Pekka Lundmark, Giám đốc điều hành Nokia, đã thực hiện cuộc gọi bằng công nghệ mới gọi là "âm thanh và video đa chiều", cải thiện chất lượng cuộc gọi với âm thanh ba chiều (3D), làm tương tác trở nên chân thực hơn, công ty cho biết hôm 10.6.
Nhịp đập khoa học

CEO Nokia thực hiện cuộc gọi 'đa chiều' đầu tiên trên thế giới

Sơn Vân 10/06/2024 18:20

Pekka Lundmark, Giám đốc điều hành Nokia, đã thực hiện cuộc gọi bằng công nghệ mới gọi là "âm thanh và video đa chiều", cải thiện chất lượng cuộc gọi với âm thanh ba chiều (3D), làm tương tác trở nên chân thực hơn, công ty cho biết hôm 10.6.

"Chúng tôi đã trình diễn tương lai của cuộc gọi thoại", Pekka Lundmark nói. Ông cũng có mặt trong phòng khi cuộc gọi 2G đầu tiên được thực hiện vào năm 1991.

Các cuộc gọi trên smartphone hiện nay là đơn âm, nén các yếu tố âm thanh lại với nhau, nghe phẳng hơn và ít chi tiết hơn, nhưng công nghệ mới sẽ mang lại âm thanh 3D, khi người gọi sẽ nghe thấy mọi thứ như thể họ đang ở đó với người đầu bên kia.

"Đây là bước nhảy vọt lớn nhất trong trải nghiệm gọi thoại trực tiếp kể từ khi âm thanh điện thoại đơn âm được sử dụng trong smartphone và máy tính ngày nay", Jenni Lukander, Chủ tịch Nokia Technologies, nói.

Là một công ty con thuộc tập đoàn Nokia (Phần Lan), Nokia Technologies tập trung vào nghiên cứu, phát triển và cấp phép các công nghệ tiên tiến cho các lĩnh vực viễn thông, mạng lưới và iinternet vạn vật (IoT). Nokia Technologies đóng vai trò quan trọng trong việc định hướng chiến lược công nghệ cho Nokia và là nguồn thu chính cho công ty mẹ này.

Cuộc gọi đa chiều của Pekka Lundmark được thực hiện với Stefan Lindström, Đại sứ Kỹ thuật số và Công nghệ mới của Phần Lan.

"Điều này đang được tiêu chuẩn hóa, vì vậy các nhà cung cấp mạng, hãng sản xuất chipset, nhà sản xuất điện thoại có thể bắt đầu triển khai nó trong các sản phẩm của họ", Jenni Lukander nói trong một cuộc phỏng vấn.

Giám đốc điều hành Nokia đã thực hiện cuộc gọi đa chiều bằng một chiếc smartphone thông thường qua mạng 5G công cộng. Ngoài cuộc gọi đa chiều giữa các cá nhân, công nghệ này có thể được sử dụng trong các cuộc gọi hội nghị, nơi giọng nói các thành viên có thể được tách biệt dựa trên vị trí không gian của họ, theo Jyri Huopaniemi - trưởng bộ phận nghiên cứu âm thanh tại Nokia Technologies.

Phần lớn smartphone hiện nay có ít nhất hai microphone mà công nghệ mới này có thể được triển khai bằng cách truyền các đặc điểm không gian của cuộc gọi theo thời gian thực, những lãnh đạo Nokia cho biết.

Công nghệ này là một phần của tiêu chuẩn 5.5G (5G Advanced) sắp tới. Nokia đặt mục tiêu có được cơ hội cấp phép sử dụng công nghệ mới, mà có thể phải mất vài năm nữa mới được phổ biến rộng rãi.

ceo-nokia-thuc-hien-cuoc-goi-da-chieu-dau-tien-tren-the-gioi.jpg
Pekka Lundmark vừa thực hiện cuộc gọi bằng công nghệ mới gọi là "âm thanh và video đa chiều" - Ảnh: Flickr

5.5G sẽ mang lại tốc độ tăng gấp 10 lần so với các mạng 5G hiện có, cũng như độ trễ thấp hơn và mức tiêu thụ điện năng ít hơn cho người tiêu dùng và ngành công nghiệp, gồm cả trò chơi thực tế ảo (VR) và các phương tiện được kết nối.

Công nghệ 5.5G đã được Huawei ca ngợi là bước tiến trong công nghệ viễn thông, tạo cầu nối cho sự phát triển lên 6G, dự kiến sẽ diễn ra trong thập kỷ tới.

5.5G vượt trội so với 5G khi đạt tốc độ tải xuống 10 GB/giây, tải lên 1 GB/giây. Trong kỷ nguyên dữ liệu khổng lồ được đưa lên đám mây, tính năng livestream và công nghệ 3D trở nên phổ biến, 5.5G được đánh giá sẽ đóng vai trò quan trọng ở nhiều ngành khác nhau.

