“Sự am hiểu về thủy sản của ông khá có chừng mực và năng lực quản lý có giới hạn. Do đó, việc công ty của ông Khuân vỡ nợ và ông trốn ra nước ngoài, tôi hoàn toàn không bất ngờ. Dân “chợ trời” chuyển sang làm thủy sản, khó sống”, một chuyên gia thủy sản chia sẻ.

Chân dung đại gia thủy sản nợ gần 1.600 tỉ đồng bỏ trốn

Một Thế Giới | 23/07/2015, 06:21

“Sự am hiểu về thủy sản của ông khá có chừng mực và năng lực quản lý có giới hạn. Do đó, việc công ty của ông Khuân vỡ nợ và ông trốn ra nước ngoài, tôi hoàn toàn không bất ngờ. Dân “chợ trời” chuyển sang làm thủy sản, khó sống”, một chuyên gia thủy sản chia sẻ.


Từng là tay trùm buôn lậu xăng dầu ở Sóc Trăng
Đầu tuần này, TAND tỉnh Sóc Trăng mở phiên tòa sơ thẩm xét xử 1 trong 10 vụ “đại án” đặc biệt nghiêm trọng từng được Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng chỉ đạo xử lý. Đó là vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản của Công ty CP Chế biến thực phẩm Phương Nam (Sóc Trăng). Vay các ngân hàng hơn 1.600 tỷ đồng nợ gốc, sau đó ông Chủ tịch HĐQT Lâm Ngọc Khuân (SN 1953, ngụ TP. Sóc Trăng) cùng vợ con đã trốn sang Mỹ. Việc này khiến 25 cán bộ ngân hàng phải ra hầu tòa vì vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng.
Theo lời ông B., một người bạn học của ông Khuân, thì ông này quê gốc ở Sóc Trăng, từng tốt nghiệp tú tài trường tư thời trước năm 1975. Sau giải phóng, khoảng năm 1977, ông Khuân nổi lên là đầu nậu về buôn lậu xăng dầu khá có tiếng ở Sóc Trăng. Thời ấy, xăng dầu là mặt hàng khan hiếm, việc mỗi lần ông Khuân thắng 1 áp phe, bỏ túi cả trăm lượng vàng là chuyện thường. “Nó lúc ấy gọi thẳng ra là dân “chợ trời”. Nhưng làm ăn có người nâng đỡ như kiểu buôn xăng dầu, nó cũng phải chi đậm trở lại và ăn chơi khủng khiếp”, ông B. nói.
Mỗi khi gặp mặt ông B., ông Khuân hay dẫn đi nhậu nhẹt. Mấy lần đầu, ông B. khá sửng sốt với cách chi tiền bạt mạng và bạo tay của ông Khuân. Nhưng khi biết rõ “ngành nghề” mà ông Khuân đang làm, ông mới giải tỏa được thắc mắc. Ông B. chia sẻ: “Nói thật, nó phong lưu từ thời mới giải phóng. Còn mình thì làm việc Nhà nước, lương bổng khi đó có bao nhiêu. Nên sau này gặp cũng né mặt, vì sợ nó rủ nhậu, bao hoài”.
Ông Khuân có mối quan hệ khá tốt ở Sóc Trăng khi đó, nên công việc làm ăn khá thuận lợi. Không bao lâu sau, ông chuyển sang buôn, xe gắn máy, xe ô tô. Thời đó, nếu mua được xe từ Campuchia về mà có “mối” hợp thức hóa bán lại, lãi mỗi chiếc cũng 1-2 cây vàng. Ông Khuân thì “quất” với số lượng lớn, nên trúng đậm.
Sau những năm 90 của thế kỷ trước, kinh tế mở cửa, một số công ty xuất khẩu thủy sản ăn nên làm ra. Nhận thấy cơ hội làm ăn mới, sẵn vốn tích lũy được cũng khá khá, ông Khuân đã quyết định chuyển sang kinh doanh hải sản. Năm 1998, Công ty TNHH Phương Nam được thành lập và 2 năm sau chuyển thành Công ty CP Chế biến thực phẩm Phương Nam, chuyên thu mua, chế biến tôm, mua bán thức ăn cho tôm, vật tư phục vụ nuôi tôm...
Thời gian đầu, công ty của ông Khuân kinh doanh khá thuận lợi, nhất là khi chưa có nhiều doanh nghiệp cạnh tranh. Từng có một thời, đi đâu cũng dễ bắt gặp những chiếc xe đông lạnh mang nhãn hiệu Phương Nam chở tôm rong ruổi suốt các tuyến quốc lộ để chuyển nguyên liệu về công ty, hoặc chở về TP. HCM tập kết ra cảng xuất khẩu. Nhắc đến Phương Nam, ai cũng choáng ngợp về tên tuổi và quy mô của nó, nhất là bắt đầu từ khoảng năm 2003.
Là dân “chợ trời”, chuyển sang xuất khẩu nên chết đứng
Ông Ng.M.Tr., một chuyên gia lâu năm trong ngành thủy sản, từng quen biết ông Khuân ngay những ngày đầu ông này chân ướt chân ráo vào lĩnh vực thủy sản, kể: “Ngay từ đầu, tôi không đánh giá cao về khả năng thành công đường dài của ông Khuân. Sự am hiểu về thủy sản của ổng khá có chừng mực và năng lực quản lý có giới hạn. Do đó, khi càng nhiều doanh nghiệp thủy sản ra đời, áp lực cạnh tranh khủng khiếp thì việc công ty của ông Khuân vỡ nợ và ổng trốn ra nước ngoài, tôi hoàn toàn không bất ngờ. Dân “chợ trời” chuyển sang làm thủy sản, khó sống”.
