Hai bảo vật đó là Nhẫn bò Nandin Giồng Cát bằng vàng có niên đại thế kỷ thứ 5 và bức Phù điêu Phật Linh Sơn Bắc có niên đại thế kỷ 3 - 4.

Chiêm ngưỡng 2 bảo vật quốc gia ở Phòng trưng bày văn hóa Óc Eo

Tô Văn | 15/02/2022, 08:13

Hai bảo vật đó là Nhẫn bò Nandin Giồng Cát bằng vàng có niên đại thế kỷ thứ 5 và bức Phù điêu Phật Linh Sơn Bắc có niên đại thế kỷ 3 - 4.

Phòng trưng bày văn hóa Óc Eo (thuộc Ban Quản lý di tích văn hóa Óc Eo, thị trấn Óc Eo, huyện Thoại Sơn, tỉnh An Giang) hiện lưu giữ 2 cổ vật quốc gia, thu hút sự chú ý của đông đảo nhà khoa học và du khách tham quan.

Hai bảo vật đó là Nhẫn bò Nandin bằng vàng Giồng Cát và Phù điêu Phật Linh Sơn Bắc.

Xứng đáng là Di sản tư liệu thế giới

Nhẫn bò Nandin Giồng Cát bằng vàng có niên đại thế kỷ thứ 5 là hiện vật gốc còn nguyên vẹn. Nhẫn này được phát hiện trong cuộc khai quật tại di tích Gò Giồng Cát năm 2018, trong khuôn khổ đề án Nghiên cứu khu di tích Óc Eo - Ba Thê, Nền Chùa (văn hóa Óc Eo Nam Bộ) tại thị trấn Óc Eo, huyện Thoại Sơn.

2-nhan-da.jpg
Bảo vật quốc gia nhẫn Nandin Giồng Cát bằng vàng có niên đại thế kỷ 5 được phát hiện trong cuộc khai quật tại di tích gò Giồng Cát vào năm 2018 - Ảnh: Tô Văn

Khu vực hố khai quật phát hiện được hiện vật có tầng văn hóa ổn định, các lớp văn hóa không bị xáo trộn. Hiện vật được phát hiện ở độ sâu khoảng 1,5 mét so với lớp đất mặt.

Nhẫn bò Nandin Giồng Cát là chiếc nhẫn vàng hình tròn trơn. Mặt nhẫn là hình tượng bò đúc khối rất hiện thực, trong tư thế nằm xếp chân. Hình tượng bò được tạo hình nằm hơi nghiêng về bên phải, sống lưng hạ thấp, mông co lại, bướu (u vai) nổi cao. Đầu ngẩng cao, nhìn thẳng khá thoải mái nhưng trang nghiêm. Cặp sừng cong nhọn hướng lên trên, đôi tai mở rộng, hai mắt to; yếm (nộng bò) xếp thành nhiều nếp dưới cổ rất sinh động, khỏe mạnh; lớp da sau đầu (phần gáy và cổ) cũng tạo nhiều nếp tả thực. Đuôi xếp gọn một cách tự nhiên và thấy rõ chùm lông ở đuôi.

13-oc-eo.jpg
Lãnh đạo tỉnh An Giang và các du khách đến tham quan Nhẫn bò Nandin Giồng Cát bằng vàng - Ảnh: Tô Văn

Hai bên thành nhẫn phía sau và phía trước của hình tượng bò được trang trí khắc vạch nét nhỏ hoa văn cánh hoa sen hay hình lá cây trông như hình chiếc đinh ba, kết hợp những đường chỉ song song, giữa các đường chỉ song song là các chấm tròn nhỏ.

Hình tượng bò Nandin là vật cưỡi của thần Shiva (Thần Shiva là một trong 3 vị thần của Hindu giáo). Nhẫn Nandin Giồng Cát được chế tác với kỹ thuật kết hợp đúc và chạm, là loại hình có số lượng tìm thấy không nhiều trong văn hóa Óc Eo, đặc biệt là nhẫn có mặt hình động vật.

Bức Phù điêu Phật Linh Sơn Bắc với trọng lượng 950.000gr. Phù điêu chạm khắc nổi hình Phật trên mặt phẳng một khối đá granite lớn. Bức phù điêu chỉ khắc họa rõ hình tượng Phật đang tọa thiền, còn các chi tiết khác được khắc một cách đơn giản, với đặc điểm nổi bật là mắt khoét sâu to, rộng. Các đặc điểm đầu tóc, nét mặt và quần áo không rõ nét.

