EVFTA được xem là "đòn bẩy" giúp cà phê Việt Nam ngày càng lớn mạnh tại châu Âu và "hiên ngang" cạnh tranh với các đối thủ Brazil, Honduras...

Châu Âu uống cà phê nhiều nhất thế giới, Việt Nam hưởng lợi gì?

Tuyết Nhung | 03/11/2020, 18:38

EVFTA được xem là "đòn bẩy" giúp cà phê Việt Nam ngày càng lớn mạnh tại châu Âu và "hiên ngang" cạnh tranh với các đối thủ Brazil, Honduras...

EVFTA - "đòn bẩy" phát triển thương hiệu cà phê Việt

Thụy Điển, Đan Mạch và Na Uy là 3 quốc gia ở châu Âu có lượng tiêu thụ bình quân cà phê trên đầu người mỗi năm khá cao và xếp vào top đầu của thế giới, sau Phần Lan.

ca-phe(1).jpg
Xuất khẩu cà phê Việt Nam hưởng lợi từ Hiệp định EVFTA - Ảnh: T.N

Trong đó, Na Uy đứng thứ hai trên thế giới về tiêu thụ cà phê bình quân đầu người với mức ước tính 9,9 kg mỗi năm. Đan Mạch và Thụy Điển xếp thứ tư và thứ sáu trong bảng xếp hạng này, với lần lượt 8,7 kg và 8,2 kg.

Ở Đan Mạch, Thụy Điển và Na Uy, cà phê chủ yếu được tiêu thụ là cà phê đen, không có sữa và đường, vì vậy chất lượng của cà phê rất quan trọng. Brazil là nhà cung cấp cà phê lớn nhất cho Na Uy, Thụy Điển và Đan Mạch lần lượt là 44%, 40% và 27%.

Việt Nam chủ yếu xuất khẩu cà phê chưa rang, chưa khử chất cafein vào Thụy Điển, Đan Mạch và Na Uy khoảng 6,8 triệu USD năm 2019. Trong khi đó, mỗi năm các nước này nhập khẩu khoảng 455 triệu USD và chủ yếu nhập khẩu từ Brazil, Honduras. Như vậy, dư địa phát triển mặt hàng này của Việt Nam tại châu Âu còn rất lớn.

Các nước Bắc Âu chủ yếu nhập khẩu hạt cà phê Arabica và chỉ nhập khẩu lượng nhỏ cà phê Robusta. Trong khi đó, Việt Nam lại chủ yếu xuất khẩu cà phê Robusta, chiếm khoảng 95% lượng xuất khẩu cà phê của Việt Nam. Ngoài ra, vấn đề môi trường cũng được đặc biệt quan tâm.

Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA) có hiệu lực từ ngày 1.8 vừa qua, trong đó mặt hàng cà phê được hưởng thuế 0% sẽ giúp cà phê Việt Nam có lợi thế cạnh tranh so với các đối thủ khác tại khu vực này và đây là cơ hội cho các doanh nghiệp Việt Nam.

Vì vậy, để thúc đẩy xuất khẩu cà phê vào châu Âu, Bộ Công Thương khuyến nghị các doanh nghiệp cần chú trọng vào khâu canh tác, phát triển sản xuất xuất gắn với môi trường bền vững để tạo thu hút người tiêu dùng.

Ngoài ra, phân khúc cà phê cao cấp cần được phát triển mạnh tại khu vực Bắc Âu do mức thu nhập cao cũng như văn hóa cà phê phát triển mạnh hơn các nước khác. Theo EVFTA, 39 sản phẩm của Việt Nam được EU công nhận và bảo hộ chỉ dẫn địa lý, trong đó có cà phê Buôn Mê Thuột.

Ngoài việc phát triển thị trường cà phê truyền thống, các doanh nghiệp nên cân nhắc đến việc phát triển thương hiệu cà phê đặc sản, đó là những sản phẩm cà phê từ vùng trồng có điều kiện tự nhiên cùng với quy trình chăm sóc, thu hoạch, chế biến đặc biệt, khi thử nếm có hương vị riêng và đạt từ 80 điểm trở lên theo tiêu chuẩn và quy trình đánh giá của Hiệp hội cà phê đặc sản thế giới (SCA) và Viện chất lượng cà phê thế giới (CQI).

Nâng cao chất lượng từ khâu thu hoạch

Hiện nay, chuỗi giá trị của cà phê bao gồm 6 khâu chính: sản xuất nguyên phụ liệu, trồng trọt, chế biến thô sơ, rang xay, marketing và phân phối sản phẩm.

Việt Nam được xem là một trong những nước xuất khẩu nguyên liệu cà phê hàng đầu thế giới. Sản lượng hàng năm rất cao nhưng giá trị thu về lại thấp do chất lượng không đồng đều, tỷ lệ hạt vỡ cao nên giá bán thấp hơn sản phẩm cùng loại của các nước khác.

Trao đổi với PV Một Thế Giới, TS Nguyễn Văn Lạng - chuyên gia nông nghiệp, nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk - cho biết, mỗi năm Việt Nam xuất khẩu khoảng 1,8 triệu tấn cà phê, đứng thứ hai thế giới chỉ sau Brazil nhưng giá trị thu về rất thấp, chỉ đạt khoảng 3,5 tỉ USD mỗi năm.

Theo ông, khâu thu hoạch của Việt Nam còn rất yếu khiến chất lượng cà phê chưa cao. Đây cũng là một trong những yếu tố quan trọng tác động đến giá trị sản phẩm cà phê.

Để cà phê đạt chất lượng cao khi thu hoạch, TS Nguyễn Văn Lạng đề xuất người nông dân cần phải áp dụng các chế độ canh tác hợp lý, hữu cơ, tưới nước và bón phân theo nhu cầu của cây, đồng thời áp dụng các công nghệ của Nhật Bản, EU... Đặc biệt, thu hoạch cà phê phải chín, tỷ lệ thu hoạch quả chín phải trên 95% thì chất lượng cà phê xuất khẩu sẽ cao hơn.

Bên cạnh đó, cần đầu tư hệ thống sau thu hoạch như sân phơi, máy sấy... để đảm bảo được chất lượng hạt cà phê sau thu hái. Để chất lượng cà phê đạt tốt hơn, TS Lạng đề xuất nên tái canh hoặc ghép chồi.

Bài liên quan
Nước, hạn hán và cà phê ở Tây Nguyên: Tìm lối ra cho sự phát triển lâu dài của cây chủ lực
Tây Nguyên đang vào cuối mùa khô. Nhưng theo dự báo, năm nay mùa khô có thể kéo dài tới cuối tháng 5. Khi nào bướm bay rợp trời, lao lia lịa vào kính xe trên đường thì báo hiệu mùa mưa Tây Nguyên sắp về. Năm 1994 - 1995 và cả năm 2005 nữa, Tây Nguyên từng đại hạn, nhưng có lẽ năm nay hạn nặng nhất.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Xuất khẩu gạo Việt Nam có nhiều cơ hội
một giờ trước Kinh tế - đầu tư - dự án
Ông Nguyễn Phúc Nam, Phó vụ trưởng Vụ thị trường châu Á - châu Phi (Bộ Công Thương), cho biết trong quý 1/2024, gạo Việt Nam xuất khẩu vẫn tiếp tục chiếm lĩnh các thị trường gạo thế giới.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Châu Âu uống cà phê nhiều nhất thế giới, Việt Nam hưởng lợi gì?