Dù hạnh phúc gia đình chưa thực sự vẹn tròn nhưng Nguyên vẫn may mắn khi có được sự thấu hiểu cùng tình yêu thương vô điều kiện từ mẹ và anh trai.

Câu chuyện xúc động của người con chuyển giới và tình yêu vô bờ của mẹ và anh trai

Theo Trí Thức Trẻ | 12/08/2016, 16:02

Dù hạnh phúc gia đình chưa thực sự vẹn tròn nhưng Nguyên vẫn may mắn khi có được sự thấu hiểu cùng tình yêu thương vô điều kiện từ mẹ và anh trai.

Sau hơn một tháng triển khai, "Tôi muốn được lắng nghe..." đã trở thành một trong số những mảng nội dung được quan tâm và yêu thích nhất của chiến dịch We Are Family - Con mơ điều giản dị.Với sứ mệnh kết nối và lan tỏa yêu thương, " Tôi muốn được lắng nghe..."đã thành công trong việc chắp cánh cho những tình cảm cao đẹp nhưng chưa có cơ hội được bày tỏ của rất nhiều người.

Chắc hẳn các bạn độc giả cũng giống như những người thực hiện chương trình chúng tôi, sau mỗi lần lắng nghe tâm sự của các nhân vật được lựa chọn xuất hiện trong từng clip, đều cảm thấy vô cùng xúc động và tự nhủ bản thân phải thay đổi, phải yêu thương và quan tâm nhiều hơn tới gia đình.

Câu chuyện của ngày thứ Sáu tuần này đến từ một người con/người em chuyển giới mang tên Phạm Hoàng Nguyên. Trong phần chia sẻ của mình, Nguyên đã nhắc đến tất cả các thành viên trong gia đình mình: bố, mẹ, anh trai. Dù hạnh phúc gia đình chưa được vẹn tròn nhưng Nguyên thực sự là một người may mắn bởi người thân của Nguyên luôn yêu thương và chấp nhận sự khác biệt của cậu. Chúng ta hãy cùng lắng nghe tâm sự của Phạm Hoàng Nguyêndưới đây:
"Chiều hôm đấy đi lên phòng, thấy một hộp quà trong tủ quần áo thì linh cảm đấy là quà của bố đem về. Mở ra xem trong đấy có một cái khăn len, một bức tượng và một cái thiệp. Ngay lập tức em mở cái thiệp đó ra, thấy bố viết ở dưới là câu em nhắn với bố trên facebook: "Con nhớ bố rất nhiều. Bố về với con!". Lúc đấy cảm giác rất là khó tả! Nếu như bố đã đọc được lời nhắn, bố hiểu được và viết ra như thế, như nói với em là bố đã đọc được rồi, nhưng mà bố vẫn không về. Rất là buồn, thất vọng..."
Người đầu tiên Nguyên nhắc đến trong đoạn clip là bố. Chắc hẳn ông là người giữ vai trò vô cùng quan trọng trong lòng cậu. Tuy nhiên vì một lẽ gì đó mà người con giàu tình cảm ấy không được ở gần bố của mình. Nguyên đã lấy rất nhiều dũng khí và can đảm để viết lên facebook cậu nhớ ông, muốn ông trở về nhà. Nhưng những gì Nguyên nhận được chỉ là những món quà cùng dòng chữ bố để lại trên tấm thiệp. Cậu đã rất thất vọng và buồn bã.
"Lúc đấy em chạy lên phòng đóng cửa tắt đèn, ngồi khóc, chẳng muốn gặp ai cả, trong đầu chỉ hiện lên hình ảnh của anh, của chị. Ngay lập tức Nguyên gọicho anh. Không ngờ anh bỏ hết công việc, anh đi về. Về anh ôm em, lúc đấy em cũng chỉ biết khóc...".
Tuy bố không trở về bên cậu nhưng đổi lại, Nguyên lại có được một người anh trai vô cùng tâm lý, yêu thương em hết lòng. Ngay khi nghe được "lời cầu cứu" của Nguyên, anh trai cậu đã không ngần ngại bỏ hết công việc để trở về nhà, ôm cậu vào lòng.
"Cảm giác lúc đấy được anh ôm em chẳng biết nói thế nào cả. Thực sự cảm thấy lúc ấy không có anh thì em chẳng biết làm thế nào. Nhiều lúc thì em cũng muốn nói với anh nhưng chẳng biết mở lời ra sao. Em thực sự rất là yêu anh, rất là tự hào về anh trai của mình".
Hành động đó của người anh trai đã khiến Nguyên cảm động đến tận bây giờ. Do không thể trực tiếp mở lời, cậu đã nhờ "Tôi muốn được lắng nghe..." nhắn rằng cậu rất yêu và tự hào về anh. Cậu cũng có một mong ước nho nhỏ, đó là "mong một lần nữa được anh ôm như ngày hôm ấy. Anh ôm em và anh nói là anh thương em. Anh thông cảm cho em. Dù em có như thế nào thì em mãi là em của anh".

