Sáng nay (20.9), Ban QLDA Đường sắt và tổng thầu Dự án đường sắt trên cao tuyến đường sắt Cát Linh - Hà Đông đã tiến hành vận hành chạy thử liên động toàn hệ thống. Trong thời gian chạy thử liên động khoảng từ 3 - 6 tháng tới, Tổng thầu Trung Quốc sẽ trực tiếp vận hành đường sắt trên cao mà không có sự tham gia của người Việt.

Chạy thử liên động toàn bộ hệ thống đường sắt Cát Linh - Hà Đông

Nam Phong | 20/09/2018, 11:44

Sáng nay (20.9), Ban QLDA Đường sắt và tổng thầu Dự án đường sắt trên cao tuyến đường sắt Cát Linh - Hà Đông đã tiến hành vận hành chạy thử liên động toàn hệ thống. Trong thời gian chạy thử liên động khoảng từ 3 - 6 tháng tới, Tổng thầu Trung Quốc sẽ trực tiếp vận hành đường sắt trên cao mà không có sự tham gia của người Việt.

Ông Vũ Hồng Phương, Phó giám đốc phụ trách Ban QLDA Đường sắt (Bộ GTVT) cho biết, trong sáng nay (20.9) dự án đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông (Hà Nội) chính thức bước vào giai đoạn vận hành thử toàn hệ thống trong 3 -6 tháng, chuẩn bị cho giai đoạn vận hành, khai thác thương mại.

Ông Phương cho hay: “Ngày đầu vận hành thử có 5 đoàn tàu chạy trên tuyến chính, cách nhau 10 phút và được vận hành qua hệ thống điều khiển tự động. Trong thời gian đầu vận hành thử, chỉ những người được phân công nhiệm vụ mới được tham gia vận hành. Khi hệ thống hoạt động ổn định, nhân sự của đơn vị khai thác, vận hành sau này được đưa vào để kết hợp đào tạo thực hành tại dự án”.

Đúng 6 giờ 25 sáng nay, ngày 20.9, toàn bộ hệ thống tuyến đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đôngđã đi vào chạy thử

Tổng giám đốc Công ty Metro Hà Nội Vũ Hồng Trường cho biết, lực lượng nhân sự của dự án ký hợp đồng với Metro Hà Nội, đã hoàn thành đào tạo giai đoạn I. Trong đó, lái tàu được đào tạo thực tế tại Trung Quốc và tất cả đã sẵn sàng để tham gia giai đoạn thực hành tại dự án.

Ban QLDA Đường sắt cho biết, thời gian vận hành thử có sự giám sát, đánh giá của liên danh tư vấn độc lập Apave-Certifier-Tricc và là một khâu trong quy trình đánh giá, chứng nhận an toàn hệ thống đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông. Sau giai đoạn vận hành thử, tư vấn sẽ đánh giá, chứng nhận hệ thống an toàn chất lượng của dự án và trình Cục Đăng kiểm VN thẩm định, cấp chứng nhận để đưa vào khai thác chính thức.

Tuyến đường sắt Cát Linh - Hà Đông có 13 đoàn tàu, trong đó khai thác vận hành 12 đoàn và 1 đoàn dự phòng

Ban QLDA cho biết: Trong tháng 7.2018, các đơn vị tham gia thực hiện dự án đã hoàn thành công tác cấp điện cho toàn hệ thống đường sắt. Từ tháng 8.2018, Tổng thầu Trung Quốc đã tiến hành kiểm tra và thử đơn động cho từng chuyên ngành thiết bị, chạy thử từng đoàn tàu, kiểm tra hệ thống thông tin, tín hiệu… Đến nay, công tác thử đơn động cho từng chuyên ngành thiết bị đã cơ bản hoàn thành, đủ điều kiện đưa vào vận hành thử liên động toàn hệ thống.

Theo Ban QLDA, vận hành thử liên động là hoạt động kiểm tra, chạy thử, căn chỉnh liên hoàn giữa các hệ thống thiết bị chuyên ngành như thông tin, tín hiệu, cung cấp điện... Việc vận hành thử liên động sẽ được thực hiện thử theo từng bước, từng nội dung, từng cấp độ theo yêu cầu thiết kế và kế hoạch vận hành thử.

Nhân sự phục vụ trong giai đoạn khai thác tuyến Cát Linh - Hà Đông gồm 681 người (không kể bảo vệ, nhân viên vệ sinh), khai thác vận tải thương mại. Các nhân sự này được chia thành 21 bộ phận, trung tâm để đảm nhiệm tất cả các công việc của tuyến đường sắt (quản lý vận hành, khai thác, bảo dưỡng, sửa chữa).