Ổng Tr. phân tích về những nguyên nhân dẫn đến sự sụp đổ của ông Khuân: “Làm thủy sản phải tính toán, kiểm tra rất dữ. Ví dụ, bao nhiêu kg tôm nguyên liệu sẽ cho ra 1kg thành phẩm, để bảo đảm tính hiệu quả. Nhưng ông Khuân lại khá hời hợt trong những chuyện như vậy”. Tất nhiên, người ớ vị trí cao nhất không thể gánh vác cả những chuyện đó mà phải có những trợ thủ đắc lực làm thay. Nhưng ông Khuân lại không có cả đội ngũ ấy. “Khuân tính rất đa nghi, cứ như Tào Tháo. Do đó, lính không trung thành, mà có tâm lý còn làm được ngày nào thì ráng “ăn” ngày đó. Ai cũng đục khoét, công ty sao mạnh nổi”, ông Tr. kể.
Theo ông Tr., từng có một người là giám đốc doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản quốc doanh ở TP. HCM rất giỏi, nhận lời về làm tổng giám đốc cho ông Khuân. Nhưng chỉ sau một thời gian ngắn, ông này phải ra đi vì không chịu nổi tính cách của ông Khuân cũng như cung cách quản lý quá cảm tính. Nhiều người giỏi nữa cũng đến rồi đi không bao lâu. Ngay cả quản đốc phân xưởng cũng thay đổi xoành xoạch.
Đầu năm 2005, khi Mỹ bắt đầu tính thuế chống bán phá giá tôm, thì công ty của ông Khuân là 1 trong 5 doanh nghiệp bị áp mức thuế cao nhất. Và ông tính đường liều của dân “chợ trời”, quen kiểu làm ăn chụp giật, đó là hạ giá xuất khẩu tôm để giành khách với các doanh nghiệp khác trong nước, nhằm tìm thị trường mới thay thế thị trường Mỹ... Bán phá giá cùng năng lực quản lý yếu kém đã dẫn Phương Nam đến con đường dần phá sản!
Cú giãy chết của vị đại gia làm liên lụy hàng chục cán bộ ngân hàng
Năm 2012, con số thua lỗ của Phương Nam đã gần 1,000 tỷ đồng và trước đó, vào cuối năm 2011, ông Khuân cùng vợ đã trốn sang Mỹ với lý do chữa bệnh. Công ty được giao lại cho con gái của ông là Lâm Ngọc Hân lèo lái. Nhưng cũng chỉ đến tháng 7/2012, Hân đã trốn theo cha để lại món nợ trên 1.752 tỷ đồng tại 8 ngân hàng, trong đó nợ gốc gần 1.600 tỷ đồng.
Vì sao ông Khuân phù phép để vay được số tiền khổng lồ như vậy? Bởi ông ta rất hào phóng trong các dự án nhằm khoe mẽ để “lấy mác đại gia” với các ngân hàng mà... bòn tiền. Một vị nguyên là Phó giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Sóc Trăng kể: “Ông Khuân xây căn biệt thự ở Sóc Trăng 28 tỷ đồng, như tòa lâu đài “công tử Bạc Liêu” (nhà ông Khuân xây vào khoảng thời gian năm 2008-2011, hiện được “chủ nợ” dùng kinh doanh khách sạn - PV). Còn vuông tôm ông Khuân mua, sau đó tất cả đều được xây hàng rào kiên cố, tốn khá nhiều tiền, nhưng trông rất bề thế”.
Với cái mác đại gia nên các ngân hàng lúc đó còn “giành giật” ông Khuân về mình để cho vay. Chỉ với 19 báo cáo tài chính không để nâng lỗ thành lãi, nâng giá trị lượng hàng từ 123 tỷ đồng lên 747 tỷ đồng, sau đó “phù phép” photo 1 bộ hồ sơ mua nguyên liệu ra thành nhiều bản, ông Khuân đã qua mặt các ngân hàng để ào ào nhận tiền vay. Ông định gom vốn chơi tất tay ván bài cuối, nhưng dè đâu thị trường xuất khẩu càng lúc càng ảm đạm khiến ông thua lỗ tiếp... Và thay vì xuất tôm sang Mỹ, ông đã “xuất khẩu” cả gia đình sang đó luôn để trốn nợ.
Theo điều tra ban đầu, các lãnh đạo ngân hàng và nhân viên đã không hề kiểm tra kho nguyên liệu trước khi giải ngân. Lý do? Rất đơn giản, ông Khuân từng là dân “chợ trời”, biết cách “chơi” như biếu xén để êm đẹp từng phi vụ, lẽ nào không biết “chơi đẹp” với các cán bộ ngân hàng? Còn các cán bộ ngân hàng, quá tự tin với vẻ bề thế của vị đại gia. Do đó, dư luận đánh giá, việc hàng loạt cán bộ ngân hàng ra tòa lần này không có gì oan sai.
Theo Tuổi trẻ & Đời sống
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Hạn hán khô khát khốc liệt ở miền Tây Nam Bộ
một giờ trước Theo dòng thời sự
Kênh rạch khô nứt nẻ; đường sá sạt lở sụt lún khiến giao thông ách tắc; hàng vạn người dân thiếu nước sạch sinh hoạt… là những gì đã và đang diễn ra tại nhiều địa phương vùng ĐBSCL hiện nay.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Chân dung đại gia thủy sản nợ gần 1.600 tỉ đồng bỏ trốn