Văn phòng Chính phủ sẽ xây dựng cơ chế một ngày/tuần trao đổi với báo chí để cung cấp thông tin, hoạt động của Thủ tướng và các thành viên Chính phủ.

Chính phủ sẽ trao đổi với báo chí 1 ngày mỗi tuần

Lam Thanh | 05/05/2021, 19:30

Văn phòng Chính phủ sẽ xây dựng cơ chế một ngày/tuần trao đổi với báo chí để cung cấp thông tin, hoạt động của Thủ tướng và các thành viên Chính phủ.

Chiều 5.5, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn lần đầu tiên chủ trì cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ.

chinh-phu.png
Họp báo Chính phủ thường kỳ - Ảnh chụp màn hình

Tại cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 4.2021, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ cho biết trong tháng 5, Văn phòng Chính phủ sẽ xây dựng cơ chế một tuần vào một ngày cố định sẽ gặp gỡ, trao đổi với các cơ quan báo chí để cung cấp thông tin, hoạt động của Thủ tướng, các Phó thủ tướng và các thành viên Chính phủ.

Kinh tế - xã hội tiếp tục phục hồi tích cực

Tình hình kinh tế - xã hội tháng 4 và 4 tháng đầu năm 2021 tiếp tục phục hồi và đạt được những kết quả tích cực. Kinh tế vĩ mô ổn định. Chỉ số giá tiêu dùng 4 tháng tăng 0,89%, mức thấp nhất kể từ năm 2016. Các cân đối lớn của nền kinh tế cơ bản được bảo đảm.

Thu ngân sách nhà nước 4 tháng đạt 40,5% dự toán năm, tăng 7,9% so với cùng kỳ năm 2020; đã gia hạn thời hạn nộp thuế đối với khoảng 24.000 tỉ đồng theo Nghị định số 52/2021/NĐ-CP; đã bố trí 12.100 tỉ đồng tiết kiệm chi thường xuyên năm 2020 chuyển sang năm 2021 để mua vắc xin.

Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu 4 tháng ước tăng 29,5% so với cùng kỳ năm trước; tiếp tục duy trì xuất siêu, đạt 1,29 tỉ USD. Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) tháng 4 tăng 24,1%, tính chung 4 tháng, ước tăng 10% so với cùng kỳ năm 2020, trong đó ngành chế biến, chế tạo tăng 12,7%, cao hơn cùng kỳ năm trước (tăng 9,7%).

Sản xuất nông nghiệp phát triển ổn định. Các lĩnh vực văn hóa, xã hội, môi trường tiếp tục được quan tâm chỉ đạo. Quốc phòng, an ninh được giữ vững. Các hoạt động đối ngoại và hội nhập quốc tế được triển khai hiệu quả.

"Vừa qua, báo chí cũng đã đưa rất nhiều tin tức về chuyến công du nước ngoài đầu tiên của Thủ tướng Chính phủ tới Indonesia để dự Hội nghị các nhà Lãnh đạo ASEAN. Hội nghị này là dịp Việt Nam tiếp tục khẳng định nỗ lực đối với tiến trình xây dựng Cộng đồng ASEAN, thể hiện tinh thần đầy trách nhiệm, sẵn sàng phối hợp ứng phó các vấn đề nảy sinh; đồng thời tiếp tục mở rộng và phát triển quan hệ toàn diện với các nước trong khu vực, tạo dựng mối quan hệ tốt đẹp giữa lãnh đạo Việt Nam và lãnh đạo ASEAN", Bộ trưởng Trần Văn Sơn nhấn mạnh.

Chính phủ yêu cầu các bộ, cơ quan, địa phương tiếp tục kiên định thực hiện “mục tiêu kép“, vừa quyết liệt phòng, chống dịch bệnh hiệu quả, bảo vệ sức khỏe nhân dân, vừa đẩy mạnh phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội. Giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát.

Tập trung nghiên cứu, rà soát, có biện pháp kịp thời, hiệu lực tháo gỡ những vướng mắc về thể chế, cơ chế, chính sách để giải phóng các nguồn lực phục vụ phát triển đất nước.

Cùng với đó, khẩn trương tổng kết, đánh giá, đề xuất giải pháp thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công trong thời gian qua, nhất là vốn ODA; Thúc đẩy tiêu thụ nông sản, đặc biệt là các loại nông sản vào mùa thu hoạch lớn. Tập trung đẩy nhanh triển khai các dự án đầu tư lớn của ngành, đặc biệt là các dự án trọng điểm, các dự án năng lượng; nghiên cứu, xây dựng các phương án tiêu thụ điện, cơ chế điều chỉnh giá bán điện phù hợp với nhu cầu sử dụng tại các thời điểm, tránh việc cắt giảm, lãng phí điện.

Theo dõi sát diễn biến giá cả, nhất là hiện tượng tăng giá các mặt hàng nguyên, nhiên, vật liệu trong thời gian qua; tập trung rà soát các vướng mắc, khẩn trương tổng kết việc thi hành Luật Đất đai. Kiên quyết xử lý các vi phạm về môi trường; kiểm soát chặt chẽ các nguồn thải. Có biện pháp hỗ trợ hiệu quả việc đăng ký, bảo hộ nhãn hiệu hàng hóa của Việt Nam ở nước ngoài, nhất là đối với những hàng hóa và tại thị trường tiềm năng.

