Trẻ em có cha mẹ ăn nhiều thức ăn giàu chất béo có nhiều khả năng mắc bệnh béo phì và tiểu đường. Theo nghiên cứu công bố trên tạp chí Nature Genetics, sự ảnh hưởng này thậm chí đến từ trước cả khi đứa trẻ được sinh ra.
Trong những thập kỷ gần đây, thế giới đã chứng kiến sự gia tăng bệnh tiểu đường rất nhanh mà không tìm ra nguyên nhân, nên cứ đổ lỗi là do di truyền.
Di truyền cũng là một sự giải thích cho tình trạng bệnh gia tăng đột ngột này khi cha mẹ di truyền cho con cái thông qua ADN. Tuy nhiên, các nhà khoa học tin rằng vẫn còn cách khác để di truyền thông tin cho thế hệ tiếp theo bằng cách thừa kế biểu sinh (Epigenetic inheritance)
Các nghiên cứu chỉ ra rằng những đứa trẻ trước khi sinh ra có cha hay mẹ, hoặc cả cha và mẹ đều béo phì do tiêu thụ nhiều chất béo, thì chúng sẽ dễ mắc bệnh béo phì, tiểu đường.
Các tác giả kết luận rằng các yếu tố biểu sinh trong giao tử đóng một vai trò quan trọng trong việc chuyển nguy cơ béo phì và bệnh tiểu đường từ cha mẹ sang con cái.
Giáo sư Martin Hrabě de Angelis, giám đốc Viện Di truyền học thực nghiệm (Institute of Experimental Genetics), người khởi xướng cuộc nghiên cứu, cho biết: "Đây là loại thừa kế biểu sinh, một rối loạn chuyển hóa do chế độ ăn uống không lành mạnh. Nó có thể là nguyên nhân chính giải thích cho sự gia tăng đột ngột bệnh tiểu đường trên khắp thế giới từ những năm 1960".
Các nhà nghiên cứu tin rằng lần đầu tiên họ chứng minh được con cái có thể kế thừa một rối loạn chuyển hóa không qua di truyền mà qua ảnh hưởng môi trường đến trứng và tinh trùng, phù hợp với các lý thuyết của Lamarck và Darwin.
Ngọc Trác