Ngân hàng thương mại Việt Nam bị tin tặc tấn công được hãng tin Financial Times đề cập vào cuối tuần trước chính là Ngân hàng TMCP Tiên Phong. Tuy nhiên, cuộc tấn công này đã bất thành và TPBank vẫn bảo toàn được 1 triệu Euro.
Vào ngày 13.5, hãng tin Financial Times đưa tin, một ngân hàng Việt Nam đã bị các tội phạm công nghệ cao sử dụng cùng phương pháp như đã làm với Ngân hàng trung ương Bangladesh để ăn cắp tiền.
Theo đó, một phát ngôn viên của Swift - công ty có chức năng chính là cung cấp dịch vụ chuyển tiền liên ngân hàng quốc tế cho biết, các tin tặc có thể đã cài mã độc (malware) vào một phần mềm ứng dụng của Swift dùng cho dịch vụ thanh toán và chuyển khoản trái phép một lượng tài chính.
Bên cạnh đó, Adrian Nish - người đứng đầu một nhóm nghiên cứu của Đơn vị an ninh mạng BAE Systems có trụ sở ở Anh cũng cho biết, họ tìm thấy phần mềm độc hại trên một trang web phân tích trực tuyến. Các phần mềm độc hại đã được gửi từ Việt nam và có chi tiết của một ngân hàng thương mại Việt Nam.
Sau đó, ngân hàng thương mại Việt Nam được xác định bị tin tặc tấn công là Ngân hàng TMCP Tiên Phong.
Lý giải điều này với báo chí, đại diện Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank) cho biết, thời gian trước, TPBank đã sử dụng dịch vụ thuê ngoài của một đối tác để kết nối với hệ thống Swift qua các máy chủ của đối tác này, được đặt tại nước ngoài từ các máy trạm độc lập.
Tuy nhiên vào quý 4.2015, TPBank đã phát hiện có giao dịch đáng ngờ, với số tiền hơn 1 triệu Euro được chuyển bằng các điện Swift không hợp lệ.
"Ngay sau khi phát hiện ra, chúng tôi đã yêu cầu các bên liên quan dừng thực hiện và đã kiểm soát được các giao dịch trên, nên tránh được thiệt hại", đại diện TPBank cho biết.
Sau khi ngăn chặn được sự cố, TPBank đã chủ động ngừng sử dụng dịch vụ thuê ngoài của đối tác này và chuyển sang sử dụng hệ thống hoàn toàn mới kết nối trực tiếp với Swift do ngân hàng tự vận hành với mức độ bảo mật cao hơn.
Duyên Duyên
Ảnh minh họa