Vài ngày qua, tại An Giang nhiều cửa hàng bán lẻ xăng dầu đồng loạt treo biển hết xăng hay bán ra nhỏ giọt với lý do càng bán càng lỗ. Vì vậy, các ngành chức năng vào cuộc kiểm tra và các chuyên gia đi tìm giải pháp.

Chính phủ nên cân nhắc rút ngắn tần suất điều chỉnh giá xăng dầu một cách hợp lý

Tô Văn | 09/02/2022, 11:01

Vài ngày qua, tại An Giang nhiều cửa hàng bán lẻ xăng dầu đồng loạt treo biển hết xăng hay bán ra nhỏ giọt với lý do càng bán càng lỗ. Vì vậy, các ngành chức năng vào cuộc kiểm tra và các chuyên gia đi tìm giải pháp.

Hàng chục cửa hàng xăng tạm đóng cửa, ngành chức năng vào cuộc kiểm tra

Theo ghi nhận của phóng viên Một Thế Giới sáng 9.2, đoàn kiểm tra của các ngành chức năng tỉnh An Giang vẫn đang tiếp tục kiểm tra nhiều đại lý xăng dầu tạm ngừng hoạt động trên địa bàn các huyện  An Phú, Phú Tân, Thoại Sơn, Châu Thành, Châu Phú.

1-dau.jpg
Hàng chục cửa hàng xăng dầu tại An Giang đã tạm ngưng phục do với lí do càng bán càng lỗ - Ảnh: Anh Hồ

Qua kiểm tra, Cục QLTT tỉnh An Giang cho biết, trên địa bàn tỉnh có 10 doanh nghiệp đầu mối, 16 tổng đại lý và 489 cửa hàng kinh doanh xăng dầu. Trước tình hình cung ứng xăng dầu đang diễn biến hết sức phức tạp, thời gian qua, nhiều cửa hàng xăng dầu trên địa bàn tỉnh An Giang đóng cửa, tạm ngưng hoạt động chưa đúng quy định, gây nhiều bức xúc cho dư luận và khó khăn trong công tác quản lý.

2-dau.jpg
Một cửa hàng xăng dầu trên địa bàn An Giang được các ngành chức năng đến kiểm tra - Ảnh: Anh Hồ

Cụ thể, từ ngày 29.1 đến ngày 7.2, qua kiểm tra của Cục QLTT tỉnh, có 23 cửa hàng kinh doanh xăng dầu ở 5 huyện Thoại Sơn, Phú Tân, Châu Thành, Châu Phú và An Phú ngưng hoạt động. Lý do các cửa hàng treo biển “hết xăng” là thiếu nguồn cung, không có nhân viên phục vụ, sang nhượng cửa hàng cho đơn vị khác... Trong đó, tạm ngưng hoạt động nhiều nhất là các cửa hàng kinh doanh xăng dầu thuộc hệ thống của PVoil cung ứng nguyên liệu.

3-dau.jpg
4-dau.jpg
6-dau.jpg
Công tác kiểm tra và lập biên bản nếu cửa hàng kinh doanh xăng dầu vi phạm vào sáng 8.2 - Ảnh: Anh Hồ

Điển hình tại huyện Châu Thành có 5 cơ sở kinh doanh xăng dầu gồm: Thanh Long 2, Bảy Mẫn, Út Tuyết, Nguyễn Văn Đến, Cửa hàng xăng dầu số 20 Út Rô ngưng hoạt động do hết xăng, không có nguồn cung. PVOIl gửi thông báo đến các đại lý này với nội dung: “Do tàu xăng dầu không về kịp, kho An Giang dừng cung cấp xăng A95 cho đến khi có thông báo mới; dầu DO và E5 vẫn cung cấp bình thường”. Còn tại huyện Phú Tân thì có 5 trường hợp cơ sở cây xăng ngưng hoạt động hoặc chỉ bán dầu DO cho khách hàng.