3-nhan-da.jpg
Bảo vật quốc gia bức Phù điêu Phật Linh Sơn Bắc bằng đá granite có niên đại thế kỷ 3 - 4 được phát hiện trong cuộc khai quật khảo cổ ở di tích Linh Sơn Bắc vào năm 2019 - Ảnh: Tô Văn

Đức Phật được chạm khắc trong tư thế ngồi thiền, hai bàn tay chắp trước ngực trong tư thế thủ ấn vô úy (abhaya-mudra). Trong ấn này, hai bàn tay với các ngón tay duỗi ra hướng về phía trước, ngang tầm vai. Đây là ấn quyết mà Phật Thích Ca sử dụng ngay sau khi đắc đạo. Hai chân của Đức Phật được khắc trong tư thế ngồi thiền bán già trên bệ, chân phải gác lên bắp chân trái. Phía bên dưới của bức tượng Phật có khắc 3 chữ sanskrit theo phong cách văn tự Brahmi của vùng Nam Ấn Độ.

Hiện vật được phát hiện trong cuộc khai quật khảo cổ ở di tích Linh Sơn Bắc năm 2019 thuộc quần thể di tích quốc gia đặc biệt Óc Eo - Ba Thê (ấp Trung Sơn, thị trấn Óc Eo, huyện Thoại Sơn). Khu vực hố khai quật phát hiện được phù điêu tượng phật có tầng văn hóa ổn định. Hiện vật nằm trong lớp văn hóa có niên đại thế kỷ 3 đến thế kỷ 4, cùng với một kiến trúc được xây dựng bằng gạch, phủ lên toàn bộ di tích kiến trúc này là lớp ngói có phong cách Ấn Độ, niên đại được xác định khoảng từ thế kỷ 3 - 4.

4-oc-eo.jpg
Các bảo vật quốc gia tại Phòng trưng bày văn hóa Óc Eo luôn thu hút sự chú ý của đông đảo các nhà khoa học và du khách tham quan - Ảnh: Tô Văn

Bức Phù điêu Phật Linh Sơn Bắc có kỹ thuật tạo hình vô cùng đơn giản, trên tổng thể chỉ có thể nhìn nhận thấy hình ảnh của Đức Phật ngồi tọa thiền, còn các chi tiết không được tạo tác một cách cụ thể. Điều đó có thể thấy được đây là một sản phẩm được tạo ra vào thời kỳ mà Phật giáo mới được du nhập vào nên kỹ thuật điêu khắc và những hình ảnh về nghệ thuật phật giáo chưa được nhận thức một cách rõ ràng.

Đây là giai đoạn mô phỏng và bắt đầu hình thành của nghệ thuật điêu khắc phật giáo (đặc trưng cơ bản của giai đoạn này là tính chất lược đồ hóa sơ khai của các biểu tượng trên chất liệu kim loại và tính chất mô phỏng của các bản điêu khắc - PV).

Trước khi diễn ra sự nở rộ của nghệ thuật điêu khắc phật giáo vào thế kỷ thứ 5, nghệ thuật chạm khắc thô, đơn giản, mộc mạc, chân thực, trực quan, sinh động trên một chất liệu bản địa chính là điểm khởi đầu cho sự phát triển rực rỡ của nghệ thuật điêu khắc đá của Phù Nam ở những giai đoạn phát triển. Chính những đặc điểm đó đã tạo nên tính độc đáo của bức Phù điêu Phật Linh Sơn Bắc trên toàn bộ nền văn hóa Óc Eo nói riêng và nghệ thuật tạc tượng trong vương quốc Phù Nam nói chung.

Có giá trị đặc biệt

Các nhà khoa học đánh giá Nhẫn bò Nandin bằng vàng Giồng Cát là hiện vật gốc độc bản thể hiện ở chỗ chiếc nhẫn này duy nhất được phát hiện trong địa tầng khảo cổ ổn định, không bị xáo trộn. Điều này giúp cho việc làm tăng giá trị của hiện vật cũng như có thể xác định niên đại hiện vật một cách tương đối chính xác.

7-nhan-da.jpg
Hiện trạng nhẫn vàng vẫn còn nguyên, rất rõ nét - Ảnh: Tô Văn

Tính độc đáo của hiện vật thể hiện ở nghệ thuật chạm khắc và bố cục hình khối. Hiện vật được chế tác với những chi tiết nhỏ, tinh tế, đòi hỏi trình độ chế tác rất cao, thuần thục. Người thợ kim hoàn thời kỳ này đã rất thành thục các kỹ thuật chế tác phức tạp và đạt tới trình độ điêu luyện từ luyện vàng đến khâu đúc hay dát mỏng, kéo thành sợi, cắt, dũa. Đặc điểm hình dạng và cấu trúc tổng thể của hiện vật cho thấy đây là hiện vật thuộc loại đẹp nhất và đặc biệt nó tìm thấy trong địa tầng khảo cổ học của một di tích quan trọng trong khu di tích quốc gia đặc biệt Óc Eo - Ba Thê.