Chống dịch phải thực chất

Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Trần Văn Sơn cho biết tại phiên họp thường kỳ, nội dung đầu tiên Chính phủ xem xét là vấn đề nổi lên trong công tác phòng chống dịch COVID-19. Tình hình được nhận định ngày càng xấu và phức tạp, nhiều địa phương có ca nhiễm mới.

Chính phủ nhận định thời gian qua Ban Bí thư, Chủ tịch nước, Chính phủ, Thủ tướng, ban chỉ đạo quốc gia thường xuyên chỉ đạo quyết liệt, nhiều biện pháp được triển khai, dịch cơ bản trong tầm kiểm soát. Song, dự báo dịch còn phức tạp và kéo dài, chưa một quốc gia nào khẳng định thời điểm dịch kết thúc nên chúng ta cần kiểm soát tốt.

Theo Bộ trưởng Sơn, Thủ tướng đã nhấn mạnh và yêu cầu các bộ, ngành, địa phương thực hiện nghiêm các chỉ đạo về phòng, chống dịch, chấn chỉnh, nâng cao hiệu quả công tác phòng chống dịch.

“Chống dịch phải thực chất, cụ thể, chi tiết, tuyệt đối không hình thức, phô trương. Chủ trương đặt tính mạng, sức khỏe của người dân lên trên hết. Cùng với đó cần nêu cao ý thức, trách nhiệm trong phòng, chống dịch, tuyệt đối không bao che, nể nang mà cần xử nghiêm các trường hợp nhập cảnh trái phép, không thực hiện nghiêm quy định về cách ly, tùy mức độ có thể bị xem xét khởi tố hình sự”, ông Sơn nói.

Theo ông Sơn, Thủ tướng đã giao Bộ Y tế chủ trì, chỉ đạo đảm bảo nhân lực, thuốc chữa bệnh và các phương án theo các kịch bản; chủ động tiếp cận nhiều nguồn vắc xin, đẩy nhanh tiến độ tiêm vắc xin hiện có.

Trả lời câu hỏi của báo chí về việc nhiều địa phương xuất hiện tình trạng phớt lờ lệnh cấm, cố tình hoạt động các dịch vụ không được phép và kịch bản ứng phó với đại dịch, đại diện Bộ Y tế cho biết Bộ trưởng Y tế đã tăng thời gian cách ly tập trung từ 14 lên 21 ngày; các cá nhân thực hiện nghiêm yêu cầu 5K; xử lý nghiêm vi phạm; các bộ, ngành có liên quan tăng cường giám sát cơ sở cách ly, lưu trú và sau cách ly; hạn chế tập trung đông người…

Về việc triển khai hộ chiếu vắc xin, đại diện Bộ Y tế cho hay đây vẫn là vấn đề đang được nhiều nước nghiên cứu. Nhiều ý kiến cho rằng chỉ áp dụng được hộ chiếu vắc xin khi đạt được miễn dịch cộng đồng thông qua tiêm chủng, nhưng hiện tại chưa có bằng chứng miễn dịch đối với các biến chủng của vi rút. Khi áp dụng hộ chiếu vắc xin cần phải có thông tin hết sức đầy đủ để triển khai đảm bảo an toàn.

Đại diện Bộ Y tế cũng cho biết chúng ta không cấm chuyên gia vào Việt Nam nhưng cần đúng người, thực sự cần thiết cho công việc. Thủ tướng cũng yêu cầu kích hoạt 5 Bộ để cân nhắc, xem xét, tùy vào từng trường hợp để cho chuyên gia nào nhập cảnh, để bên cạnh hiệu quả công việc cũng cần thiết phải an toàn.

Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn cũng cho biết Bộ tiếp cận bằng mọi cách để có vắc xin sớm. Việc nhập khẩu vắc xin dự kiến có một số nguồn là từ COVAX được 38,9 triệu liều, đủ cho các đối tượng ưu tiên và khoảng 30 triệu liều từ các nguồn khác; ngoài ra còn 2 triệu liều viện trợ của Nga và chuyển giao công nghệ sản xuất vắc xin mới nhất từ một số đối tác.

Trong nước có 2 đơn vị sản xuất vắc xin, một công ty sẽ hoàn thành vào giữa tháng 5 và công ty còn lại hoàn thành các giai đoạn vào tháng 7 và tháng 12.

“Việc tiêm vắc xin cũng không thể nào quên được biện pháp 5K của Bộ Y tế”, ông Thuấn nói.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Vẫn còn băn khoăn về phương pháp định giá trong dự thảo nghị định quy định về giá đất
Góp ý về dự thảo Nghị định của Chính phủ quy định về giá đất để hướng dẫn Luật Đất đai năm 2024, ông Nguyễn Tiến Thỏa, Chủ tịch Hội Thẩm định giá Việt Nam cho rằng có một số điểm không hợp lý.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Chính phủ sẽ trao đổi với báo chí 1 ngày mỗi tuần