Một nghiên cứu mới cho thấy 25% lượng khí thải liên quan đến chế độ ăn uống từ thực phẩm và đồ uống như cà phê, rượu, bánh ngọt.

Chế độ ăn nhiều thịt ở nam giới gây ra lượng khí thải làm nóng Trái đất nhiều hơn phụ nữ 40%

Đan Thuỳ | 23/11/2021, 11:31

Một nghiên cứu mới cho thấy 25% lượng khí thải liên quan đến chế độ ăn uống từ thực phẩm và đồ uống như cà phê, rượu, bánh ngọt.

Theo một nghiên cứu ở Anh, chế độ ăn nhiều thịt của nam giới gây ra lượng khí thải làm nóng Trái đất nhiều hơn 40% so với phụ nữ.

Nghiên cứu cũng cho thấy ¼ lượng khí thải liên quan đến chế độ ăn uống từ thức ăn và đồ uống như cà phê, rượu, bánh ngọt, các loại đồ ngọt. Các nhà khoa học cho biết các chính sách khuyến khích chế độ ăn kiêng bền vững nên tập trung vào thực phẩm có nguồn gốc thực vật, song việc chuyển đổi đồ uống và cắt giảm đồ ăn nhẹ mang đến nhiều cơ hội hơn.

Một nghiên cứu thứ hai cho thấy ở các nước phương Tây, chế độ ăn ăn chay và thuần chay rẻ hơn khoảng 1/3 so với ăn thông thường.

Theo Hiệp hội Ăn chay, người ăn chay không ăn thịt, gia cầm, động vật có vú, cá, động vật có vỏ hoặc các sản phẩm từ việc giết mổ động vật.

Chế độ ăn chay chứa nhiều loại trái cây, rau, ngũ cốc, đậu, quả hạch và hạt. Việc có dùng các sản phẩm sữa và trứng hay không còn tùy thuộc vào loại hình ăn chay.

Chế độ ăn chay thuần có thể được coi là hình thức ăn chay nghiêm ngặt nhất.

Ăn chay thuần hiện được Hiệp hội Thuần chay định nghĩa là lối sống nhằm loại bỏ tất cả các hình thức bóc lột và đối xử tàn bạo với động vật càng nhiều càng tốt. Các hình thức bóc lột bao gồm khai thác làm thực phẩm và bất kỳ mục đích nào khác.

Do đó, chế độ ăn chay thuần không chỉ loại trừ thịt động vật, mà còn cả sữa, trứng và các thành phần có nguồn gốc động vật như gelatin, mật ong, carmine, pepsin, shellac, albumin, váng sữa, casein và một số dạng vitamin D3.

43832437320_793205cac7_b_-1-.jpeg
Chế độ ăn uống lành mạnh giúp làm giảm chi phí và tốt cho sức khỏe con người - Ảnh: Internet

Sản xuất lương thực gây ra 30% lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính. Các nhà nghiên cứu trước đây chỉ ra rằng việc ăn thịt ở các nước giàu phải giảm mạnh để giải quyết cuộc khủng hoảng khí hậu, phần lớn gây ra bởi khí mê tan và nạn phá rừng liên quan đến gia súc. Thế nhưng, những nghiên cứu này đã xem xét cả lượng khí thải trung bình của nhiều danh mục thực phẩm.

Nghiên cứu mới được công bố trên tạp chí Plos One đã phân tích lượng khí thải liên quan đến hơn 3.200 loại thực phẩm cụ thể và kiểm tra chế độ ăn của 212 người Anh. Những người này đã ghi lại lượng thức ăn và đồ uống của họ trong khoảng thời gian 24 giờ. Nó cho thấy các sản phẩm từ động vật là nguyên nhân tạo ra gần một nửa lượng khí thải nhà kính trong chế độ ăn uống trung bình: 31% từ thịt và 14% từ sữa. Đồ uống gây ra 15% lượng khí thải; 8% đến từ bánh ngọt, bánh quy và bánh kẹo nói chung.

Nghiên cứu cũng chỉ ra rằng chế độ không ăn chay tạo ra lượng khí thải nhiều hơn 95% so với ăn chay. Chế độ ăn của nam giới có lượng khí thải nhiều hơn 41% so với phụ nữ, phần lớn là do ăn nhiều thịt và uống nhiều đồ uống hơn.

anh-chup-man-hinh-2021-11-23-luc-11.15.48.png
Đàn ông có xu hướng ăn nhiều thịt hơn phụ nữ - Ảnh: Getty Images

Các nhà khoa học, dẫn đầu bởi Holly Rippin thuộc Đại học Leeds (Anh), cho biết: “Tất cả chúng ta đều muốn dốc hết sức để cứu hành tinh. Tìm ra cách thay đổi chế độ ăn uống là cách chúng ta có thể làm được điều đó. Có những cách khác nhau như giảm lượng thịt chúng ta ăn, đặc biệt là thịt đỏ. Song nghiên cứu của chúng tôi cũng cho thấy lợi ích hơn có thể được tạo ra từ những thay đổi nhỏ như việc cắt bỏ đồ ngọt”.

