Sẽ không thể có một nền kinh tế nào có thể phát triển mạnh mẽ nếu như mọi quyết sách mà cấp cao nhất vạch ra đều bị biến dạng khi được đưa ra thực hiện trong thực tế bởi các cấp thừa hành, dù những quyết sách đó có hợp lý đến mức nào chăng nữa.
Cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam đang trong một giai đoạn đầy phấn khích, khi hàng loạt các động thái lắng nghe ý kiến, cam kết thay đổi và tạo thuận lợi cho doanh nghiệp (DN) hoạt động đã được Chính phủ cùng các bộ ngành thực hiện trong thời gian qua. Hai sự kiện được xem là tín hiệu cải cách cho nền kinh tế Việt Nam là kế hoạch “quốc gia khởi nghiệp” trong đó hướng tới mục tiêu Việt Nam đến năm 2020 sẽ có 1 triệu DN, và Nghị quyết 35 vừa được Chính phủ công bố, trong đó trình bày đầy đủ các chính sách hỗ trợ DN trong nước phát triển.
Các vấn đề cải cách thể chế để tạo thuận lợi cho nền kinh tế cũng được đặt ra, trong đó mục tiêu mà Chính phủ hướng tới là trở thành một chính phủ kiến tạo và phục vụ, thay vì điều hành nền kinh tế bằng mệnh lệnh hành chính như trước. Tất cả các doanh nghiệp và người dân cả nước đều đang kỳ vọng vào bước ngoặt thực sự mà các cam kết này đã đặt ra. Nhưngmục tiêu về một chính phủ kiến tạo và phục vụ liệu đã đủ?
Nghị quyết 35 vừa được Chính phủ công bố đang tạo ra một làn sóng thực sự trong cộng đồng DN và các chuyên gia kinh tế ở Việt Nam thời điểm hiện tại, khi nó được đánh giá là nghị quyết đầy đủ nhất và toàn diện nhất trong việc đề ra các giải pháp hỗ trợ DN phát triển về dài hạn. So với một số nghị quyết trước đó như Nghị quyết 19/2014 và Nghị quyết 19/2015 thì Nghị quyết 35 lần này được đánh giá là toàn diện hơn cả. Hầu hết các vấn đề chính yếu đối với DNhiện nay đều được liệt kê cặn kẽ, từ hỗ trợ khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, cho đến bảo vệ DN, tháo gỡ khó khăn trong môi trường đầu tư kinh doanh. Đồng thời nghị quyết cũng đề cập và cam kết sẽ cải cách hành chính, bảo vệ quyền bình đẳng tiếp cận nguồn lực, cùng các biện pháp giảm thuế phí và bảo vệ quyền lợi hợp pháp của DN.
Đây có thể xem như là một bước tiến quan trọng trong nền kinh tế Việt Nam theo đúng tinh thần nghị quyết đại hội Đảng lần thứ 12 được thôngqua,trong đó xác định khu vực DN tư nhân là động lực chủ đạo trong tăng trưởng kinh tế. Và không nghi ngờ gì việc nếu Nghị quyết 35 được thực hiện đầy đủ và toàn diện trong thực tế, thì những lợi ích mà nó mang lại cho nền kinh tế sẽ là rất lớn. Tuy nhiên, để Nghị quyết 35 thực sự đi vào nền kinh tế và phát huy đầy đủ tất cả những hiệu quả của mình, thì vẫn còn một chướng ngại quan trọng cần vượt qua. Đó là khả năng thực hiện nghị quyết trong thực tế.
Không phải ngẫu nhiên khi cả hai nghị quyết trước đó là Nghị quyết 19/2014 và 19/2015 đều được đánh giá là rất tốt, quy định rõ ràng các vấn đề như cải cách thủ tục hành chính, thủ tục hải quan...và so với Nghị quyết 35 thì cũng không quá thua kém, nhưng không được cộng đồng DN đánh giá cao. Theo nguyên Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh thìđó là do hiệu quả thực hiện trên thực tế hai nghị quyết trên không thực sự lớn.