Ông Vũ Hồng Phương cho hay: “Hoạt động này nhằm xác định toàn bộ công trình đã đạt được các thông số kỹ thuật theo thiết kế đảm bảo hoạt động ổn định, tin cậy cũng như các điều kiện liên quan trước khi nghiệm thu toàn bộ công trình.”

Theo đó, toàn bộ 13 đoàn tàu của Dự án được đưa vào vận hành đồng loạt. Các đoàn tàu xuất phát từ điểm đầu dự án là ga Yên Nghĩa (quận Hà Đông) tới Cát Linh (quận Đống Đa) và sẽ dừng lại tại mỗi ga trong 1 phút.

Với vận tốc tối đa 65km/h, vận tốc trung bình từ 30-35km/h, các đoàn tàu sẽ chạy theo biểu đồ, đúng với quy trình của dự án. Trong thời gian đầu, các đoàn tàu chạy giãn cách từ 10-12 phút/chuyến, sau đó sẽ rút ngắn dần thời gian giãn cách theo thiết kế để đạt 5 phút/chuyến khi khai thác thương mại.

Trong thời gian chạy thử liên động toàn hệ thống, sẽ do toàn bộ người của Tổng thầu Trung Quốc đảm nhiệm

Dự kiến, thời gian vận hành thử liên động toàn hệ thống đường sắt Cát Linh - Hà Đông sẽ kéo dài từ 3 đến 6 tháng nhằm đảm bảo đủ điều kiện để đưa vào khai thác thương mại trước Tết Âm lịch 2019.

Trong thời gian này, đơn vị vận hành nghiêm cấm mọi người đến gần các thiết bị liên quan đến điện để tránh điện giật; nghiêm cấm người không có nhiệm vụ vào nhà ga, khu vực đường ray, đi lại trên đường sắt; nếu có công việc cần tiếp cận phạm vi dự án thì phải báo trước với Tổng thầu Trung Quốc 5 ngày để làm thủ tục.

Trong giai đoạn đầu thử nghiệm, Tổng thầu Trung Quốc sử dụng nhân lực là người Trung Quốc trực tiếp tham gia vào hoạt động vận hành mà không có người Việt Nam. Hơn 600 nhân công người Việt đã được đào tạo sẽ được đưa vào tiếp nhận và vận hành từng bước trong giai đoạn sau.

Dự kiến, người dân sẽ được sử dụng phương tiện giao thông công cộng này khi tuyến đường sắt này được đưa vào khai thác thương mại từ dịp Tết Kỷ Hợi

Trước đó, Dự án đường sắt trên cao tuyến Cát Linh – Hà Đông, đã nhiều lần được Bộ GTVT đưa ra kế hoạch, thậm chí ấn định thời gian đưa vào vận hành thử nghiệm toàn hệ thống. Tuy nhiên, các kế hoạch này đều bị… “phá sản” do sự ì ạch về tiến độ.

Sau nhiều lần kế hoạch bị đổ bể, Tổng thầu Trung Quốc đã đề xuất với Bộ GTVT xin lùi dự án thêm 11 tháng so với kế hoạch. Bộ GTVT đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ về việc thay đổi thời gian hoàn thành dự án và được Thủ tướng chấp thuận.

Dự án đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông có tổng chiều dài gần 13 km, gồm 12 nhà ga trên cao. Thời gian thực hiện dự án ban đầu là 11.2008 tới 11.2013, với tổng mức đầu tư 552,86 triệu USD, tuy nhiên dự án đã “lỡ hẹn” đến tháng 10.2011 mới chính thức triển khai. Sau khi điều chỉnh, tổng mức đầu tư của dự án là 868,04 triệu USD, tương đương với hơn 18.000 tỉ đồng, tăng hơn 300 triệu USD.

Tin, ảnh: Nam Phong
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tổng Bí thư Tô Lâm: Công an phải thật sự trở thành 'điểm tựa bình yên của nhân dân'
6 giờ trước Theo dòng thời sự
Tối qua 18.1, tại nhà hát Hồ Gươm (Hà Nội), Tổng Bí thư Tô Lâm đã dự chương trình giao lưu nghệ thuật chính luận “Sống trong lòng dân”.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Chạy thử liên động toàn bộ hệ thống đường sắt Cát Linh - Hà Đông