Các nhà khoa học phát hiện chim ruồi có thể tự giảm thân nhiệt vào ban đêm và đưa cơ thể vào trạng thái “đóng băng” để chống chọi với cái lạnh ở vùng núi cao hàng nghìn mét.

Chim ruồi tự 'đóng băng' cơ thể để sống sót ở vùng núi Andes

Long Hải | 12/09/2020, 15:06

Các nhà khoa học phát hiện chim ruồi có thể tự giảm thân nhiệt vào ban đêm và đưa cơ thể vào trạng thái “đóng băng” để chống chọi với cái lạnh ở vùng núi cao hàng nghìn mét.

Chim ruồi có lẽ là một trong những loài mang tính biểu tượng nhất vì khả năng di chuyển độc đáo của nó. Theo các chuyên gia, cánh của loài chim này có đặc tính khí động học tương tự như lưỡi trực thăng. Chúng bay lượn giữa không trung với tốc độ đập cánh rất nhanh. Bạn chỉ có vài giây để nhận ra sự hiện diện của chim ruồi trước khi nó biến mất.

Theo một nghiên cứu mới được công bố trên tạp chí Biology Letters, những con chim nhỏ này có khả năng hạ nhiệt độ cơ thể xuống đáng kể. Vào ban đêm khi không kiếm ăn, chim ruồi có thể rơi vào trạng thái tương tự như ngủ đông để bảo toàn năng lượng. Kết quả nghiên cứu thực hiện ở các loài chim ruồi sống trên dãy Andes cho thấychúng tự điều chỉnh nhiệt độ theo cách làm chậm đáng kể quá trình trao đổi chất.

Blair Wolf, nhà sinh thái học ở Đại học New Mexico tại Albuquerque (Mỹ), tác giả chính của nghiên cứu nói:“Bạn thậm chí không biết nó còn sống nếu bạn nhặt nó lên. Tình trạng này giống như ngủ đông nhưng được điều chỉnh theo một lịch trình chặt chẽ hơn. Đồng hồ sinh học của chim ruồi dường như quản lý mọi thứ rất tốt. Vào lúc mặt trời mọc, chúng sẽ trở lại đúng với bản chất năng động của mình”.

Hoạt động ngủ lịm từng được quan sát ở chim ruồi trước đâynhưng Wolf và các đồng nghiệp muốn tìm hiểu chi tiết hơn. Họ đặt 26 con chim ruồi thuộc 6 loài khác nhau vào những chiếc lồng để qua đêm và cài nhiệt kế nhỏ vào lỗ huyệt của chúng.

Kết quả cho thấy tất cả cá thể đều tiến vào trạng thái ngủ lịm nhưng chim ruồi Metallura phoebe là loài lạnh đi nhiều nhất, giảm từ nhiệt độ khoảng 40 độ C vào ban ngày xuống 3,26 độ C, khiến chúng gần như “đóng băng”. Đây là nhiệt độ cơ thể thấp nhất từng được ghi nhận ở loài chim. Theo các nhà nghiên cứu, thời gian này kéo dài từ 5 đến 10 giờ, tùy thuộc vào loài và cá thể chim.

Nghiên cứu này rất đáng chú ý nhưng nó có thể có ý nghĩa quan trọng hơn. Các nhà khoa học từ lâu đã tự hỏi làm thế nào một số loài có thể đưa cơ thể của chúng vào trạng thái trao đổi chất thấp này và tồn tại trong thời gian dài. Con người rõ ràng không có khả năng đó dưới bất kỳ hình thức nàonhưng nếu chúng ta có thể thì sao? Đây là câu hỏi trước mắt các nhà khoa học vẫn chưa thể có câu trả lời.

Một trong những thách thức lớn mà các cơ quan không gian như NASA phải đối mặt là làm thế nào để chuẩn bị cho các phi hành gia trong chuyến bay đường dài đến các địa điểm như sao Hỏa. Nếu có thể đặt con người vào trạng thái ngủ lịm tương tự như chim ruồi, đó có thể là một việc vô cùng có lợi. Tuy nhiên, hiện tại điều này sẽ vẫn nằm trong lĩnh vực khoa học viễn tưởng.

Long Hải (theo New York Post)
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Điểm mới của lễ trao Giải thưởng Sách quốc gia lần thứ 7
một giờ trước Văn hóa
Ngày 22.11, Ban tổ chức Giải thưởng Sách quốc gia lần thứ 7 tổ chức họp báo thông tin về lễ trao giải sẽ diễn ra vào ngày 29.11 tại Nhà hát lớn Hà Nội.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Chim ruồi tự 'đóng băng' cơ thể để sống sót ở vùng núi Andes