Bộ trưởng Bộ VH-TT-DL Nguyễn Văn Hùng nhấn mạnh, việc mở cửa du lịch quốc tế cần thận trọng, Chính phủ không đánh đổi sức khỏe, tính mạng của người dân lấy lợi ích kinh tế.

'Chính phủ không đánh đổi tính mạng người dân lấy lợi ích kinh tế'

Bài và Ảnh: Tuyết Nhung | 24/04/2021, 19:39

Bộ trưởng Bộ VH-TT-DL Nguyễn Văn Hùng nhấn mạnh, việc mở cửa du lịch quốc tế cần thận trọng, Chính phủ không đánh đổi sức khỏe, tính mạng của người dân lấy lợi ích kinh tế.

Nói về phương án mở cửa du lịch quốc tế tại phiên họp Hội đồng Tư vấn du lịch lần thứ 17 ngày 23.4, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cho rằng việc mở cửa lại thị trường du lịch quốc tế là vấn đề lớn, liên quan đến nhiều cơ quan chức năng. Vì vậy, quan điểm chỉ đạo của Chính phủ là phải hết sức thận trọng, thí điểm từng bước, ưu tiên cao nhất cho vấn đề an toàn, đảm bảo mục tiêu kép vừa phòng chống dịch hiệu quả, vừa phát triển kinh tế.

bo-truong-vh-tt-dl(1).png
Bộ trưởng Bộ VH-TT-DL Nguyễn Văn Hùng - Ảnh: T.N

Bộ trưởng nhấn mạnh: "Chính phủ không đánh đổi sức khỏe, tính mạng của người dân lấy lợi ích kinh tế, do vậy việc mở cửa phải được xem xét thận trọng, không mở bằng mọi giá".

Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Trùng Khánh cho biết, ngày 17.3 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ VH-TT-DL nghiên cứu đề xuất phương án mở cửa du lịch quốc tế thông qua hộ chiếu vắc xin. Theo đó, Tổng cục Du lịch đã phối hợp với các cơ quan liên quan để triển khai nghiên cứu phương án thí điểm. Ngày 24.3, Tổng cục Du lịch đã họp với các Bộ gồm: Công an, Ngoại giao, Y tế, Giao thông vận tải... để bàn về phương án, cách thức đón khách quốc tế vào Việt Nam trong bối cảnh dịch bệnh vẫn ảnh hưởng.

Trên cơ sở đó, Tổng cục Du lịch đã xây dựng dự thảo kế hoạch thí điểm trình Bộ VH-TT-DL báo cáo lãnh đạo Chính phủ ngày 7.4. Vừa qua, Bộ cũng đã nhận được văn bản đề xuất của một số địa phương về việc mở cửa đón khách quốc tế. Trên cơ sở xem xét những đề xuất này, Tổng cục Du lịch sẽ hoàn thiện kế hoạch thí điểm để báo cáo Bộ tiếp tục trình Chính phủ trong thời gian tới.

Tổng cục trưởng cho biết thêm, hiện ngành du lịch đang đón tín hiệu vui khi bắt đầu bước vào mùa cao điểm du lịch hè, trước mắt là dịp nghỉ lễ 30.4-1.5 với việc khách du lịch tăng trở lại, tần suất các chuyến bay và tỷ lệ đặt phòng tăng cao. Trong thời gian gần đây, công suất sử dụng buồng phòng trung bình ở nhiều nơi đã tăng lên 50%, dịp cuối tuần có nơi đạt 80%. Đây là những con số tích cực cho thấy ngành du lịch có thể khai thác tốt thị trường nội địa nếu làm tốt công tác kiểm soát dịch bệnh COVID-19.

Một doanh nghiệp lữ hành cho rằng: "Thị trường nội địa khó có thể bù đắp sự thiếu hụt của thị trường quốc tế, một số doanh nghiệp khó chuyển đổi sang hoạt động phục vụ thị trường nội địa. Bên cạnh các cơ sở phục vụ khách đang phục hồi, vẫn có những cơ sở đang phải đóng cửa. Do vậy, mở cửa du lịch quốc tế vẫn là yếu tố quan trọng, cần sớm được triển khai".

Với phương án mở cửa du lịch quốc tế thời gian tới, ông Võ Huy Cường - Phó Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam đề nghị các doanh nghiệp cần bám sát các chỉ đạo của Chính phủ để có đề xuất phù hợp, liên quan đến sân bay, địa phương, điểm đến đón khách, thị trường mục tiêu. Ông cũng cho rằng trong bối cảnh hiện nay, việc mở lại các chuyến bay thương mại quốc tế cũng như đón khách du lịch quốc tế vào Việt Nam cần xem xét rất kỹ càng ở năng lực phục vụ khách, kiểm soát y tế và xử lý các tình huống phát sinh, thỏa thuận với các nước...

Khẳng định vai trò của thị trường quốc tế, tuy nhiên Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cũng nhấn mạnh rằng trong bối cảnh du lịch quốc tế chưa thể mở lại thì du lịch nội địa vẫn sẽ là nền tảng, là cứu cánh cho ngành du lịch. Việc phát huy vai trò của thị trường nội địa một cách bền vững sẽ giúp ngành du lịch giảm bớt thiệt hại và chủ động hơn trong những tình huống khủng hoảng tương tự.

Đối với du lịch quốc tế, Bộ trưởng cũng cho rằng việc đề xuất, xây dựng chính sách cần dựa trên thực tiễn, bằng chứng khoa học. Việc mở cửa du lịch quốc tế cần dựa trên năng lực, nguồn lực của Việt Nam sẵn sàng để thực hiện các biện pháp phòng chống dịch. Cùng với đó là việc cân nhắc lựa chọn thị trường, điểm đến, sản phẩm, doanh nghiệp phù hợp.

Bài liên quan
Huế - điểm đến để du lịch tiết kiệm trong tháng 4 và 5 ở châu Á
Với giá phòng trung bình 43USD (khoảng 1.066.000 đồng), Huế đã vượt qua Ninh Bình, nơi từng đứng đầu bảng xếp hạng "Những điểm đến có giá phòng rẻ nhất" vào năm ngoái của Agoda.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
ĐBSCL khát khô giữa mùa hạn – Bài 4: Giải pháp bền vững
2 giờ trước Bảo vệ môi trường
Để ứng phó với tình trạng thiếu nước sạch sinh hoạt trong mùa khô, nhiều tỉnh thành vùng ĐBSCL đã đưa ra nhiều giải pháp. Tuy nhiên, để thực hiện đồng bộ, hiệu quả, các địa phương cần nguồn vốn đầu tư lớn.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
'Chính phủ không đánh đổi tính mạng người dân lấy lợi ích kinh tế'