Theo Bộ Kế hoạch – Đầu tư, công tác giải ngân vốn ODA vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế dẫn đến mức giải ngân trong năm 2015 thấp hơn cùng kỳ năm ngoái. Điều này gây ảnh hưởng tiêu cực đến các dự án, làm chậm tiến độ so với kế hoạch đặt ra.

Chậm giải ngân vốn ODA gây ảnh hưởng tiêu cực đến nhiều dự án

Trí Lâm | 20/05/2016, 15:12

Theo Bộ Kế hoạch – Đầu tư, công tác giải ngân vốn ODA vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế dẫn đến mức giải ngân trong năm 2015 thấp hơn cùng kỳ năm ngoái. Điều này gây ảnh hưởng tiêu cực đến các dự án, làm chậm tiến độ so với kế hoạch đặt ra.

Theo báo cáo tổng hợp của Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH-ĐT), tổng số vốn ODA và vốn vay ưu đãi giải ngân trong năm 2015 đạt khoảng 4.600 triệu USD, trong đó, ODA vốn vay khoảng 4.350 triệu USD, ODA viện trợ không hoàn lại khoảng 250 triệu USD.

Mức giải ngân này thấp hơn khoảng 18,6% so với năm 2014. Đáng chú ý, số liệu báo cáo mới nhất của bộ này cho thấytổng số vốn ODA ký kết tính từ đầu năm 2016 đến hết tháng 4.2016 đạt khoảng 1 tỉ USD, nhưng giải ngân ước mới đạt 610 triệu USD.

Theo đánh giá của Bộ KH-ĐT, mức giải ngân ODA và vốn vay ưu đãi hiện nay không đồng đều giữa các ngành, lĩnh vực và giữa các địa phương. Những chương trình, dự án trong các lĩnh vực như giao thông, năng lượng điện, phát triển đô thị có mức giải ngân cao hơn so với các lĩnh vực khác như y tế, giáo dục -đào tạo, thông tin truyền thông, lao động, thương binh -xã hội.

Nhận định về công tác giải ngân vốn ODA, Bộ KH-ĐT cho rằng mặc dù có những mặt tích cực song vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế dẫn đến mức giải ngân trong năm 2015 thấp hơn cùng kỳ năm ngoái, chỉ bằng 92% kế hoạch giải ngân vốn ODA đề ra năm 2015 (5 tỉ USD).

“Đặc biệt, vấn đề chậm trễ trong giải ngân vốn đối ứng được đánh giá là tồn tại lớn có nguy cơ ảnh hưởng tiêu cực đến các dự án, làm chậm tiến độ so với kế hoạch đặt ra” – bản báo cáo nhận định.

Theo đó, việc chậm trễ trong giải ngân vốn đối ứng cho các dự án ODA đang khiến hầu hết các dự án trong lĩnh vực giao thông vận tải (GTVT) và phát triển đô thị thuộc phạm vi quản lý của Bộ GTVT chậm nộp thuế giá trị gia tăng bởi vì vốn đối ứng phải ưu tiên cho giải phóng mặt bằng. Điều này dẫn tới tình trạng Ban quản lý dự án phải dự trù để chuyển tiền cho các địa phương thực hiện đền bù giải phóng mặt bằng.

Còn theo báo cáo tổng hợp trước đó của Cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo quốc gia về ODA và vốn vay ưu đãi, 6 tháng đầu năm, thông qua các hoạt động hợp tác phát triển, tổng vốn ODA và vốn vay ưu đãi ký kết đạt trên 1,590 tỉ USD (vốn vay ODA và vay ưu đãi 1,573 tỉ USD, viện trợ không hoàn lại 17 triệu USD), bằng 70,54% so với cùng kỳ năm 2014.

Theo báo cáo này, nguyên nhân gây chậm trễ tiến độ thực hiện và giải ngân chủ yếu vẫn là vướng mắc về quy định, quy chuẩn, tiêu chuẩn chuyên ngành; vướng mắc do các điều chỉnh, thay đổi trong quá trình thực hiện dự án.

Một lý do nữa là do khác biệt về quy trình, thủ tục giữa Việt Nam và các nhà tài trợ và do vốn đối ứng không được bố trí đầy đủ và kịp thời, công tác giải phóng mặt bằng...

Để khắc phục tình trạng này, Bộ KH-ĐT đã đề xuất Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan nghiên cứu trình Chính phủ xem xét sửa đổi, bổ sung Nghị định 78/2010/NĐ-CP về cho vay lại nguồn vốn vay nước ngoài của Chính phủ; đồng thời ban hành Nghị định chính quyền địa phương vay lại vốn vay ODA và vốn vay ưu đãi, ban hành Nghị định cho vay lại vốn vay nước ngoài của Chính phủ thông qua cơ quan cho vay lại chịu rủi ro tín dụng, nhằm chia sẻ gánh nặng cho ngân sách trung ương, đồng thời nâng cao trách nhiệm và hiệu quả sử dụng nguồn vốn ODA và vốn vay ưu đãi.

Bộ KH-ĐT nhận định, việc giảm bớt gánh nặng ngân sách trung ương thông qua nguồn vốn bổ sungsẽ góp phần giảm bớt áp lực tiến độ và thời hạn giải ngân vốn đối ứng vốn đang thường xuyên bị chậm trễ như hiện nay.

Trước đó, Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải cũng chỉ đạo, trong bối cảnh nước ta trở thành nước có thu nhập trung bình, việc thu hút các nguồn vốn ODA và vốn vay ưu đãi sẽ khó khăn hơn. Vì vậy, việc giải ngân, sử dụng nguồn vốn này một cách hiệu quả tối đa là nhiệm vụ lớn mà mỗi bộ, ngành, địa phương phải tập trung, chú ý.

Theo đó, Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải đề nghị các bộ ngành, địa phương có tỷ lệ giải ngân vốn ODA thấp phải quyết liệt trong công tác điều hành nhằm nâng cao tỷ lệ giải ngân, hiệu quả sử dụng nguồn vốn này.

Trí Lâm
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Kinh tế-xã hội những năm gần đây và triển vọng trong năm nay - Bài 5: Thách thức và triển vọng
Bước vào năm 2024, nền kinh tế Việt Nam đứng trước những thách thức lớn buộc phải quan tâm, đó là: thuế tối thiểu toàn cầu, thuế môi trường và nguồn năng lượng.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Chậm giải ngân vốn ODA gây ảnh hưởng tiêu cực đến nhiều dự án