Đó là thông tin mà Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thi Kim Tiến cho biết tại lễ phát động Phong trào đẩy mạnh dinh dưỡng toàn cầu (The SUN) và triển khai Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác dinh dưỡng trong tình hình mới.

Chiều cao của người Việt Nam vẫn chưa đạt chuẩn

Hồ Quang | 31/01/2018, 12:58

Đó là thông tin mà Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thi Kim Tiến cho biết tại lễ phát động Phong trào đẩy mạnh dinh dưỡng toàn cầu (The SUN) và triển khai Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác dinh dưỡng trong tình hình mới.

Tại buổi lễ tổ chức sáng nay 31.1, theo Bộ trưởng Tiến, thể lực và tầm vóc của người Việt Nam còn hạn chế. Chiều cao của cả nam giới và nữ giới Việt Nam tăng rất ít trong nhiều năm qua. Năm 2016, chiều cao của nam thanh niên Việt Nam là 164cm và nữ thanh niên là 153cm, còn khá thấp so với chuẩn tăng trưởng của Tổ chức Y tế thế giới và thấp hơn chiều cao trung bình cùng nhóm tuổi của đa số các nước trong khu vực châu Á.

Theo đánh giá của bà Tiến, Việt Nam đang đối diện với tình trạng suy dinh dưỡng, thấp còi cũng như thừa cân béo phì đang ở mức báo động. Tỷ lệ suy dinh dưỡng thấp còi (chiều cao theo tuổi) ở trẻ em dưới 5 tuổi hiện vẫn còn ở mức cao (21,6%) và có sự khác biệt rõ rệt giữa các vùng miền, nhóm dân tộc. Tỷ lệ suy dinh dưỡng thấp còi của trẻ dưới 5 tuổi ở khu vực miền núi phía bắc là 30,3% và Tây Nguyên là 34,2%.

Trong khi đó, tình trạng thiếu vi chất dinh dưỡng chưa được cải thiện như mong đợi. Tỷ lệ thiếu vitamin A tiền lâm sàng ở trẻ em dưới 5 tuổi là 13%, thiếu máu là 27,8% và thiếu kẽm có tỷ lệ rất cao tới 69,4%. Tỷ lệ thiếu máu ở phụ nữ có thai là 32,8% và thiếu kẽm tới 80,3%..

Đặc biệt, tình trạng thừa cân - béo phì, rối loạn chuyển hóa và các bệnh mạn tính không lây liên quan đến dinh dưỡng đang gia tăng nhanh ở cả trẻ em và người trưởng thành, đặc biệt là ở khu vực đô thị. Năm 2015, tỷ lệ thừa cân - béo phì ở trẻ em dưới 5 tuổi trong toàn quốc là 5,3%, nhất là ở TP.HCM tỷ lệ thừa cân - béo phì đã tăng gấp 3 lần trong hơn 10 năm qua từ 3,7% lên 11,5%; tỷ lệ này ở học sinh phổ thông cũng tăng gấp đôi từ 11,6% lên 21,9%.

Nhằm đẩy mạnh việc cải thiện tình trạng dinh dưỡng, nâng cao tầm vóc, thể lực và trí tuệ cho người Việt Nam, Bộ trưởng Tiến cho biết Bộ đã ban hành các chính sách, văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến dinh dưỡng và hoạt động thể lực; quyết liệt đẩy mạnh công tác cải cách hành chính, cắt giảm các thủ tục hành chính rườm rà để các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh các sản phẩm thực phẩm, dinh dưỡng cho người dân tham gia vào công tác cải thiện tình trạng.

Song song đó, Bộ Y tế cũng đã xây dựng các khuyến nghị, phổ biến chế độ dinh dưỡng, khẩu phần ăn phù hợp cho từng nhóm tuổi, nhóm đối tượng đặc thù, sử dụng nguồn thực phẩm tại địa phương và phù hợp với khẩu vị theo vùng, miền; tập trung giải quyết vấn đề suy dinh dưỡng thấp còi, thiếu vi chất dinh dưỡng, thừa cân béo phì, dinh dưỡng dự phòng và điều trị các bệnh mạn tính không lây liên quan đến dinh dưỡng; đồng thời thực hiện các chương trình, kế hoạch, đề án nhằm giải quyết được các vấn đề dinh dưỡng trong tình hình mới, ưu tiên việc chăm sóc dinh dưỡng trong 1.000 ngày đầu đời (chăm sóc sức khỏevà dinh dưỡng từ khi mang thai đến khi trẻ được 2 tuổi); áp dụng các thực hành tốt, các can thiệp hiệu quả về cải thiện dinh dưỡng đã được cộng đồng quốc tế triển khai.

Hồ Quang

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
ĐBSCL: Nhiều kênh rạch cạn kiệt nước, giao thông thủy gặp khó khăn
9 giờ trước Bảo vệ môi trường
Vào cuối năm 2023, Viện Quy hoạch thủy lợi miền Nam đã dự báo mực nước sông Cửu Long xuống thấp do mưa mùa kết thúc sớm và mùa mưa năm 2024 đến muộn hơn. ĐBSCL không chỉ bị hạn mặn, nắng nóng, thiếu nước canh tác nông nghiệp… mà giao thông đường thủy gặp nhiều khó khăn do mực nước kênh rạch xuống rất thấp.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Chiều cao của người Việt Nam vẫn chưa đạt chuẩn