Văn phòng Chính phủ ngày 16.4 đã có Thông báo chỉ đạo các bộ ngành liên quan để thực hiện hiệu quả gói 120.000 tỉ phục vu cho xây dựng nhà ở xã hội.

Chỉ đạo nóng của chính phủ về gói 120.000 tỉ cho nhà ở xã hội đáp ứng mong mỏi của DN

H.Đ | 17/04/2023, 07:40

Văn phòng Chính phủ ngày 16.4 đã có Thông báo chỉ đạo các bộ ngành liên quan để thực hiện hiệu quả gói 120.000 tỉ phục vu cho xây dựng nhà ở xã hội.

Giao Bộ Xây dựng xác định đối tượng, điều kiện, tiêu chí được mua nhà xã hội

nha-o-xa-hoi.jpg
Nhà ở xã hội là vấn đề nóng được nhiều người quan tâm

Theo đó, Phó thủ tướng Trần Hồng Hà giao Bộ Xây dựng chủ trì xác định danh mục dự án, đối tượng, điều kiện, tiêu chí được thụ hưởng Chương trình tín dụng khoảng 120.000 tỉ đồng theo Nghị quyết 33/NQ-CP ngày 11.3.2023; đồng thời làm cơ sở để các địa phương xác định, công bố các dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, dự án cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ, bảo đảm công khai, minh bạch, đúng quy định. Xây dựng tiêu chí đánh giá phân loại phân khúc bất động sản dựa vào tiềm năng (công nghiệp, du lịch, dịch vụ thương mai), thanh khoản của thị trường làm cơ sở cho tổ chức tín dụng xem xét nới lỏng các điều kiện cho vay mà không đánh đồng chính sách với các dự án có rủi ro ban hành trong tháng 4.2023.

Bộ Xây dựng được giao chủ trì phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư hướng dẫn các địa phương tháo gỡ khó khăn về việc áp dụng quy hoạch khi chấp thuận chủ trương đầu tư dự án.

Trước đó, Bộ Xây dựng đã đề xuất thí điểm quy định về đối tượng và điều kiện được thụ hưởng chính sách nhà ở xã hội theo hướng:

Với trường hợp mua, thuê mua nhà ở xã hội thì phải đảm bảo các điều kiện như Điều kiện về nhà ở: Chưa có nhà ở thuộc sở hữu của mình, chưa được mua hoặc thuê mua nhà ở xã hội, chưa được hưởng chính sách hỗ trợ nhà ở dưới mọi hình thức tại nơi sinh sống, làm việc hoặc có nhà ở thuộc sở hữu của mình nhưng diện tích nhà ở bình quân đầu người trong hộ gia đình thấp hơn mức diện tích nhà ở tối thiểu 10m2/người.

Hay điều kiện về thu nhập như: Các đối tượng là người thu nhập thấp; công nhân, người lao động, chuyên gia đang làm việc tại các doanh nghiệp trong khu công nghiệp; cán bộ, công chức, viên chức theo quy định của pháp luật về cán bộ, công chức, viên chức thì phải thuộc diện không phải nộp thuế thu nhập đối với các khoản thu nhập từ tiền công, tiền lương theo quy định của pháp luật về thuế thu nhập cá nhân;

 Các đối tượng là hộ nghèo, cận nghèo thì phải thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo theo quy định của Chính phủ; các đối tượng là người có công với cách mạng, thân nhân liệt sĩ thuộc diện được hỗ trợ cải thiện nhà ở theo quy định tại Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng;

Các đối tượng đã trả lại nhà ở công vụ; hộ gia đình, cá nhân thuộc diện bị thu hồi đất và phải giải tỏa, phá dỡ nhà ở theo quy định của pháp luật mà chưa được Nhà nước bồi thường bằng nhà ở, đất ở thì không yêu cầu phải đáp ứng điều kiện về thu nhập.

