Theo một nghiên cứu tại Anh, chỉ khoảng 1/4 người bị nhiễm COVID-19 cảm thấy hồi phục hoàn toàn sau một năm nhiễm bệnh. Với phụ nữ, người béo phì và bệnh nhân phải thở máy có nhiều khả năng bị các triệu chứng của COVID-19 kéo dài.
Kết quả nghiên cứu dựa trên đánh giá của khoảng 2.320 người trưởng thành nhiễm COVID-19 được xuất viện tại Anh từ ngày 7.3.2020 đến ngày 18.4.2021.
Họ được đánh giá 5 tháng sau khi xuất viện và 807 người trong số họ cũng được đánh giá một năm sau khi xuất viện.
Kết quả đã được công bố trên tạp chí The Lancet Respiratory Medicine vào ngày 23.4 và nghiên cứu vẫn đang được tiếp tục.
Nghiên cứu được dẫn đầu bởi Christopher Brightling, Rachael Evans và Louise Wain tại Đại học Leicester (Anh) và được tài trợ bởi Viện Nghiên cứu và Đổi mới Anh và Viện Nghiên cứu Y tế Quốc gia nhằm mục đích "xác định các yếu tố liên quan đến sự phục hồi do bệnh nhân cảm nhận được và xác định các mục tiêu điều trị tiềm năng".
Dựa trên các kết quả đo lường của bệnh nhân, hoạt động thể chất và chức năng của các cơ quan, nghiên cứu cho thấy chỉ 26% số người được hỏi cho biết họ đã hồi phục hoàn toàn sau 5 tháng kể từ khi xuất viện. Sau một năm, tỷ lệ này chỉ cao hơn một chút ở mức 29%.
Evans viết trong nghiên cứu: "Sự phục hồi hạn chế từ 5 tháng đến một năm sau khi nhập viện trong nghiên cứu của chúng tôi về các triệu chứng, sức khỏe tâm thần, khả năng tập thể dục, suy giảm các cơ quan và chất lượng cuộc sống".
Nhiều bệnh nhân vẫn đang bị các triệu chứng của COVID-19 kéo dài - tình trạng xảy ra ở người có tiền sử mắc nhiễm vi rút SARS-COV2 xuất hiện chủ yếu từ vài tuần đến vài tháng sau khi chẩn đoán nhiễm bệnh và có thể kéo dài từ 2 tháng đến hơn một năm.
Các triệu chứng của COVID-19 gồm mệt mỏi, khó thở và rối loạn chức năng nhận thức hay còn gọi là “sương mù não”, được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) xác định là gặp khó khăn với khả năng chú ý, tập trung, nhớ lại hoặc ghi nhớ.
Các triệu chứng nghiêm trọng hơn - chẳng hạn như tổn thương các cơ quan, bao gồm thận, phổi, tuyến tụy và tim - làm tăng nguy cơ tử vong.
Nhóm nghiên cứu đã xác định 4 nhóm về mức độ nghiêm trọng của triệu chứng. Họ cũng lấy mẫu máu của những người tham gia trong cuộc thăm khám kéo dài 5 tháng để đánh giá sự hiện diện của các protein gây viêm.
Nhóm nghiên cứu nhận thấy rằng 20% bệnh nhân được khảo sát bị suy giảm sức khỏe thể chất và tinh thần “rất nghiêm trọng”, 30% thuộc nhóm “nghiêm trọng”, 11% thuộc nhóm “trung bình” và 39% thuộc nhóm nhẹ.
Nghiên cứu cũng cho biết béo phì, giảm khả năng tập thể dục, một số lượng lớn các triệu chứng và mức độ cao của protein gây viêm có liên quan đến các nhóm nghiêm trọng hơn.
Bên cạnh đó phụ nữ ít hơn nam giới 32% khả năng cảm thấy hồi phục hoàn toàn vào thời điểm một năm, những người béo phì giảm một nửa và những người phải thở máy ít hơn 58% khả năng cảm thấy hồi phục hoàn toàn sau 12 tuổi tháng.
"Trong các nhóm của chúng tôi, phụ nữ và người béo phì cũng có liên quan đến tình trạng suy giảm sức khỏe diễn ra nghiêm trọng hơn, bao gồm giảm hiệu suất tập thể dục và chất lượng cuộc sống liên quan đến sức khỏe trong một năm", Evans nói.
Song vẫn không có biện pháp can thiệp dùng thuốc hoặc không dùng thuốc hiệu quả nào cho những bệnh nhân có các triệu chứng COVID-19 kéo dài.
Nhóm nghiên cứu cho biết nhu cầu cấp thiết về các phương pháp điều trị hiệu quả cho cả suy giảm thể chất và tinh thần. Họ kêu gọi các phương pháp điều trị cụ thể để quản lý chứng rối loạn căng thẳng hậu COVID-19.
Brightling cho biết: “Nếu không có các phương pháp điều trị hiệu quả, COVID-19 kéo dài có thể trở thành một tình trạng bệnh lâu dài mới phổ biến. Nghiên cứu của chúng tôi cũng cung cấp cơ sở lý luận để điều tra các phương pháp điều trị cho COVID-19 kéo dài với phương pháp tiếp cận y học chính xác để nhằm khôi phục chất lượng cuộc sống liên quan đến sức khoẻ của các bệnh nhân".
Các nhà nghiên cứu cho biết nghiên cứu được thực hiện trước khi biến thể Omicron có khả năng lây nhiễm cao xuất hiện và bao gồm những bệnh nhân không được tiêm vắc xin trước khi mắc bệnh COVID-19.