Rạng sáng 26.4, một vụ hỏa hoạn lớn đã xảy ra và thiêu rụi hoàn toàn Bảo tàng lịch sử tự nhiên quốc gia của Ấn Độ tại trung tâm thủ đô New Delhi.
Theo Sở cứu hỏa thành phố New Dehli, đám cháy bùng lên vào khoảng 1 giờ 45 phút (giờ địa phương) tại tầng sau của Bảo tàng lịch sử tự nhiên quốc gia của Ấn Độ, sau đó lan nhanh sang các tầng khác của tòa nhà. Dù lực lượng cứu hỏa đã ngay lập tức đến hiện trường nhưng đám cháy chỉ được kiểm soát sau 3 giờ và được dập tắt vào lúc 7 giờ sáng.
Một quan chức cứu hỏa cấp cao nói với đài truyền hình địa phương rằng các hệ thống đề phòng hỏa hoạn của tòa nhà đã không hoạt động. "Đó là lý do tại sao chúng tôi mất quá nhiều thời gian để dập tắt ngọn lửa", ông nói.
Ấn Độ đã điều động lực lượng cứu hỏa hùng hậu đến Bảo tàng lịch sử tự nhiên quốc gia của Ấn Độ để dập lửa. Trong quá trình chữa cháy đã có 6 lính cứu hỏa bị thương và đã được chuyển tới bệnh viện chữa trị.
Do bảo tàng thường xuyên thay đổi các hiện vật trưng bày nên nhiều hiện vật đã được "sơ tán" khi đám cháy bùng phát. Tuy nhiên, vẫn có khá nhiều hiện vật quý của bảo tàng bị hư hại nghiêm trọng và không thể phục hồi. Nguyên nhân của đám cháy vẫn chưa được công bố.
Bộ trưởng Môi trường Ấn Độ Prakash Javadekar đã đến hiện trường vụ cháy vào sáng 26.4. Ông Javadekar miêu tả vụ hỏa hoạn là "thảm kịch" vì bảo tàng trên là một báu vật quốc gia. "Hàng ngàn hiện vật đã được tập hợp tại đây, thu hút khá lớn lượng du khách đến thăm bảo tàng này hàng năm", ông Javadekar nói.
Bảo tàng lịch sử tự nhiên quốc gia của Ấn Độ được thành lập năm 1972, mở cửa năm 1978, do Bộ Môi trường Ấn Độ phụ trách. Bảo tàng trưng bày các mẫu vật bò sát, khủng long và các loài động vật khác. Mỗi ngày trung bình có khoảng 1.000 học sinh và các nhà sinh vật học tới tham quan bảo tàng.
Thiên Hà (theo Times)
Ảnh: Đám cháy tại Bảo tàng lịch sử tự nhiên quốc gia Ấn Độ sáng 26.4