Không chỉ chờ đến khi quả non to cỡ bằng chân cái người lớn, nhiều vườn cau vừa ra trái của người dân ở xứ ngàn cau Sơn Tây (Quảng Ngãi) cũng được thương lái đã đến tận nhà đặt tiền cọc, hoặc mua và để đó chờ thu hoạch.
Thu tiền tỉ từ cau
Dù đã giảm ước gần ½ diện tích, thế nhưng với khoảng 1.200ha, huyện miền núi Sơn Tây vẫn là địa phương có diện tích cây cau nhiều nhất ở Quảng Ngãi.
Không riêng gì bà Rê, vụ thu hoạch năm nay, với giá cau được mua tại vườn lên đến từ 15-17.000 đồng/kg cau tươi xô và từ 20-22.000 đồng/kg cau lựa; gấp từ 2-5 lần so với nhiều vụ trước đó, đã mang lại hàng tỉ đồng cho hàng ngàn hộ người dân tộc thiểu số Kdong ở nơi đây.
Ông Đinh Văn Bạch (39 tuổi), ở xã Sơn Mùa kể: Thay vì để trái già như những vụ trước đó, năm nay gần như 100% số thương lái đến chỉ hỏi mua cau non.
Già Đinh Văn Min (65 tuổi) bày tỏ: Tôi gần cả đời gắn với cây cau, thế nhưng chưa bao giờ thấy cau non được hỏi mua với giá cao và nhiều như lần này. Cũng một vài lần có hỏi số người đến mua cau của gia đình, nhưng họ cho biết cũng chỉ nghe nói để xuất bán ra nước ngoài.
Ngay cả nhiều chủ cơ sở chế biến lớn ở TP.Quảng Ngãi, câu trả lời cũng khá chung chung: Toàn bộ số cau mua được đều bán cho Trung Quốc, nghe nói sau đó phía Trung Quốc mang bán tiếp cho Ấn Độ. Còn vì sao chỉ mua cau non và để làm gì thì chịu.
Đánh bạc với... cau
Không chỉ mua cau non với kích cỡ to bằng ngón chân cái người lớn trở lên, mà ngay cả số cau vừa ra trái cỡ bằng ngón tay cũng được thương lái đến tận nhà đặt cọc, hoặc hỏi mua rồi chờ lớn để thu hoạch.
“Do số lượng đi mua quá đông nên tôi và 2 người khác ở cùng quê hùn tiền đặt cọc, hoặc mua khi cau vừa ra quả nhỏ, với số lượng hiện được khoảng 6.000 cây”, chị Bình, một thương lái quê ở xã Nghĩa Lâm, huyện Tư Nghĩa không giấu diếm.
Một góc thủ phủ cau Sơn Tây. |
Nói về cách mua theo kiểu này, chị Bình giải thích: Bình quân thu hoạch 3 buồng cau quả/cây, với mỗi buồng nặng trung bình khoảng 5kg. Hiện giá mua là 15.000 đồng/kg, tính ra mỗi cây có thể thu số tiền trên dưới 225.000 đồng.
Trên cơ sở này, tùy theo tính toán đến thời điểm thu hoạch còn bao lâu mà người mua sẽ trả tiền cho chủ vườn. Thông thường số tiền trả từ 100.000-120.000 đồng/cây/vụ thu hoạch.
“Mới nghe thì có vẻ người mua lợi to, thế nhưng chẳng khác kiểu đánh bạc là mấy bởi lẽ cau mua kiểu này thường phải chờ cả tháng mới có thể thu hoạch. Nếu giá cau không hạ, hoặc giảm xuống chút ít thì lợi nhuận khá hơn; chứ chỉ cần xuống còn một nửa thì xem như lỗ nặng. Mà không gì cau, với nhiều mặt hàng nông sản khác nói chung thì chuyện đầu mùa giá cao, nhưng chính mùa giá tụt đáy, bán không ai mua là thường xuyên”, chị Quỳnh, một thương lái quê ở huyện Sơn Tịnh bày tỏ.