Sau khi nhắc đến bố và anh, Hoàng Nguyên tiếp tục nói về người phụ nữ quan trọng nhất trong cuộc đời cậu:"Việc em là Trans thì mẹ đã chấp nhận hoàn toàn. Mẹ gần như là đã công khai với tất cả mọi người về việc mẹ có hai đứa con trai". Khi Nguyên chọn chi tiết này để bộc bạch tình cảm với mẹ của cậu, chúng tôi hiểu rằng trong mắt Nguyên, đó là một trong số những điều đẹp đẽ nhất, vĩ đại nhất mà mẹ đã dành cho cậu. Tôi cho rằng dù hạnh phúc gia đình chưa thực sự vẹn tròn nhưng Nguyên vẫn là một cậu bé may mắn khi có được tình yêu thương vô điều kiện từ mẹ và anh trai.

Trong cuộc phỏng vấn nhanh cùng "Tôi muốn được lắng nghe..." Hoàng Nguyên tỏ ra vô cùng cởi mở khi trả lời những câu hỏi của chúng tôi. Các câu trả lời của cậu đều rất chi tiết. Có lẽ từ rất lâu rồi, Nguyên đã mong có cơ hội được giải bày.

- Chào Nguyên! Bạn là người đầu tiên trong số các nhân vật của "Tôi muốn được lắng nghe..." chủ động chia sẻ về tình cảm với không chỉ một mà rất nhiều thành viên trong gia đình: bố, mẹ, anh trai. Hẳn là bạn rất yêu thương và trân trọng họ?
Với em, gia đình là số 1! Gia đình là hậu phương vững chắc nhất mà em có. Những khi mệt mỏi chuyện trường lớp, bạn bè hay công việc, chỉ cần về nhà là em lại thấy cuộc sống bình yên, thấy mọi thứ không đáng để mình phải suy nghĩ quá nhiều. Thời gian để nghĩ về những thứ khiến mình bực bội, khó chịu nên được thay bằng việc quan tâm mọi người trong nhà thì tốt hơn. Em yêu gia đình mình và luôn thấy tự hào về người thân dù gia đình em không còn được nguyên vẹn như trước.
- Bố trong mắt Nguyên là người thế nào? Bạn có thể chia sẻ về lí do ông thường xuyên vắng nhà? Vào cái ngày bạn viết lên facebook là nhớ bố, muốn bố về nhà, bạn đã mất rất nhiều dũng khí phải không?
Bố mẹ em ly thân được 3 năm rồi. Nếu như trước đây, bố là thần tượng của em thì cái ngày bố bước ra khỏi nhà để đi theo người đàn bà khác, hình ảnh của bố hoàn toàn vỡ vụn trong em. Nó là sự thất vọng đến tột cùng. Những cái khác về bố em xin phép không nhắc đến.
- Bạn bắt đầu “come out” từ khi nào? Phản ứng của từng người trong gia đình bạn khi đó? Trước khi nói ra, bạn có sợ rằng họ sẽ không chấp nhận?
Em "come out" trước khi bước vào lớp 12 độ 1 hay 2 tháng, vào mùa hè thì phải. Ban đầu em nói chuyện với ông nội. Vì ông là người vừa tình cảm lại sống rất hiện đại nên em nghĩ sẽ có được sự ủng hộ khi nói với ông đầu tiên. Em nói ra xong ông cứ khóc mãi thôi. Ông vốn buồn vì gia đình em có biến cố như vậy, rồi bây giờ lại biết em là Trans nữa. Sau đó em nhờ ông nói chuyện với mẹ em vì mẹ không hiểu biết lại hay nghe anh nên chắc chắn sẽ có suy nghĩ kì thị.

