Ông Lê Tiến Trường, Chủ tịch Tập đoàn Dệt may Việt Nam cho rằng để thực hiện “3 tại chỗ”, chi phí cho người lao động tăng gấp 2,2 lần, rơi vào khoảng 20 triệu/lao động. Do đó, doanh nghiệp sẽ không chịu đựng được lâu dài.

Chi phí tăng cao, doanh nghiệp khó duy trì “3 tại chỗ”

Lam Thanh | 07/08/2021, 21:27

Ông Lê Tiến Trường, Chủ tịch Tập đoàn Dệt may Việt Nam cho rằng để thực hiện “3 tại chỗ”, chi phí cho người lao động tăng gấp 2,2 lần, rơi vào khoảng 20 triệu/lao động. Do đó, doanh nghiệp sẽ không chịu đựng được lâu dài.

Tại tọa đàm với chủ đề "Giải pháp cấp bách và lâu dài chống đứt gãy chuỗi cung ứng" do VnEconomy tổ chức tối 7.8, các chuyên gia cho rằng dịch bệnh rất khó dự đoán, có thể còn kéo dài, nhưng nếu cứ mãi “đóng cửa” thì doanh nghiệp sẽ kiệt quệ.

Dịch bệnh còn kéo dài

Tác động của đại dịch COVID-19 năm 2021 đến chuỗi cung ứng, về cơ bản là khác hoàn toàn so với năm 2020. Vấn đề mà các doanh nghiệp đang phải đối mặt trong suốt mấy tháng qua không phải về nguồn cung hay cầu mà chính ở các nhà máy sản xuất.

Trên thực tế, các thị trường tiêu thụ của Việt Nam đã hồi phục, nhưng các doanh nghiệp lại gặp khó ở việc là làm sao để đảm bảo sản xuất, bởi tính chất nghiêm trọng của dịch bệnh khiến họ rất khó hoàn thành đơn hàng để giao cho khách.

PGS-TS. Trần Đắc Phu, nguyên cục trưởng Cục Y tế Dự phòng cho rằng, nói về dự báo tình hình dịch bệnh còn kéo dài bao lâu thì các chuyên gia trên thế giới cũng chưa đưa ra dự đoán chắc chắn. Ngay như với cúm, SARS, nhiều dự đoán nó sẽ chấm dứt nhưng thực tế nó vẫn cứ dai dẳng, biến chủng, thậm chí các biến chủng khiến người mắc nặng hơn, tử vong nhiều hơn.

“Chúng ta phải chấp nhận dịch có những diễn biến lâu dài, khó lường, nếu không có biện pháp sống chung với nó để làm ăn kinh tế sẽ tổn hại rất lớn về an sinh xã hội, sức khỏe người dân”, ông Phu nói.

Theo ông Phu, vắc xin là một trong những thành quả bậc nhất của nền y học. Nhờ vắc xin, chúng ta đã thanh toán được đậu mùa, bại liệt và nhiều bệnh truyền nhiễm khác. Chỉ có vắc xin mới có thể phòng chống được COVID-19 bền vững nhất. Với kinh tế, đây cũng là giải pháp bền vững cho chuỗi cung ứng, mục tiêu kép, an sinh xã hội.

cung-ung.png
Các chuyên gia phát biểu tại tọa đàm - Ảnh chụp màn hình

“Doanh nghiệp cũng muốn tham gia vào việc mua vắc xin nhưng những hãng vắc xin lớn họ chỉ đàm phán với Chính phủ. Do đó, các doanh nghiệp có thể kết nối được nguồn vắc xin và Chính phủ đứng đứng ra đàm phán”, ông Phu nói đồng thời cho biết phải lựa chọn đối tượng doanh nghiệp để được ưu tiên tiêm vắc xin.

Không thể duy trì lâu “3 tại chỗ”

Ông Lê Tiến Trường, Chủ tịch Tập đoàn Dệt may Việt Nam cho biết, dệt may, da giày, thủy sản rất đông lao động và sẽ không thể duy trì theo kiểu “3 tại chỗ” hay “1 cung đường 2 địa điểm”.

Ông Trường cho biết câu chuyện ở Việt Nam hiện nay cũng tương tự như ở Ấn Độ, Bangladesh mấy tháng trước. “Cái chúng ta đang gặp phải cũng giống với những gì mà đối thủ cạnh tranh của chúng ta gặp ở thời gian vừa rồi. Do đó, 6 tháng đầu năm, kết quả kinh doanh của ngành dệt may rất tốt.

Ông Trường cũng cho rằng dịch bệnh không dự báo được thời gian kết thúc và nó lặp đi lặp lại nên doanh nghiệp phải làm quen với việc trong 1 năm có mấy tháng thuận lợi, mấy tháng khó khăn do bùng dịch.

“Chúng tôi xác định 3 tại chỗ chỉ có thể áp dụng được ở những ngành sản xuất nguyên liệu như dệt, sợi, vì diện tích nhà máy rông, ít lao động. Tuy nhiên, tổ chức được nhưng nếu kéo dài lên đến 3 tuần thì tâm lý người lao động rất bất ổn, năng suất đi xuống”, ông Trường nói.

