Ở kỳ thi tư pháp cấp toàn quốc năm 2015, thí sinh ngành luật Trung Quốc bị đố khó: mẹ và bạn gái, cứu ai trước nếu như hai người cùng lâm nạn ở cùng một chỗ?
Đáp án được đăng vào tối 24.9 trên trang web trung tâm khảo thí Bộ tư pháp TQ: tình huống cấu thành tội “không cứu người gặp tình trạng nguy hiểm” là A, C, D.
Như vậy, trong trường hợp mẹ và bạn gái cùng gặp nạn, chỉ có thể cứu một người, thì phải cứu mẹ.
Theo pháp luật, con cái có nghĩa vụ với cha mẹ
Hoàn cầu thời báo dẫn lời Bộ trưởng tư pháp TQ: đáp án này là chính xác, vì căn cứ theo pháp luật, người con có ràng buộc pháp lý phải cứu cha mẹ mình đầu tiên, chứ không phải bạn bè hay người thân khác.
Theo một cán bộ tư pháp thành phố Nam Xương (Giang Tây), trong hiến pháp và luật hôn nhân TQ cũng đã quy định rất rõ nghĩa vụ giúp đỡ, phụng dưỡng của con cái đối với cha mẹ, do đó “cứu mẹ” là nghĩa vụ phải làm.
Hoàn cầu thời báo dẫn lời một người đàn ông cho biết: “Ngoài nghĩa vụ về mặt pháp luật, mẹ là người đã nuôi nấng tôi, vì vậy tôi chắc chắc sẽ cứu mẹ mình trước. Hơn nữa, bạn gái tôi trẻ hơn nên sẽ có cơ hội chạy thoát khỏi đám cháy cao hơn”.
Nhiều người khác cho rằng việc phải cứu mẹ trước dựa theo pháp luật thật không công bằng và “nhảm nhí”, đặc biệt là trong tình huống khẩn cấp như một vụ cháy.
“Mọi người đều được đối xử như nhau trước pháp luật. Tôi không thể hiểu nổi tại sao không cứu mẹ lại phạm tội, còn không cứu bạn gái thì lại không”, một người đã chia sẻ suy nghĩ của mình.
Theo luật sư Âu Dương Lâm, có cấu thành phạm tội hay không thì còn phải xem xét tình cảnh cụ thể của vụ việc.
Cũng có nhiều luật sư cho rằng, bản thân nhiều câu hỏi trong bài thi đã có vấn đề, được ra theo ý kiến chủ quan của người ra đề. Họ nói: mọi người đều có quyền được sống, sinh mạng của bất cứ ai cũng đều phải được tôn trọng.
Kỳ thi tư pháp quốc gia được TQ tổ chức một lần mỗi năm, mỗi lần thi trong hai ngày.
Năm 2013, đã có 436.000 thí sinh tham gia tại 14.000 điểm thi trên toàn quốc.
Kỳ thi này được giới truyền thông TQ đánh giá là “một trong những kỳ thi quốc gia chính xác nhất” nhằm kiểm tra toàn diện về lý thuyết lẫn khả năng thực hành pháp luật, cũng như đạo đức của các ứng viên luật sư.
Cẩm Bình (theo Independent)