Trường hợp thuê nhà ở xã hội thì không bắt buộc phải đáp ứng các điều kiện về nhà ở và thu nhập như trường hợp mua, thuê mua nhà ở xã hội.

Doanh nghiệp, hợp tác xã thuê nhà ở xã hội tại khu công nghiệp theo pháp luật về nhà ở cho người lao động trong đơn vị mình thuê lại theo quy định của Luật Nhà ở. Những doanh nghiệp, hợp tác xã này phải có hợp đồng thuê mặt bằng khu công nghiệp và đang hoạt động sản xuất, kinh doanh trong khu công nghiệp đó và phải có hợp đồng thuê, sử dụng lao động với các đối tượng quy định tại Luật Nhà ở.

Giao Ngân hàng xử lý các điều kiện cho vay

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam  chỉ đạo các ngân hàng thương mại căn cứ vào danh mục dự án, đối tượng, điều kiện tiêu chí được thụ hưởng Chương trình tín dụng khoảng 120.000 tỉ đồng của Bộ Xây dựng theo Nghị quyết số 33 để áp dụng điều kiện cho vay và lập quỹ dự phòng rủi ro, không đánh đồng giữa các doanh nghiệp.

Trước đó, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cho biết đã có công văn chỉ đạo, hướng dẫn các ngân hàng thương mại khẩn trương triển khai thực hiện Chương trình cho vay nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ theo Nghị quyết 33. Trong số đó, chủ lực là 4 ngân hàng thương mại Nhà nước cho chủ đầu tư, người mua nhà của các dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, dự án cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ vay với lãi suất trong thời gian ưu đãi thấp hơn 1,5 - 2% so với lãi suất cho vay trung dài hạn VND bình quân của các ngân hàng thương mại Nhà nước trên thị trường và ngân hàng thương mại ngoài Nhà nước có đủ điều kiện với các gói tín dụng cụ thể trong từng thời kỳ.

Đối tượng được hưởng gói vay 120.000 tỉ đồng là chủ đầu tư đầu tư dự án, khách hàng là người mua nhà ở tại dự án với những quy định cụ thể cho từng nhóm. Thời hạn giải ngân của chương trình đến khi doanh số giải ngân đạt 120.000 tỉ đồng nhưng không quá ngày 31.12.2030. Thời gian ưu đãi, đối với chủ đầu tư áp dụng mức lãi suất cho vay trong thời gian ưu đãi là 3 năm kể từ ngày giải ngân, nhưng không quá thời hạn cho vay tại thỏa thuận cho vay ban đầu.

Còn đối với người mua nhà sẽ áp dụng mức lãi suất cho vay trong thời gian ưu đãi là 5 năm kể từ ngày giải ngân, nhưng không quá thời hạn cho vay tại thỏa thuận cho vay ban đầu. Lãi suất cho vay áp dụng đến hết ngày 30.6.2023 đối với chủ đầu tư là 8,7%/năm; đối với người mua nhà là 8,2%/năm. Kể từ ngày 1.7.2023, định kỳ 6 tháng, Ngân hàng Nhà nước thông báo lãi suất cho vay trong thời gian ưu đãi cho các ngân hàng thương mại tham gia chương trình.

Phó thủ tướng cũng chỉ đạo các địa phương tập trung xây dựng và khẩn trương phê duyệt, trình phê duyệt quy hoạch chung, quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết xây dựng; phê duyệt kế hoạch sử dụng đất đảm bảo quỹ đất cho nhu cầu phát triển nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân.

Thực hiện công bố, công khai trên Cổng thông tin điện tử danh mục các dự án và có văn bản gửi tới Ngân hàng nhà nước Việt Nam danh mục các dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, dự án cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ để các Ngân hàng thương mại có cơ sở áp dụng cơ chế cho vay đối với Chương trình tín dụng khoảng 120.000 tỉ đồng.

