Việc một doanh nghiệp lớn chuyên sản xuất, phân phối gạo chất lượng cao, vừa ký kết hợp tác tiêu thụ lúa gạo với 2 tỉnh có sản lượng lương thực cao nhất, nhì cả nước là Kiên Giang và An Giang. Đây sẽ là tín hiệu vui và là hướng đi mới của ngành lúa gạo.

Hướng đi mới của ngành lúa gạo ở An Giang và Kiên Giang

Tô Văn | 08/02/2022, 13:43

Việc một doanh nghiệp lớn chuyên sản xuất, phân phối gạo chất lượng cao, vừa ký kết hợp tác tiêu thụ lúa gạo với 2 tỉnh có sản lượng lương thực cao nhất, nhì cả nước là Kiên Giang và An Giang. Đây sẽ là tín hiệu vui và là hướng đi mới của ngành lúa gạo.

Ngày 8.2, tại An Giang, UBND tỉnh An Giang tổ chức Lễ ký kết thỏa thuận hợp tác về việc phối hợp xây dựng vùng nguyên liệu lúa gạo đạt chuẩn và phát triển liên kết theo chuỗi giá trị trên địa bàn 2 tỉnh An Giang và Kiên Giang với Công ty cổ phần Tập đoàn Tân Long (Tập đoàn Tân Long).

3-lua-gao.jpg
Quang cảnh buổi Lễ ký kết thỏa thuận hợp tác về việc phối hợp xây dựng vùng nguyên liệu lúa gạo đạt chuẩn và phát triển liên kết theo chuỗi giá trị trên địa bàn tỉnh An Giang, Kiên Giang với Tập đoàn Tân Long - Ảnh: Tô Văn

Phát biểu chào mừng, ông Trần Anh Thư - Phó chủ tịch UBND tỉnh An Giang cho biết, ĐBSCL có lợi thế lớn trong việc phát triển nông nghiệp, đặc biệt là trên lĩnh vực sản xuất lúa, gạo.

“Trong đó, 2 tỉnh An Giang và Kiên Giang luôn dẫn đầu cả nước về sản lượng sản xuất lúa, gạo, đóng góp quan trọng vào mục tiêu đảm bảo an ninh lương thực quốc gia và đảm bảo vị thế xuất khẩu gạo của nước ta trên thị trường xuất khẩu gạo của thế giới”, ông Thư nhấn mạnh.

1-lua-gao.jpg
Ông Trần Anh Thư - Phó chủ tịch UBND tỉnh An Giang phát biểu chào mừng - Ảnh: Tô Văn

Ông Thư thông tin thêm, chỉ riêng tại tỉnh An Giang với tổng diện tích sản xuất lúa, gạo hàng năm khoảng 640 ngàn ha; sản lượng lúa cả năm toàn tỉnh đạt hơn 3,8 triệu tấn, đứng thứ 2 sản lượng lúa gạo cả nước (sau tỉnh Kiên Giang, với sản lượng đạt gần 4,3 triệu tấn/năm -PV). Sản lượng gạo xuất khẩu hàng năm của tỉnh trên 500.000 tấn, kim ngạch xuất khẩu đạt trên 280 triệu USD.

“Hiện An Giang đã xác định tầm quan trọng của công tác mời gọi doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực chế biến lúa, gạo, góp phần nâng giá trị hạt gạo và tiến đến xây dựng thương hiệu gạo của tỉnh trong thời gian tới. UBND tỉnh cam kết sẽ đồng hành cùng doanh nghiệp thông qua việc chủ động quy hoạch lại vùng sản xuất lúa, gạo tập trung và hình thành các hợp tác xã nông nghiệp hiện đại theo nhu cầu của doanh nghiệp. Từng bước thay đổi tư duy sản xuất của người nông dân từ sản xuất nông nghiệp thuần túy sang tư duy kinh tế nông nghiệp”, ông Thư nói.

8-lua-gao.jpg
Ông Trương Sĩ Bá - Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Tập đoàn Tân Long phát biểu tại lễ ký kết - Ảnh: Tô Văn

Phát biểu tại lễ ký kết, ông Trương Sỹ Bá - Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Tập đoàn Tân Long khẳng định, kế hoạch xây dựng vùng nguyên liệu lúa gạo đạt chuẩn và phát triển liên kết chuỗi giá trị theo định hướng mô hình hợp tác xã kiểu mới được đánh giá là cơ hội thuận lợi giúp người trồng lúa đảm bảo được đầu ra nhờ cơ chế nông dân canh tác theo đơn đặt hàng và định hướng thị trường từ doanh nghiệp. Từ đó, giúp giảm chi phí vật tư nông nghiệp đầu vào; ứng dụng đồng bộ công nghệ - khoa học kỹ thuật tạo nên những cánh đồng thông minh và sản phẩm lúa gạo đạt chất lượng tốt nhất nhờ hệ thống xử lý sau thu hoạch hiện đại. Đây là những điều kiện quan trọng giúp tạo nên những sản phẩm gạo sạch, truy xuất nguồn gốc, giá trị cao và từ đó gia tăng lợi nhuận cho nông dân.

“Hợp tác với tỉnh An Giang và Kiên Giang, Tập đoàn Tân Long ưu tiên canh tác quy mô lớn các giống lúa giá trị cao như: ST21, ST24, ST25 của tác giả - Thạc sĩ, Kỹ sư Hồ Quang Cua và các giống lúa khác của Viện giống đồng bằng sông Cửu Long theo xu hướng canh tác xanh, canh tác gạo hữu cơ và cận hữu cơ trên cánh đồng lúa - tôm, phù hợp với điều kiện của từng địa phương cụ thể nhằm đáp ứng nhu cầu tiêu thụ xuất khẩu và nội địa, từng bước hình thành thương hiệu gạo quốc gia”, ông Bá khẳng định.