Trong lĩnh vực IoT, 5.5G hỗ trợ 100 tỉ kết nối, nhiều gấp 10 lần 5G hiện tại. Về mặt trải nghiệm, công nghệ mới rút ngắn độ trễ từ 20 mili giây của 5G giai đoạn đầu xuống còn 1 mili giây, hỗ trợ định vị ở cấp độ centimet thay vì cấp độ mét.

5.5G mang lại bước tiến lớn tiếp theo trong công nghệ truyền thông

Ngành công nghiệp truyền thông di động thường tuân theo chu kỳ thế hệ 10 năm. Việc chuyển từ 4G sang 5G đã thay đổi trải nghiệm internet di động và ngành này đang mong đợi ứng dụng thương mại của thế hệ tiếp theo. Trong thời gian chờ đợi đó, 5.5G đang phát triển mạnh mẽ tại Trung Quốc.

Tổ chức tiêu chuẩn quốc tế 3GPP, chịu trách nhiệm ban hành các thông số kỹ thuật, đã thiết lập các tiêu chuẩn kỹ thuật cho 5.5G vào năm 2021.

Sự phát triển của công nghệ 5G rất nhanh chóng và rộng khắp. Tính đến cuối năm 2023, đã có hơn 300 mạng 5G thương mại được triển khai trên toàn thế giới, bao phủ khoảng 100 quốc gia. Số lượng người dùng 5G toàn cầu đã đạt hơn 1,5 tỉ, tăng trưởng với tốc độ gấp 7 lần so với 4G cùng thời kỳ.

Trong giai đoạn 5.5G, các doanh nghiệp Trung Quốc đang hướng tới mục tiêu tái hiện vị trí dẫn đầu về tốc độ xây dựng. Các công ty viễn thông lớn, gồm cả Huawei và China Unicom, đang nhanh chóng triển khai các tiêu chuẩn kỹ thuật này để cải thiện tốc độ mạng và tạo điều kiện thuận lợi cho việc xây dựng các nhà máy thông minh, nâng cấp công nghiệp.

Nhà phân tích Cui Kai của hãng IDC, chuyên về công nghệ 5G và IoT, cho biết 5.5G về cơ bản đã tối ưu hóa việc xây dựng mạng 5G, mang lại những cải tiến đáng kể. Băng thông người dùng di động dự kiến sẽ tăng từ 1Gbps lên 10Gbps, độ trễ sẽ giảm đáng kể và những tiến bộ trong công nghệ IoT nhờ tối ưu hóa phổ tần cùng công nghệ khác sẽ giúp mang lại độ tin cậy cao và độ trễ thấp cho dây chuyền sản xuất công nghiệp.

Sự phát triển công nghệ này không chỉ liên quan đến khoa học và kỹ thuật mà còn đáp ứng nhu cầu của người dùng.

“Trong tiến bộ khoa học, thường là các nhà khoa học là người tạo ra những đột phá mới và các kỹ sư đưa nó vào cuộc sống. Trong viễn thông, các kỹ sư tùy chỉnh thiết bị dựa trên nhu cầu của người dùng”, Cui Kai nói.

Trong khi 5G truyền thống tập trung vào ba yếu tố là băng thông, độ trễ và số lượng người dùng được kết nối, không phải cả ba đều cần được tối ưu hóa đồng thời. Với khả năng phân bổ phổ động (dynamic spectrum), 5.5G cho phép các trạm gốc mới chủ động phân phối lưu lượng, tối ưu hóa tài nguyên mạng cho từng người dùng và nâng cao đáng kể trải nghiệm người dùng.

Sự dẫn đầu của Trung Quốc trong lĩnh vực công nghệ 5G đã tạo ra nhiều ứng dụng thực tế và hữu ích trong các lĩnh vực công nghiệp khác nhau. Với công nghệ 5.5G, các ứng dụng này sẽ được cải thiện hơn nữa.

Ví dụ: Mạng 5G đã cho phép điều khiển từ xa robot trong môi trường nguy hiểm, chẳng hạn vận hành giếng sâu hoặc xe khai thác, cải thiện đáng kể độ an toàn vận hành. Chất lượng mạng cao cải thiện khả năng kiểm soát của người vận hành và cho phép phản hồi theo thời gian thực với các điều kiện tại chỗ.

Một ví dụ đáng chú ý khác là cảng Thanh Đảo ở miền bắc Trung Quốc, cảng hoàn toàn tự động đầu tiên ở châu Á, đã lập kỷ lục thế giới về hiệu quả bốc dỡ container nhờ khả năng làm mới dữ liệu ở mức mili giây do mạng 5G cung cấp.

Trong một ví dụ khác về ứng dụng công nghiệp, China Telecom và nhà cung cấp hệ thống phun nhiên liệu Nanyuediankong (NYDK) đã xây dựng một nhà máy thông minh 5G, nơi robot, được kết nối với tín hiệu 5G, thực hiện chính xác các nhiệm vụ như cung cấp, xử lý và vận chuyển nguyên liệu. Hiệu quả đạt được là rất đáng chú ý, với các robot hậu cần có khả năng thực hiện 90 chuyến mỗi ngày, vận chuyển 1.800 bộ phận.