Mong mỏi của doanh nghiệp

Có thể nói những nỗ lực của chính phủ trong vấn đề nhà ở xã hội đã và đang đáp ứng mong mỏi của doanh nghiệp. Trước đó, ông Nguyễn Quốc Hiệp - Chủ tịch Hiệp hội Nhà thầu Xây dựng Việt Nam (VACC) cho rằng Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã nhận diện đúng, trúng những vấn đề khó của thị trường và kịp thời có chủ trương, giải pháp để tháo gỡ. Song ở từng vấn đề, cách thức tháo gỡ cần có những bước đi cụ thể hơn nữa.

Trong Đề án 1 triệu căn nhà ở xã hội cho người thu nhập thấp, ông Hiệp cho rằng đây là chính sách rất thiết thực, đúng mong muốn của người dân.

Đồng thời, ông Nguyễn Quốc Hiệp, cho rằng nhà ở xã hội là đường thoát tối ưu cho doanh nghiệp bất động sản trong bối cảnh các dự án bị ách tắc về pháp lý, thanh khoản thấp, thậm chí bằng 0. Tuy biên lợi nhuận với nhà ở xã hội thấp hơn và cũng không ít khó khăn bởi các điều kiện với người mua, thời điểm bán, chính sách vay

Song theo ông Hiệp, để có 1 triệu căn từ nay đến 2030 thì còn một chặng đường dài và cần những chỉ tiêu cụ thể để triển khai. 

Ông Hiệp lấy dẫn chứng chỉ tiêu đất quy hoạch nhà ở xã hội ở đâu, tỉnh nào, diện tích bao nhiêu, ai chịu trách nhiệm… chứ không chỉ là lo có 120.000 tỉ đồng cho chủ đầu tư và người mua nhà vay. Vốn chỉ là một phần, quan trọng là có dự án, dự án ở đâu, làm như nào, thể chế nào cho cả chủ đầu tư và người mua… có như vậy thì chỉ tiêu 1 triệu căn nhà ở xã hội mới thành hiện thực.

Còn ông Nguyễn Mạc Hoài Nam, Tổng giám đốc Công ty tư vấn Nam Phát, việc tăng nguồn cung nhà ở xã hội và nhà thương mại giá rẻ ở giai đoạn này không chỉ cứu doanh nghiệp mà còn có thể "rã đông" thị trường địa ốc. Chuyên gia này cho rằng khi tham gia phân khúc này, các chủ đầu tư kỳ vọng vào 2 điểm sáng, về thanh khoản và nguồn tín dụng (cho cả chủ đầu tư và người mua).

Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA), ông Lê Hoàng Châu cũng đồng tình với quan điểm này này. Theo ông, hiện nay, ngay cả các doanh nghiệp làm nhà ở thương mại phân khúc bình dân, sản phẩm có giá vừa túi tiền với chỉ số rủi ro thấp (so với nhà ở cao cấp và hạng sang) cũng chỉ tiếp cận được lãi suất khoảng 11-11,5% một năm. Trong khi đó, lãi suất cho chủ đầu tư xây nhà ở xã hội là 8,7% mỗi năm từ nay đến hết 30.6 và kéo dài trong 3 năm, cho thấy doanh nghiệp chuyển sang phân khúc này sẽ được hưởng lợi thế vốn rẻ (trên dưới 3%).

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Những chuyến xe nghĩa tình mang nước sạch đến vùng hạn mặn ĐBSCL
13 giờ trước Bảo vệ môi trường
Hiện nay, Sóc Trăng, Bến Tre, Tiền Giang là những vùng bị nhiễm mặn nặng và có nhiều hộ dân đang “khát nước”. Hàng ngày, những chuyến xe hay sà lan chở nước đã được các nhà hảo tâm tổ chức chở khẩn cấp đến cứu trợ cho bà con.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Chỉ đạo nóng của chính phủ về gói 120.000 tỉ cho nhà ở xã hội đáp ứng mong mỏi của DN