BHXH Việt Nam cho biết 9 tháng đầu năm nay đã chi trả tới 11.135 tỉ đồng cho 797.485 người hưởng chế độ bảo hiểm thất nghiệp.
BHXH Việt Nam vừa cho biết 9 tháng đầu năm nay, cả nước có trên 15,5 triệu người tham gia bảo hiểm xã hội (BHXH), đạt 31,5% lực lượng lao động trong độ tuổi.
Trong đó, có gần 13 triệu người tham gia tham gia bảo hiểm thất nghiệp (BHTN), đạt 26,2% lực lượng lao động trong độ tuổi; trên 86,7 triệu người tham gia bảo hiểm y tế (BHYT), đạt tỷ lệ bao phủ 89,6% dân số. So với cuối năm 2019, số người tham gia BHXH tự nguyện, BHYT tăng trưởng dương, riêng BHXH tự nguyện, đến hết tháng 4 chỉ duy trì bằng số người tham gia của năm 2019 nhưng đến nay đã đạt trên 844.741 người, tăng 381.638 người so với năm 2019.
Theo BHXH Việt Nam, dịch COVID-19 khiến tình hình sản xuất kinh doanh bị đình trệ, nhất là các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực du lịch, dịch vụ, vận tải, xuất khẩu… Đồng thời, với việc phải hạn chế trong thanh tra, kiểm tra, đôn đốc trực tiếp tại đơn vị, doanh nghiệp đã khiến số người tham gia BHXH bắt buộc, BHTN giảm.
Tổng số số thu BHXH, BHTN, BHYT có tăng về số tuyệt đối, nhưng tỷ lệ so với kế hoạch cả năm thấp hơn cùng kỳ. Tổng số tiền nợ BHXH, BHYT khoảng 19.899 tỉ đồng (bằng 4,93% số phải thu và tăng 0,8% so với cùng kỳ năm 2019).
Trong 9 tháng đầu năm, cả nước đã chi 171.411 tỉ đồng cho 8.343.061 người hưởng BHXH; 11.135 tỉ đồng cho 797.485 người hưởng chế độ BH thất nghiệp. So với cùng kỳ năm 2019, tuy số người được giải quyết hưởng chế độ ốm đau, thai sản giảm, nhưng số người được giải quyết hưởng chế độ BHXH hàng tháng, BHXH một lần và BH thất nghiệp đều tăng. Tương ứng là số chi BHXH, BH thất nghiệp cũng tăng so với cùng kỳ năm 2019, đặt biệt là số chi BH thất nghiệp tăng mạnh 145%.
Cả nước đã có 120,598 triệu lượt người khám chữa bệnh BHYT, số chi khám chữa bệnh BHYT các cơ sở đề nghị quyết toán trên Hệ thống thông tin giám định BHYT là 73.920 tỉ đồng (chưa bao gồm số chi của BHXH Bộ Quốc phòng, BHXH Công an nhân dân), tương ứng 71,7% tổng dự toán chi khám chữa bệnh BHYT năm 2020.
Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Thế Mạnh yêu cầu những tháng cuối năm, các đơn vị nghiệp vụ và BHXH các địa phương cần bám sát dự toán thu, tăng cường thanh tra đột xuất các đơn vị có dấu hiệu vi phạm; kiên quyết thu hồi nợ tại các đơn vị "chây ỳ", sử dụng các biện pháp để bám sát dòng tiền, sức khỏe doanh nghiệp. Cùng với đó là đẩy mạnh công khai doanh nghiệp nợ đọng và phối hợp với cơ quan điều tra khởi tố hình sự với doanh nghiệp vi phạm.