Holly Rippin nói nghiên cứu không đánh giá lý do tại sao đàn ông lại ăn nhiều thịt hơn. “Chúng ta có thể suy đoán rằng đó có thể là do nam giới thường ăn nhiều thức ăn hơn phụ nữ. Cũng có thể do nam giới có chế độ ăn truyền thống dựa trên thịt nhiều hơn”.

Theo một nghiên cứu khác gần đây, chi tiêu của nam giới vào hàng hóa gây ra lượng khí thải nhiều hơn phụ nữ 16%, dù tổng số tiền chi tiêu là giống nhau, chủ yếu do phái mạnh trả tiền xăng, dầu diesel cho ô tô nhiều hơn.

5000.jpeg
Chi tiêu của đàn ông tập trung nhiều vào đổ xăng và dầu diesel cho ô tô - Ảnh: Internet

Cơ sở dữ liệu của các nhà khoa học cũng bao gồm 40.000 mặt hàng thực phẩm có nhãn hiệu và họ cho rằng nghiên cứu trong tương lai có thể cho phép mọi người cắt giảm lượng khí thải thực phẩm bằng cách hoán đổi nhãn hiệu.

Nghiên cứu phân tích chi phí của các chế độ ăn kiêng khác nhau đã được công bố trên tạp chí The Lancet Planetary Health. Nó so sánh 7 chế độ ăn uống bền vững với chế độ ăn uống trung bình hiện tại ở 150 quốc gia sử dụng giá thực phẩm từ Ngân hàng Thế giới.

Kết quả cho thấy rằng ở các nước có thu nhập cao, chế độ ăn thuần chay là hợp lý nhất khi giảm chi phí thực phẩm từ 21-34% so với chế độ ăn trung bình, tuỳ thuộc vào việc lựa chọn loại thực phẩm cụ thể. Chế độ ăn chay đứng thứ hai với chi phí giảm 27-31%.

Một chế độ ăn kiêng linh hoạt với lượng thịt và sữa thấp làm giảm chi phí 14% nhưng chế độ ăn kiêng pescatarian (ăn cá nhưng không ăn các loại thịt khác) thì lại làm tăng chi phí lên 2%. Nghiên cứu tập trung vào thực phẩm toàn phần (chưa qua chế biến và chưa tinh chế, hoặc chế biến và tinh chế càng ít càng tốt, trước khi được tiêu thụ) và không bao gồm cả việc thay thế thịt đã qua chế biến hoặc ăn tại nhà hàng, đồ mang đi.

Marco Springmann thuộc Đại học Oxford (Anh), trưởng nhóm nghiên cứu thứ hai, nói: “Chúng tôi nghĩ rằng thực tế là chế độ ăn thuần chay, ăn chay và ăn kiêng linh hoạt có thể giúp bạn tiết kiệm rất nhiều tiền, điều này sẽ khiến nhiều người ngạc nhiên. Khi các nhà khoa học như tôi ủng hộ việc ăn uống lành mạnh và thân thiện với môi trường, người ta thường nghĩ chúng tôi đang quảng bá một thứ gì đó vượt ngoài khả năng tài chính của hầu hết mọi người. Nghiên cứu này cho thấy điều đó hoàn toàn ngược lại. Những chế độ ăn kiêng này có thể tốt hơn cho số dư ngân hàng cũng như sức khỏe của bạn, giúp bảo vệ hành tinh của chúng ta”.

Một cuộc khảo sát gần đây của Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn Thiên nhiên (WWF) cho thấy hơn 70% người Anh tin rằng chúng ta nên ăn thực phẩm tốt hơn cho môi trường.

Chế độ ăn trung bình hiện tại ở các nước giàu không tuân theo các hướng dẫn dinh dưỡng, với việc ăn thịt cao hơn mức được khuyến nghị. Cả hai nghiên cứu mới đều xác nhận chế độ ăn lành mạnh cũng gây ít phát thải hơn, từng được công bố trước đây.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Cần có một cuộc cách mạng thực sự về khoa học - công nghệ
5 giờ trước Khoa học - công nghệ
TSKH Nghiêm Vũ Khải - nguyên Phó chủ tịch Liên hiệp Các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam cho rằng nếu không có một cuộc cách mạng thực sự về khoa học - công nghệ thì sẽ không thể vượt qua tình trạng tụt hậu.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Chế độ ăn nhiều thịt ở nam giới gây ra lượng khí thải làm nóng Trái đất nhiều hơn phụ nữ 40%