tỉ USD, tăng 2,8-5,7% so với năm 2017. Xuất khẩu (không kể dầu thô): 155 tỉ USD, tăng 9,2% so với ước thực hiện năm 2017 và chiếm trên 70% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước.

Theo đó, cần tăng cường công tác kiểm tra, giám sát hoạt động đầu tư để rà soát, phân loại các dự án FDI. Đồng thời, tăng cường kiểm tra, giám sát quá trình cấp phép và quản lý dự án FDI của các cơ quan cấp giấy chứng nhận để chấn chỉnh công tác cấp phép và quản lý sau cấp phép.

Tiếp tục thực hiện các biện pháp thúc đẩy giải ngân, không cấp phép các dự án công nghệ lạc hậu, có tác động xấu tới môi trường; thẩm tra kỹ các dự án sử dụng nhiều đất, giao đất có điều kiện theo tiến độ dự án; cân nhắc về tỷ suất đầu tư/diện tích đất, kể cả đất khu công nghiệp.

Tiến hành rà soát các dự án đã cấp giấy chứng nhận đầu tư trên địa bàn cả nước để có hướng xử lý đối với từng loại dự án, đặc biệt với các dự án quy mô lớn, sử dụng nhiều đất đai bao gồm cả việc rút giấy phép nếu cần thiết.

Nâng cao hiệu quả của công tác thực thi pháp luật, có chế tài xử phạt mạnh đối với các trường hợp vi phạm. Thường xuyên rà soát để đồng bộ hóa luật pháp, đồng thời, tăng cường năng lực của bộ máy cơ quan quản lý, đối thoại, tháo gỡ khó khăn cho các nhà đầu tư...

Lam Thanh

Bài liên quan
Đà Nẵng: Khởi tố Tổng giám đốc Công ty GFDI cùng thuộc cấp về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản
Cơ quan CSĐT Công an TP.Đà Nẵng đã khởi tố 5 bị can là lãnh đạo và nhân viên Công ty GFDI về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Điểm mới của lễ trao Giải thưởng Sách quốc gia lần thứ 7
một giờ trước Văn hóa
Ngày 22.11, Ban tổ chức Giải thưởng Sách quốc gia lần thứ 7 tổ chức họp báo thông tin về lễ trao giải sẽ diễn ra vào ngày 29.11 tại Nhà hát lớn Hà Nội.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Cấp phép cho một số dự án FDI chưa chú ý tới an ninh quốc phòng