Ông Vinhcũng thừa nhậnmột cách thẳng thắn: “Về mặt nghị quyết, các văn bản pháp luật và các cấp chính quyền chỉ đạo rất quyết liệt và có cải thiện đáng kể trong tháo gỡ rào cản khó khăn cho DN, tuy nhiên thực tế có một khoảng cách không nhỏ giữa các luật đưa ra, các chỉ đạo của Chính phủ với cấp thực hiện”. Ông cũng chia sẻ kinh nghiệm cá nhân của mìnhrằng nhiều DN lớn có nhỏ có đều phàn nàn rằng nghị quyết, văn bản pháp luật quy định như vậy, nhưng khi đến cấp thực hiện thì hoàn toàn không phải vậy.
Điều này có nghĩa làgiữa nghị quyết của Chính phủ với cấp thực hiện luôn có một khoảng cách đáng kể. Và một nghị quyết toàn diện, được đánh giá rất caonhư Nghị quyết 35 hiện tại, cũng hoàn toàn có thể rơi vào tình trạng tương tự. Điều này đồng nghĩa với việc,nếu không cải thiện đáng kể nguyên nhân chủ yếu đã gây ra tình trạng kém hiệu quả của những nghị quyết trước đó của Chính phủ về vấn đề cải thiện môi trường đầu tư,thì rất có thể những hiệu quả trên thực tế mà Thủ tướng cùng các bộ ngành kỳ vọng ở Nghị quyết 35 sẽ không được như mong đợi. Chỉ đến khi Nhà nước và Chính phủ thực sự có những giải pháp mạnh mẽ và quyết liệt để chấn chỉnh tình trạng không tuân thủ các văn bản pháp luật như Nghị quyết Chính phủ ở các cấp thi hành phía dưới, thì các mục tiêu quan trọng về cải cách nền kinh tế mà Nghị quyết 35 ghi nhận mới có thể được thực hiện trong thực tế.
Đây cũng sẽ là thách thức lớn nhất đối với mục tiêu mà Thủ tướng đặt ra là hướng tới một chính phủ kiến tạo và phục vụ trong thời gian tới. Một chính phủ kiến tạo và phục vụ về lý thuyết sẽ chỉ tập trung vào việc cải cách nền kinh tế thông qua hoàn thiện cơ sở pháp luật, các quy định tạo thuận lợi cho một nền kinh tế thị trường hoạt động ổn định. Vì thế, việc để tình trạng các cấp thi hành phía dưới không tuân thủ các văn bản pháp luật mà Chính phủ thực hiện, sẽ là một cản trở và thậm chí là thách thức nghiêm trọng đối với một chính phủ tập trung vào kiến tạo và phục vụ. Sẽ không thể có một nền kinh tế nào có thể phát triển mạnh mẽ nếu như mọi quyết sách mà cấp cao nhất vạch ra đều bị biến dạng khi được đưa ra thực hiện trong thực tế bởi các cấp thừa hành, dù những quyết sách đó có hợp lý đến mức nào chăng nữa.
Ngoài ra, cũng cần phải kể đến việc, Nghị quyết 35 dù hoàn chỉnh đến mấythì cũng vẫn chỉ là bước đi đầu tiên trong quá trình cải cách nền kinh tế của một chính phủ kiến tạo và phục vụ. Việc cởi trói cho một bộ phận trong nền kinh tế chưa thể coi là việc cải cách cả một nền kinh tế. Có thể thấy rõ rằng dù Nghị quyết 35 đã đề cập đến khá nhiều những giải pháp tháo gỡ khó khăn cho cộng đồng DN, nhưng đó vẫn chưa phải là việc cung cấp những điều kiện cần thiết để đưa khối DN tư nhân trở thành động lực chủ đạo trong tăng trưởng kinh tế mà nghị quyết đại hội Đảng đã tuyên bố.
Hiện tại cơ chế bộ chủ quản vẫn chưa được gỡ bỏ với các DN nhà nước, và quyền lợi được phép tiếp cận phần lớn nguồn lực về tài chính và tài nguyên của đất nước vẫn chưa được gỡ khỏi tay các DNnhà nước. Nó vẫn đang cho thấy Nhà nước và Chính phủ vẫn chưa thực sự đưa ra những biện pháp mạnh cần thiết với khối quốc doanh. Chỉ đến khi nào phần lớn nguồn lực tài chính và tài nguyên được trao vào tay khối DN tư nhân, thì khi đó mới có thể nói rằng Nhà nước và Chính phủ thực sự coi khu vực này là động lực chủ đạo trong tăng trưởng kinh tế của đất nước.
Nhàn Đàm (bài viết có sử dụng một số thông tin từ The Saigon Times, CafeF, Cafebiz)