Theo tạp chí Gut, các nhà khoa học Trung Quốc đã phát hiện thấy tình trạng ăn dư thừa chất béo khiến các loài vi khuẩn có lợi trong ruột bị đột biến. Và đây chính là nguyên nhân gây bệnh tiểu đường, bệnh tim mạch, đột quỵ và các bệnh khác.
Các nhà khoa học đã tiến hành thử nghiệm chế độ ăn trong 6 tháng với sự tham gia của 217 tình nguyện viên khỏe mạnh từ 18 đến 35 tuổi. Họ được chia thành 3 nhóm. Mọi người đều được dùng lượng protein bằng nhau hàng ngày. Trong khi đó, ở nhóm thứ nhất, tỷ lệ chất béo trong tổng lượng calo là 20%, trong nhóm thứ hai - 30% và nhóm thứ ba - 40%. Các nhà khoa học đã nghiên cứu tác động của chế độ ăn uống đối với hệ vi sinh vật đường ruột, chuyển hóa phân và các yếu tố gây viêm trong huyết tương.
6 tháng sau, các chuyên gia đã đánh giá hiệu quả của chế độ ăn uống đối với hệ vi sinh đường ruột của các nhóm tình nguyện viên. Kết quả, ở các đại diện của nhóm thứ ba có sự giảm sút đáng kể nhất các vi khuẩn có lợi sản xuất axit béo chuỗi ngắn. Đây là axit được sản sinh ra khi các lợi khuẩn đường ruột lên men chất xơ trong đại tràng và là nguồn năng lượng chính cho các tế bào bao phủ bề mặt trong của đại tràng. Đồng thời, trong đường ruột, số lượng vi sinh vật đặc trưng cho bệnh nhân tiểu đường thể 2 đã tăng lên.
Các chuyên gia dinh dưỡng lưu ý rằng nhu cầu chất béo hàng ngày là khoảng 25-30% tổng lượng calo. Họ cũng khuyên mọi người hạn chế ăn bánh ngọt, thức ăn nhanh, thịt xông khói, xúc xích và các loại thịt chế biến khác, thậm chí, nên loại bỏ các loại nước sốt ở các tiệm ăn ra khỏi chế độ ăn uống.
Vũ Trung Hương