Không có bất cứ hiện vật nào trong số các hiện vật cùng loại đã được biết có cùng kiểu thể hiện như hiện vật tìm được tại địa điểm Giồng Cát.

Tính độc đáo trong việc sử dụng chất liệu kim loại quý đã đem lại hiệu ứng về thẩm mỹ, hiệu ứng về mặt tôn giáo, về sự sang trọng cao quý cho hiện vật có tính chất rất quan trọng này. Đây là một hiện vật khác biệt hoàn toàn với bộ sưu tập đã được biết về loại hình hiện vật này về bố cục và nghệ thuật trang trí.

Nhẫn Nandin Giồng Cát có giá trị mỹ thuật cao nhất so với các nhẫn Nandin cùng loại trong văn hóa Óc Eo. Nhẫn Nandin cùng với nhiều hiện vật và vàng lá tìm được trong văn hóa Óc Eo minh chứng Óc Eo có một nền kinh tế rất phát triển và có giao lưu thương mại với nhiều nước trên thế giới qua con đường tơ lụa trên biển.

Phương pháp chế tác đồ trang sức thường được sử dụng trong văn hóa Óc Eo là phương pháp đúc, chạm, khắc để tạo những đề tài hình thần, hình người, hình động vật, thực vật vừa mang tính chất hiện thực sinh động, vừa mang tính cách điệu trừu tượng.

Trong đó, nhẫn Nandin Giồng Cát được thể hiện khá chi tiết, con bò có đầy đủ chân, mắt, mũi, trong tư thế nằm được đúc, chạm với dáng vẻ trang nghiêm nhưng không kém phần sinh động. Nhẫn được tạo tác trong sự kết hợp hài hòa giữa nội dung tôn giáo với bàn tay khéo léo và óc sáng tạo để tạo ra sản phẩm vừa đáp ứng nhu cầu thẩm mỹ, vừa thỏa mãn yêu cầu nội dung tôn giáo, trở thành loại hình vật dụng có giá trị kinh tế cao đủ sức chinh phục được mọi đối tượng khách hàng.

Nhẫn Nandin Giồng Cát được một số nhà khoa học đánh giá là hiện vật được sử dụng bởi tầng lớp quý tộc trong xã hội. Do vậy, hiện vật này là tư liệu có giá trị khoa học cao đối với công tác nghiên cứu, nhận thức của nhiều ngành khoa học khác nhau về khu di tích Óc Eo - Ba Thê nói riêng và văn hóa Óc Eo nói chung.

Từ hiện vật này, nhiều nhà khoa học có thể tiếp cận nghiên cứu dưới nhiều góc độ khác nhau: như khoa học khảo cổ, về hoạt động giao lưu thương mại của cảng thị Óc Eo, về sự giao lưu, tiếp biến văn hóa Ấn Độ, về lịch sử hình thành, phát triển của đời sống tín ngưỡng tôn giáo của cư dân văn hóa Óc Eo, về nghề chế tác kim loại quý, mỹ thuật…

6-nhan-da.jpg
Hiện trạng bức Phù điêu Phật Linh Sơn Bắc vẫn còn nguyên dáng - Ảnh: Tô Văn

Còn về bức Phù điêu Phật Linh Sơn Bắc, theo nhiều kết quả nghiên cứu thì Phật giáo đã được truyền bá vào Phù Nam từ những thế kỷ đầu Công nguyên, tuy nhiên có rất ít tư liệu hiện vật và kiến trúc thể hiện một cách rõ rệt sự có mặt của Phật giáo ở giai đoạn này.

Bức phù điêu phật là hiện vật ghi dấu giai đoạn lịch sử khi Phù Nam phát triển mạnh, chuyển kinh đô từ Na Phật Na lên vùng đất cao Angkor Borei (Ta Keo). Việc phát hiện Phù điêu Phật Linh Sơn Bắc và kiến trúc kề bên có khả năng là một ngôi đền Phật giáo, chứng tỏ ở chân núi Ba Thê ngoài những ngôi đền Hindu giáo, còn có khu đền và tịnh xá Phật giáo.

Giá trị nổi bật của bức Phù điêu Phật Linh Sơn Bắc là thể hiện nền nghệ thuật điêu khắc Phật giáo thuộc giai đoạn sớm của văn hóa Óc Eo. Ở thời kỳ này, các hình tượng của nghệ thuật Phật giáo chưa được tiếp nhận một cách đầy đủ nên nhận thức hình tượng về Đức Phật của những người thợ chế tác còn mang tính chất mô phỏng sơ khai, tạo tác dạng phù điêu ngồi thiền của Đức Phật với thủ Ấn vô úy (abhaya-mudra) và thủ ấn này còn tiếp tục thể hiện trên tượng Phật bằng gỗ và đá.