Theo Song Xiaodi, những tiến bộ trong công nghệ IoT dựa trên 5G cũng tiến triển với sự ra đời của mạng 5.5G.

Điều này đã được chứng minh tại Đại hội thể thao châu Á Hàng Châu (ASIAD 19) vào tháng 9.2023, khi các phương tiện hậu cần trong làng vận động viên sử dụng năng lượng lithium mới và công nghệ IoT chủ động được hỗ trợ bởi 5.5G để đảm bảo an toàn.

Trước đây, việc kiểm tra và báo cáo nhiệt độ thủ công là cần thiết để đảm bảo an toàn cho pin, nhưng với 5.5G, một mô đun thẻ nhỏ được lắp trên xe sẽ giao tiếp với trạm gốc cách xa hơn 200 mét mà không cần nguồn điện, đạt độ chính xác 99% trong việc cải thiện an toàn và hiệu suất vận hành.

Tuy nhiên, mô hình phát triển và vận hành của công nghệ 5G có sự khác biệt đáng kể giữa Trung Quốc với Mỹ, trong đó các nhà cung cấp Mỹ tập trung vào người dùng doanh nghiệp có giá trị hơn.

Theo một ý kiến trên trang web của Huawei, tại Mỹ, “chi phí cho một trạm gốc cao hơn nhiều, phản ánh mô hình hoạt động có giá trị cao với sự phủ sóng kinh doanh chính xác”. Điều này hoàn toàn trái ngược với cách tiếp cận của Trung Quốc. Ở Mỹ, các ứng dụng nhà máy thông minh như ở Trung Quốc ít phổ biến hơn.

Ericsson, nhà cung cấp thiết bị 5G lớn, đã thành lập một nhà máy thông minh ở thành phố Lewisville (bang Texas, Mỹ) để lắp ráp thiết bị 5G của riêng mình. Song, những nâng cấp như vậy trong dây chuyền sản xuất không được thấy ở các công ty khác.

Ford Motor có kết nối 5G của Ericsson tại nhà máy ở Tây Ban Nha, nhưng việc sử dụng internet không được nêu rõ trên trang web của họ.

Sự chậm trễ về sản xuất công nghiệp trong giai đoạn 5G có thể tăng lên ở giai đoạn 5.5G, đặc biệt là các quy trình sản xuất cốt lõi cao cấp đòi hỏi phản ứng nhanh, chẳng hạn như gia công các bộ phận ô tô.

China Unicom và Huawei đã hợp tác với EA Automation, nhà sản xuất phụ tùng ô tô hàng đầu tại Trung Quốc, để thí điểm các ứng dụng công nghiệp 5.5G. Sự hợp tác đã thử nghiệm mạng nguyên mẫu trên dây chuyền hàn ô tô, đánh dấu ứng dụng đầu tiên của 5.5G trong các liên kết cốt lõi của điều khiển công nghiệp và xác minh kỹ thuật đầu tiên của hệ thống sản xuất linh hoạt hoàn toàn không dây.

Điều khiển công nghiệp truyền thống phụ thuộc rất nhiều vào mạng có dây để vận hành thiết bị. Tuy nhiên chuyển động và xoay của cánh tay robot trong các cơ cấu này có thể làm mòn dây cáp, gây ra thời gian ngừng hoạt động đáng kể. Sự ra đời của công nghệ 5.5G hứa hẹn sẽ giải quyết căn bản vấn đề này.

Về các giai đoạn phát triển của công nghệ di động, Nhật Bản đã bắt đầu sử dụng 4G thương mại vào năm 2010, trong khi Trung Quốc cấp giấy phép 4G gần 4 năm sau đó vào tháng 12.2013. Theo mô hình tương tự, Hàn Quốc đã công bố sử dụng 5G thương mại vào tháng 3.2019 và Trung Quốc cũng làm theo vài tháng sau.

Wu Hequan, học giả của Học viện Kỹ thuật Trung Quốc và Chủ tịch Hiệp hội internet Trung Quốc, cho biết trong một cuộc phỏng vấn: “Giờ đây, với 5.5G, Trung Quốc không chỉ bắt kịp mà còn đi đầu về công nghệ ở cấp độ ứng dụng”.

Bài liên quan
Nokia, Ericsson ngừng kinh doanh ở Nga khi Phần Lan, Thụy Điển có thể sắp gia nhập NATO
Giám đốc điều hành Nokia nói với Reuters rằng nhà sản xuất thiết bị viễn thông Phần Lan đang rút khỏi thị trường Nga.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Ngoại giao 'Cây tre Việt Nam' trong tác phẩm của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng
29 phút trước Theo dòng thời sự
Tại Hội nghị Đối ngoại toàn quốc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ 13 của Đảng, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nêu ra trường phái ngoại giao Việt Nam hiện đại và mang đậm bản sắc dân tộc - trường phái ngoại giao “Cây tre Việt Nam”.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
CEO Nokia thực hiện cuộc gọi 'đa chiều' đầu tiên trên thế giới