Theo ông Trường, thực hiện “3 tại chỗ” thì chi phí cho người lao động tăng gấp 2,2 lần, rơi vào khoảng 20 triệu/lao động. Do đó, doanh nghiệp sẽ không chịu đựng được lâu dài.

“Với những khách hàng chúng tôi quyết tâm phải giữ thì mới áp dụng, chứ bình thường thì không thể duy trì được, nhiều doanh nghiệp đã phải cho lao động tạm nghỉ”, lãnh đạo tập đoàn dệt may nêu.

Ông Lê Tiến Trường cho biết trong lúc chờ đợi vắc xin thì các doanh nghiệp cũng đang tìm giải pháp bảo vệ cho mình.

Theo đó, doanh nghiệp phải gom công nhân ở cùng khu trọ thành 1 tổ. “Nếu có người nhiễm thì cả tổ nghỉ luôn, chứ nếu công nhân trọ ở nhiều nơi thì sẽ thêm nhiều tổ phải nghỉ. Chúng tôi cũng đang áp dụng việc đặt vị trí đi lại theo mã số nhân viên. Hiện nay, diện tiếp xúc của 1 công nhân liên quan đến 20 người, nếu 1 người nhiễm thì cả 20 người nghỉ”.

Tuy nhiên, ông Trường cho rằng chúng ta không thể áp dụng biện pháp “3 tại chỗ” hay “1 cung đường 2 địa điểm” lâu dài được. Ví dụ như Bangladesh, các ca nhiễm vẫn nhiều nhưng họ vẫn phải cho lao động làm trở lại, họ không thể áp dụng thêm vì áp lực an sinh xã hội rất lớn. Dịch còn diễn biến lâu dài, các cơ quan quản lý cũng nên tính đến vấn đề này.

Nếu cứ đóng cửa, doanh nghiệp sẽ không trụ được

Cũng theo ông Trường, không thể có 1 chính sách chung cho tất cả, ngay trong 1 tỉnh cũng phải tùy từng địa bàn mà áp dụng. Ví dụ ở Đồng Nai, dịch chủ yếu là Biên Hòa, Định Quán không có nhưng ở đây áp dụng giống hệt các biện pháp như các huyện có dịch. Điều này khiến cho diện doanh nghiệp bị thiệt hại sẽ lớn hơn.

3-tc.jpg
Doanh nghiệp áp dụng 3 tại chỗ - Ảnh: Thanh Niên

Ông Trường cũng cho rằng phải có sự thống nhất giữa các địa phương về điều kiện đi lại, điều kiện để doanh nghiệp hoạt động. Nếu xác dịch bệnh còn tiếp diễn lâu dài thì cần sớm có sự hướng dẫn thống nhất ở cả nước để doanh nghiệp có thể hoạt động trở lại.

TS Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI cho biết vấn đề quan trọng nhất hiện nay không phải vấn đề thị trường mà là câu chuyện sản xuất. Chính việc đóng cửa hiện nay đang gây ách tắc rất lớn cho việc sản xuất và lưu thông hàng hóa.

Theo đó, việc giãn cách càng dài thì khó khăn của người dân càng tăng lên. Việc áp dụng “3 tại chỗ” chỉ phù hợp trong một thời gian ngắn, vài tuần chứ lâu hơn không doanh nghiệp nào chịu được.

“Vắc xin thì cũng chưa biết đến bao giờ chúng ta mới đạt được 70% dân số tiêm chủng để đạt miễn dịch cộng đồng, trong khi dịch bệnh có nhiều biến chủng, rất phức tạp, thậm chí tiêm vắc xin rồi liệu có tránh khỏi việc phong tỏa trở lại như nhiều nước hay không?”, ông Lộc nói.

Theo TS Vũ Tiến Lộc, cuộc chiến này phải xác định trường kỳ, do đó cả Chính phủ và doanh nghiệp phải chuyển trạng thái, sáng tạo ra phương cách mới để thích ứng với dịch bệnh hiện nay chứ không thể duy trì mãi các giải pháp như hiện nay được.

“Nếu chúng ta cứ đóng cửa mãi như hiện nay thì các doanh nghiệp sẽ không trụ được. Trong mọi trường hợp phải đề cao tính tự chủ, sáng tạo, tự chịu trách nhiệm của doanh nghiệp và Chính phủ cần có những quy định rõ ràng để áp dụng thống nhất trong cả nước, chứ không thể mỗi địa phương mỗi kiểu”, ông Lộc nói.

Theo ông Lộc, đằng sau vấn đề của đứt gãy sản xuất là an sinh xã hội, là rất nhiều lao động không có việc làm. Dứt khoát phải mở cửa từng bước nền kinh tế chứ không thể cứ mãi đóng cửa.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Độc đáo giống lúa mùa nổi cao gần 2m ở xứ cù lao Ông Chưởng
Lúa mùa nổi được nông dân tỉnh An Giang canh tác trong hàng trăm năm, là giống lúa truyền thống có thể đạt đến độ cao gần 2m theo con nước lũ. Đặc biệt, cây lúa mùa cho những hạt gạo rất thơm ngon và đảm bảo chất lượng do nông dân không dùng phân, thuốc trừ sâu.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Chi phí tăng cao, doanh nghiệp khó duy trì “3 tại chỗ”