Sau khi ông nói với mẹ, mẹ liền đưa em đến viện Tâm thần Mai Hương để khám. Mẹ nghĩ em bị bệnh. Em không cáu giận gì, kì thực thì phản ứng này của mẹ em thấy khá bình thường. Thậm chí là rất nhẹ nhàng, chứ không như nhiều gia đình khác là đánh chửi con, rồi đuổi khỏi nhà. Em đến viện như mẹ mong muốn, lúc ấy em đang chữa trầm cảm ở viện đó (em trầm cảm do chuyện bố bỏ 3 mẹ con để đi với người khác). Các bác sĩ tâm lý trong viện tư vấn khá nhiều cho mẹ để mẹ em hiểu. Thế là thời gian đó khi em đến viện để chữa bệnh trầm cảm thì mẹ cũng đi theo để được tư vấn về các vấn đề trong cộng đồng LGBT.
"Come out" với mẹ em nghĩ là khó khăn nhất vì mẹ em không hiểu biết nhiều. Về sau em mới hiểu, việc nói ra sự thật với anh trai mới là khó nhất. Có thể do quan điểm khác biệt nên anh kì thị những người trong cộng đồng LGBT. Mỗi khi đọc hay xem nhưng thông tin gì về LGBT, có thể anh sẽ không quan tâm, hoặc là nói rất khó chịu, nhưng lời lẽ mà anh dùng về họ khá khó nghe làm em buồn.
Vậy nên khi quyết định công khai với anh, em cũng không dám nói chuyện trực tiếp mà chỉ nhắn cho anh một tin khá dài, và anh không trả lời. Lúc đầu vì tưởng anh không nhận được tin nhắn nên em lấy hết dũng khí để nói chuyện trực tiếp. Nhưng chưa nói được gì, anh đã gạt đi và không nói nữa. Những lần sau em cũng cố gắng gợi chuyện nhưng anh làm lơ và không quan tâm.
- Mẹ của Nguyên hiện tại đã chấp nhận việc bạn là Trans, và còn công khai với mọi người rằng mình có hai cậu con trai. Điều này khiến bạn vui chứ? Mối quan hệ giữa bạn và mẹ hiện giờ có tốt không?
Hôm 5.8 vừa rồi, mẹ có nói chuyện với em. Mẹ nói hẳn là mẹ đã nói chuyện với các bác hàng xóm trên cửa hàng về việc của em, mọi người đừng thắc mắc về ngoại hình hay tóc tai em nữa. Các cô chú bạn mẹ gần như cũng biết hết và rất hiểu cho em. Thực sự em rất là vui! Mẹ em đang cố gắng thay đổi cách xưng hô cũng như tên gọi của em để khi ra ngoài mọi người nhìn mặt và nghe tên cho đỡ hiểu nhầm. Mẹ cũng không ngại khi người khác nhìn em và hỏi: "Con trai chị à?”. Trước mẹ còn hay giải thích em làcon gái này nọ, còn bây giờ thì vui vẻ trả lời: “Ừ con trai chị!”
- Trong đoạn clip, bạn chia sẻ nhiều nhất là về anh trai. Mối quan hệ giữa hai anh em bạn hẳn là rất gắn bó và đã có với nhau khá nhiều kỷ niệm đẹp?
Anh rất yêu thương và chiều em, nhưng là hồi còn bé thôi chứ lớn lớn hơn hai anh em toàn đánh nhau (cười). Nhiều lúc em thấy rất ghét anh, vì anh toàn cậy lớn rồi bắt nạt em. Nhưng dù sao thì vẫn là anh em, có đánh nhau cãi nhau to đến đâu đi nữa thì cũng vẫn là anh em. Kỷ niệm mà em nhớ nhất giữa hai anh em có lẽ là việc vì xêm xêm tuổi nhau nên quần áo toàn lẫn vào tủ của nhau. Có lần anh đi làm, mặc quần bò của em đi mà không biết. Đến công ty mọi người khen quần đẹp thì anh mới ngó ngó xuống nhìn. Sau đó anh nhắn tin cho em hỏi: “Quần này của mày à?" Mà đúng là quần em thật!
- Nếu được ước một điều gì đó về đến gia đình, Nguyên sẽ ước gì?
Em ước cho gia đình mình luôn luôn khỏe mạnh, ba mẹ con luôn yêu thương nhau. Em cũng mong anh trai chịu nói ra suy nghĩ của mình cho em nghe chứ đừng im lặng như anh vẫn làm. Bản thân em cũng là người ít bộc lộ cảm xúc, ít khi dám nói là “em yêu anh” hay là “con yêu mẹ”. Em thường bày tỏ tình cảm qua hành động nhiều hơn. Tuy nhiên sau này nếu có cơ hội, em sẽ cố gắng bày tỏ cảm xúc trong lòng với người thân của mình.
- Cảm ơn những chia sẻ của bạn. Chúc Nguyên và gia đình luôn mạnh khỏe. Và điều ước của bạn sẽ thành sự thật nhé!

Bản dạng giới:Cách một người cảm nhận về giới tính của bản thân. Không phụ thuộc vào giới tính về mặt sinh học cơ thể.

Người đồng tính:Người chỉ bị thu hút bởi người cùng giới với mình.

Người song tính:Người có thể bị thu hút bởi cả người cùng giới và khác giới với mình.

Người chuyển giới:Người sinh ra với giới tính này nhưng lại không cảm nhận bản thân mang giới tính đó. Không phụ thuộc vào việc họ đã chuyển giới hay chưa, hay có ý định chuyển giới hay không.

Người chuyển giới có thể cảm nhận bản thân mang giới tính ngược lại với giới tính sinh học (VD: sinh ra là nam nhưng cảm nhận mình là nữ), cũng có thể cảm nhận bản thân vừa là nam, vừa là nữ, hoặc đôi khi là cảm nhận mình không mang giới tính cụ thể nào.

Theo Bảo Yến/Trí Thức Trẻ

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tổng Bí thư Tô Lâm tiếp đoàn kiều bào tiêu biểu tham dự chương trình 'Xuân quê hương 2025'
2 giờ trước Sự kiện
Chiều 19.1, tại Trụ sở Trung ương Đảng, Tổng Bí thư Tô Lâm đã tiếp đoàn 100 kiều bào tiêu biểu tham dự chương trình "Xuân quê hương 2025" do Ủy ban Nhà nước về Người Việt Nam ở nước ngoài, Bộ Ngoại giao tổ chức.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Câu chuyện xúc động của người con chuyển giới và tình yêu vô bờ của mẹ và anh trai