Và ngày 8.2, Cục QLTT tỉnh An Giang đã yêu cầu các Đội QLTT cần nắm chặt bàn quản lý, đẩy mạnh các biện pháp nghiệp vụ để kịp thời phát hiện làm rõ từng trường hợp cửa hàng kinh doanh xăng dầu đóng cửa không hoạt động, cần thiết thì phối hợp với các cơ quan chức năng kiểm tra thực tế hàng hóa tại cửa hàng nếu vi phạm phải kiên quyết xử lý nghiêm. Xác minh lại thông tin các cửa hàng xăng dầu đóng cửa, tạm ngưng hoạt động trong thời gian qua. Nếu có vi phạm trong quá trình tạm ngưng hoạt động thì phối hợp kiểm tra ngay để xử lý nghiêm theo quy định.

Nỗi lòng doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu khi tạm ngưng phục vụ

Một doanh nghiệp phân phối xăng dầu trên địa bàn tỉnh An Giang cho biết, một số cửa hàng đóng cửa từ trước Tết Nguyên đán là do thiếu nguồn cung và giá bán ra thấp hơn giá nhập vào nên lỗ nặng.

“Gần đây những doanh nghiệp đầu mối không những cắt giảm hoa hồng đến mức quá thấp mà bản thân doanh nghiệp bán lẻ còn phải tự bỏ ra chi phí để vận chuyển xăng, dầu từ kho đầu mối về cửa hàng. Tính ra một ngày doanh nghiệp mất khoảng vài triệu đến vài chục triệu đồng. Ngoài ra, một lít xăng dầu nhập về cao hơn bán ra 200 đồng vì giá xăng dầu bán ra theo quy định của nhà nước thì chúng tôi sao đỡ nổi. Vì vậy nếu bán sẽ lỗ nặng nên buộc tạm ngưng”, người này nói.

5-dau.jpg
Một doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu cho biết: "Một lít xăng dầu nhập về cao hơn bán ra 200 đồng vì giá xăng dầu bán ra theo quy định của nhà nước. Vì vậy, nếu bán sẽ lỗ nặng nên buộc tạm ngưng" - Ảnh: Anh Hồ

Tương tự, một doanh nghiệp tư nhân tại thị trấn Chợ Vàm, huyện Phú Tân cho biết: “đã có đơn xin nghỉ bán xăng dầu từ ngày 5.2 đến hết ngày 12.2, với lý do Công ty An Kiên - huyện Chợ Mới giao xăng A95 giá 24.560 đồng/lít, bằng với giá bán ra 24.560 đồng/lít, doanh nghiệp lỗ chi phí nên xin nghỉ. Đồng thời, Công ty TNHH MTV xăng dầu An Giang (Petrolimex An Giang) thông tin hiện nay nguồn xăng không đủ giao cho doanh nghiệp. Công ty Petrolimex hẹn đến ngày 8.2 mới giao xăng, do đó hiện nay một số doanh nghiệp chỉ bán dầu chứ không bán xăng”.

Đi tìm giải pháp…

Thạc sĩ B.N (chuyên ngành Quản trị kinh doanh) cho biết, xăng dầu là mặt hàng chiến lược, có vai trò rất quan trọng trong tất cả các lĩnh vực sản xuất, đời sống xã hội và bảo đảm an ninh quốc phòng.

