Giá nhà đất tại Việt Nam đang quá cao so với thu nhập bình quân của người dân. Vì vậy, nhiều cơ quan, chuyên gia đề xuất chính sách để kéo giảm giá nhà đất.
Đẩy mạnh nguồn cung nhà ở giá thấp
Chiều 30.10, thông tin tại họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 10, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Lê Quang Hùng cho biết giá nhà dù do thị trường quyết định song vẫn cần những chính sách đảm bảo đại đa số người dân có thu nhập trung bình, thấp có cơ hội mua nhà. Vì vậy, ông Hùng đưa ra các giải pháp để kéo giảm giá nhà đất.
Theo ông Hùng, để tăng cung nhà giá rẻ, nhà ở xã hội thì phải có chính sách đẩy mạnh nguồn cung nhà ở xã hội với khung giá 15-20 triệu đồng một m2. Ông Hùng cho biết hiện nay Việt Nam đã có đầy đủ cơ chế, chính sách với mục đích tạo ra nguồn cung căn hộ vừa mức thu nhập để người dân có thể mua được.
Bên cạnh nhà ở xã hội, Bộ Xây dựng cũng đang đề xuất cơ chế chính sách cho nhà ở thương mại giá rẻ. Những căn nhà này có khung giá 20-28 triệu đồng một m2 cho phép xây nhà có diện tích dưới 45m2. Thế nhưng, ông Hùng nói rằng cái này do thị trường quyết định.
Còn với nhà ở thương mại thông thường, có giá khoảng 30-45 triệu đồng một m2, ngoài việc tìm cách tăng nguồn cung, ông Hùng cho rằng cần phải minh bạch hoá thông tin để người mua được tiếp cận trực tiếp với chủ đầu tư, tránh qua các khâu đầu cơ, môi giới.
7 gói giải pháp tổng thể kéo giảm giá nhà ở
Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) cũng mới có văn bản gửi Thủ tướng, Bộ Xây dựng với nội dung "làm thế nào để kéo giảm giá nhà và có nhiều nhà ở vừa túi tiền, nhà ở xã hội đáp ứng nhu cầu nhà ở của đông đảo người có thu nhập trung bình, người có thu nhập thấp đô thị".
Theo nghiên cứu của HoREA, có tổng cộng 8 loại chi phí cấu thành nên nhà ở, đó là bồi thường giải phóng mặt bằng, nộp tiền sử dụng đất, nộp tiền bảo vệ đất lúa, chi phí tạo lập quỹ đất dự án, xây dựng, quản lý, chi phí tài chính và có cả loại chi phí không tên.
Trong các nhóm chi phí này vẫn còn nhiều bất cập tác động rất lớn đến giá thành nhà ở trên thị trường hiện nay. Tuy nhiên, HoREA nhìn nhận nếu Chính phủ điều chỉnh chính sách có thể kéo giảm rất nhiều chi phí đầu vào. Do vậy, HoREA đã kiến nghị nhiều gói giải pháp có thể kéo giảm giá nhà.
Thứ nhất, HoREA đề nghị thay đổi cách thu tiền sử dụng đất dự án nhà ở thương mại, chuyển thành sắc thuế đánh trên hành vi chuyển mục đích sử dụng đất từ đất nông nghiệp, đất phi nông nghiệp thành đất ở. Cụ thể, mức thuế suất có thể bằng khoảng 15-20% giá đất trong bảng giá đất.
Thứ hai, chính quyền địa phương có thể xem xét giảm mức thu tiền bảo vệ đất lúa tối thiểu 50% bảng giá đất, nhất là trong trường hợp bảng giá đất phù hợp giá thị trường. HoREA cũng đề nghị HĐND TP.HCM và UBND TP.HCM xem xét giảm mức thu tiền bảo vệ đất lúa bằng 80% bảng giá đất hiện nay.
Thứ ba, HoREA đề nghị UBND TP.HCM ban hành quy trình chuẩn 4 bước về đầu tư xây dựng trong bước thủ tục hành chính nhằm rút ngắn thời gian thực hiện toàn bộ các thủ tục hành chính.
Thứ tư, Chính phủ cần sớm sửa đổi, bổ sung Nghị định 100 để hoàn thiện cơ chế, chính sách phát triển nhà ở xã hội. Nhà nước cần mở thêm cơ chế thu hút nhiều doanh nghiệp tham gia và sử dụng hiệu quả các quỹ đất được quy hoạch phát triển nhà ở xã hội.
Thứ năm, theo HoREA, Chính phủ cần sớm triển khai đề án phát triển nhà ở thương mại giá thấp, trong đó có các cơ chế, chính sách ưu đãi về tiền sử dụng đất, thuế, tín dụng để khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư dự án nhà ở thương mại giá rẻ. Đây là loại nhà chung cư có mức giá không quá 20 triệu đồng một m2 ở các tỉnh lẻ và không quá 22-25 triệu đồng một m2 ở các đô thị loại 1, đô thị đặc biệt.
Thứ sáu, HoREA cho rằng giá nhà có thể được kéo giảm khi Nhà nước kiến tạo môi trường kinh doanh minh bạch, công bằng. Vì vậy, hiệp hội này đề nghị Quốc hội và Chính phủ coi trọng giải quyết điểm nghẽn về thể chế pháp luật.
Cuối cùng, HoREA nhìn nhận các doanh nghiệp bất động sản cũng cần nâng cao năng lực quản trị doanh nghiệp, nâng cao năng suất lao động thông qua ứng dụng công nghệ, sử dụng hiệu quả nguồn lực, kiểm soát tốt chi phí quản lý để làm giảm giá thành nhà ở.