Đây là một phong cách tượng Phật của văn hóa Óc Eo và vương quốc Phù Nam. Đây là một hiện vật hết sức có giá trị về mặt khoa học. Từ hiện vật này, nhiều nhà khoa học có thể tiếp cận nghiên cứu dưới nhiều góc độ khác nhau như: đối với công tác nghiên cứu khoa học về khảo cổ, về lịch sử hình thành, phát triển của Phật giáo và đời sống tín ngưỡng tôn giáo của cư dân văn hóa Óc Eo xưa, về mỹ thuật…

Ông Nguyễn Khắc Nguyên - Trưởng phòng Nghiệp vụ bảo tàng, Ban Quản lý di tích văn hóa Óc Eo cho biết 2 bảo vật quốc gia này, một phần do Viện KHXH vùng Nam Bộ khai quật, một phần do Viện Khảo cổ học khai quật, năm 2018 và 2019. 

“Hai bảo vật quốc gia đã được Hội đồng Giám định khảo cổ xác định niên đại, giá trị rồi mới trình lên Thủ tướng Chính phủ để được công nhận là bảo vật quốc gia”, ông Nguyên nói.

4-nhan-da.jpg
Ông Nguyễn Khắc Nguyên - Trưởng phòng Nghiệp vụ bảo tàng, Ban Quản lý di tích văn hóa Óc Eo, tỉnh An Giang trao đổi với phóng viên Một Thế Giới vào chiều 14.2 - Ảnh: Tô Văn

Cũng theo ông Nguyên, sau khi được Thủ tướng Chính phủ công nhận là bảo vật quốc gia, Ban Giám đốc sẽ có kế hoạch bảo quản và phát huy giá trị của hai bảo vật này.

“Ban Giám đốc cũng lên kế hoạch tuyên truyền cho người dân tỉnh An Giang biết được tính độc đáo của 2 bảo vật này trong thời gian tới. Trước mắt, tổ chức triển lãm về 2 bảo vật quốc gia này từ ngày 10.2 đến 30.4, tại Ban Quản lý di tích văn hóa Óc Eo”, ông Nguyên cho biết.

Trước đó, vào ngày 10.2 (mùng 10 Tết Nhâm Dần), tại Ban Quản lý di tích văn hóa Óc Eo, UBND tỉnh An Giang đã tổ chức lễ công bố quyết định của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt quy hoạch bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích quốc gia đặc biệt Óc Eo - Ba Thê và quyết định của Thủ tướng Chính phủ về công nhận bảo vật quốc gia.

8-oc-eo.jpg
UBND tỉnh An Giang công bố quyết định của Thủ tướng Chính phủ về công nhận bảo vật quốc gia (đợt 10 năm 2021). Trong đó, An Giang có 2 hiện vật được công nhận là bảo vật quốc gia gồm: Phù điêu Phật Linh Sơn Bắc và Nhẫn Nandin Giồng Cát  - Ảnh: Tô Văn

Tại buổi lễ, UBND tỉnh An Giang đã công bố quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích quốc gia đặc biệt Óc Eo - Ba Thê, thị trấn Óc Eo, với tổng diện tích quy hoạch 433,2ha. Trong đó, khu vực sườn và chân núi Ba Thê (khu A) có diện tích 143,9ha; khu vực cánh đồng Óc Eo (khu B) có diện tích 289,3ha.

Đồng thời, UBND tỉnh An Giang cũng công bố quyết định của Thủ tướng Chính phủ về công nhận bảo vật quốc gia (đợt 10 năm 2021). Trong đó, An Giang có 2 hiện vật được công nhận bảo vật quốc gia, gồm: Phù điêu Phật Linh Sơn Bắc bằng đá granite và Nhẫn Nandin Giồng Cát bằng vàng.

Ông Nguyễn Hữu Giềng - Giám đốc Ban Quản lý di tích văn hóa Óc Eo đã ký kết chương trình phối hợp với UBND huyện Thoại Sơn về việc thống nhất quản lý, bảo tồn, bảo vệ an toàn di tích và di vật văn hóa Óc Eo trên địa bàn theo quy hoạch đã được phê duyệt của Thủ tướng Chính phủ và các quyết định của Bộ VH-TT-DL, UBND tỉnh An Giang.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
'Trùm' xe điện Trung Quốc đặt nhà máy sản xuất tại Phú Thọ
BYD, hãng xe điện lớn nhất Trung Quốc chọn Phú Thọ làm nơi đặt nhà máy sản xuất với quy mô khoảng 100ha. Tuy nhiên, kế hoạch khởi công xây dựng đang bị chậm cho chiến lược và thị trường xe điện đang chững lại.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Chiêm ngưỡng 2 bảo vật quốc gia ở Phòng trưng bày văn hóa Óc Eo