“Chi phí về xăng dầu là một loại chi phí để sản xuất ra rất nhiều loại hàng hoá, có thể nói rằng xăng dầu là nguồn nhiên liệu chính cho mọi hoạt động của nền kinh tế. Vì vậy, ở Việt Nam hoạt động kinh doanh xăng dầu luôn có sự can thiệp của nhà nước ở các mức độ khác nhau với những công cụ khác nhau. Một sự bất ổn của thị trường xăng dầu có thể tạo ra gánh nặng đối với các nền kinh tế, đặc biệt Việt Nam đang phải nhập khẩu phần lớn lượng xăng dầu tiêu dùng trong nước. Trong những năm gần đây, hoạt động kinh doanh xăng dầu dưới sự quản lý của Nhà nước đã góp phần ổn định thị trường trong nước. Thực tế đã cho thấy, các chính sách quản lý nhà nước đối với kinh doanh xăng dầu luôn được đổi mới và hoàn thiện theo hướng thúc đẩy thị trường xăng dầu phát triển, đảm bảo quyền lợi của doanh nghiệp, quyền lợi của người tiêu dùng và thu ngân sách nhà nước. Tuy nhiên, chính sách quản lý nhà nước đối với kinh doanh xăng dầu hiện vẫn còn nhiều bất cập. Ví dụ như việc sử dụng các chính sách thuế, giá và chỉ tiêu nhập khẩu chưa đồng bộ dẫn đến sự gián đoạn nguồn cung ở một số thời điểm nhạy cảm. Chính vì vậy, việc hoàn thiện chính sách quản lý nhà nước đối với kinh doanh xăng dầu hiệu quả là thực sự có giá trị đặc biệt là đối với Việt Nam”, thạc sĩ phân tích.

Tuy nhiên với tình hình hiện nay, khoảng 23 cửa hàng trên địa bàn tỉnh An Giang tạm ngưng phục vụ thì thạc sĩ có thể cho biết thêm về các giải pháp đem lại tính khách quan theo nguyên tắc thị trường.

Thạc sĩ B.N thông tin, thị trường xăng dầu cần đảm bảo theo nguyên tắc thị trường, mang tính cạnh tranh, minh bạch, phá bỏ thế độc quyền đối với thị trường phân phối. Hoàn thiện cơ chế chính sách phù hợp nhằm khuyến khích thu hút nhiều doanh nghiệp tham gia vào kênh phân phối để tăng tính cạnh tranh, giảm tính độc quyền như hiện nay.

“Quỹ bình ổn giá cần sử dụng hài hòa trong quản lý nhà nước và lợi ích của người tiêu dùng. Chỉ nên trích quỹ bình ổn giá xăng dầu khi giá giảm để giá vẫn ổn định (bình ổn giá) và tạo nguồn cho quỹ, khi giá tăng không trích và sẽ dùng quỹ bình ổn để bù đắp, chỉ tăng giá khi thiếu quỹ”, thạc sĩ B.N nhận định

Cũng theo thạc sĩ B.N, về nguyên tắc tần suất điều chỉnh giá xăng dầu cần bình đẳng, sòng phẳng ngay cả với chính doanh nghiệp và người tiêu dùng, mà bên thiệt hại ở đây chắc chắn là người tiêu dùng khi mà doanh nghiệp đang được định đoạt giá.

“Do đó, Chính phủ nên cân nhắc rút ngắn tần suất điều chỉnh giá xăng dầu một cách hợp lý, để giá bán lẻ trong nước ngày càng tiệm cận với giá thế giới, tránh việc giá thế giới giảm, giá trong nước lại tăng và ngược lại. Ngoài ra, chuẩn hóa các điều kiện kinh doanh xăng dầu, trao cho doanh nghiệp nhiều hơn quyền tự quyết định giá, phân tích sâu sắc hơn các chỉ tiêu hạn ngạch nhập khẩu xăng dầu và tăng khối lượng dự trự quốc gia về xăng dầu, cũng như hoàn thiện quy hoạch phát triển hệ thống các công trình xăng dầu đảm bảo nguồn cung ổn định”, thạc sĩ B.N nhận định.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Kinh tế-xã hội Việt Nam gần đây và triển vọng trong năm nay - Bài 2: Các lĩnh vực đều tăng tốc, bứt phá
Sản xuất nông-lâm nghiệp và thủy sản năm 2023 và quý 1/2024 tiếp tục là một trụ đỡ vững chắc của nền kinh tế với kim ngạch xuất khẩu nông sản tăng cao, chăn nuôi phát triển ổn định, nuôi trồng thủy sản phát triển khá.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Chính phủ nên cân nhắc rút ngắn tần suất điều chỉnh giá xăng dầu một cách hợp lý