2-lua-gao.jpg
Ông Trần Thanh Nam - Thứ trưởng Bộ NN-PT-NT phát biểu chỉ đạo - Ảnh: Tô Văn

Phát biểu chỉ đạo, ông Trần Thanh Nam - Thứ trưởng Bộ NN-PT-NT hoan nghênh Tập đoàn Tân Long đẩy mạnh đầu tư vào nông nghiệp và liên kết hợp tác với tỉnh An Giang và Kiên Giang; đặc biệt là xây dựng vùng nguyên liệu và mô hình hợp tác xã kiểu mới tại hai địa phương.

“Bộ NN-PT-NT đang thí điểm xây dựng vùng nguyên liệu 50.000 ha lúa tại An Giang và Kiên Giang đạt quy chuẩn xuất khẩu, được cấp mã số vùng trồng, gắn với doanh nghiệp tiêu thụ.Việc đầu tư vùng nguyên liệu cùng những chính sách hỗ trợ của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng tỉnh An Giang, Kiên Giang đối với doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, xây dựng liên kết sản xuất theo hướng quy mô lớn, hiện đại sẽ giúp xây dựng hình mẫu phát triển mới trong nông nghiệp, từ đó nhân rộng ra vùng Đồng bằng sông Cửu Long cũng như cả nước”, thứ trưởng khẳng định.

4-lua-gao.jpg
Tập đoàn Tân Long ký thỏa thuận tiêu thụ lúa gạo với An Giang - Ảnh: Tô Văn
5-lua-gao.jpg
Tập đoàn Tân Long ký thỏa thuận tiêu thụ lúa gạo với Kiên Giang - Ảnh: Tô Văn

Theo tìm hiểu của phóng viên Một Thế Giới việc thỏa thuận hợp tác giữa Tập đoàn Tân Long với tỉnh An Giang: Tập đoàn Tân Long tham gia liên kết sản xuất và tiêu thụ lúa hàng hóa với tổ chức sản xuất quy mô lớn trên địa bàn các huyện Tri Tôn, Tinh Biên, Châu Phú, Châu Thành, Thoại Sơn… để hình thành chuỗi giá trị lúa gạo bền vững, với diện tích canh tác tăng dần qua các năm. Cụ thể, trong năm 2022 đạt 10.000 ha, năm 2023 đạt 15.000 ha, năm 2024 đạt 20.000 ha và năm 2025 đạt 30.000 ha. 

7-lua-gao.jpg
Nhà máy chế biến lúa gaọ của tập đoàn Tân Long tại xã Lương An Trà, huyện Tri Tôn với công suất 2,4 triệu tấn/năm - Ảnh: Tô Văn

Ngoài diện tích liên kết trực tiếp, Tập đoàn Tân Long tổ chức thu mua sản lượng lúa ổn định của nông dân trên địa bàn tỉnh An Giang khoảng 100.000 tấn/vụ. Phía UBND tỉnh An Giang tạo điều kiện để Tập đoàn Tân Long tổ chức sản xuất theo kế hoạch tại các vùng nguyên liệu; cùng tham gia tuyên truyền, thiết lập vùng liên kết sản xuất; hỗ trợ xây dựng vùng liên kết sản xuất mẫu…

6-lua-gao.jpg
Một sản phẩm từ gạo chất lượng cao được trưng bày tại Hội trường UBND tỉnh An Giang - Ảnh: Tô Văn

Còn việc thỏa thuận hợp tác giữa Tập đoàn Tân Long với tỉnh Kiên Giang thì được xác định: Chỉ riêng về phía Tập đoàn Tân Long tham gia liên kết sản xuất và tiêu thụ với tổ chức đại diện nông dân gồm hợp tác xã, tổ hợp tác trên địa bàn tỉnh Kiên Giang trong năm 2022 là 10.000 ha, sản lượng dự kiến 70.000 tấn và đến năm 2025 đạt 30.000 ha với sản lượng dự kiến đạt 150.000 tấn. Ngoài diện tích liên kết, Tập đoàn Tân Long tổ chức phối hợp các hợp tác xã, tổ hợp tác thu mua lúa cho nông dân trên địa bàn tỉnh Kiên Giang.

Trước đó, Tập đoàn Tân Long đã tổ chức khánh thành giai đoạn 1 nhà máy chế biến lúa gạo công suất 2,4 triệu tấn/năm, tại xã Lương An Trà, huyện Tri Tôn (An Giang).

Bài liên quan
Thi hành kỷ luật 2 nguyên Chủ tịch An Giang, Sóc Trăng
Ủy ban Kiểm tra (UBKT) Trung ương quyết định thi hành kỷ luật cảnh cáo ông Vương Bình Thạnh, kỷ luật khiển trách ông Trần Văn Chuyện.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Kinh tế-xã hội Việt Nam những năm gần đây và triển vọng trong năm nay - Bài 3: Đầu tư phát triển, xuất nhập khẩu đều ghi điểm tốt
một giờ trước Kinh tế - đầu tư - dự án
Trên các lĩnh vực quan trọng như xuất nhập khẩu, đầu tư phát triển, tài chính - ngân hàng - chứng khoán, tiêu dùng, thu chi ngân sách đều có sự cải thiện, thay đổi theo hướng tích cực.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Hướng đi mới của ngành lúa gạo ở An Giang và Kiên Giang