Thời hạn giải ngân của chương trình cho vay nhà ở xã hội áp dụng từ nay đến khi doanh số giải ngân đạt 120.000 tỉ đồng, nhưng không quá ngày 31.12.2030.

Chính thức triển khai gói tín dụng 120.000 tỉ đồng cho nhà ở xã hội

H.Đ | 03/04/2023, 21:05

Thời hạn giải ngân của chương trình cho vay nhà ở xã hội áp dụng từ nay đến khi doanh số giải ngân đạt 120.000 tỉ đồng, nhưng không quá ngày 31.12.2030.

ngan-hang.jpg

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) vừa có công văn chỉ đạo, hướng dẫn các ngân hàng thương mại và NHNN chi nhánh các tỉnh, thành phố khẩn trương triển khai thực hiện Chương trình cho vay nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ theo Nghị quyết 33/NQ-CP.

Theo NHNN, đối tượng vay vốn trong chương trình này là các pháp nhân, cá nhân đầu tư dự án và mua nhà ở tại các dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, dự án cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ thuộc danh mục dự án do Bộ Xây dựng công bố theo quy định.

Trong đó, mỗi người mua nhà chỉ được tham gia vay vốn theo quy định tại chương trình này một lần để mua một căn hộ. Đồng thời, mỗi dự án của chủ đầu tư chỉ được tham gia vay vốn theo quy định tại chương trình này một lần.

Về thời hạn giải ngân của chương trình, áp dụng từ nay đến khi doanh số giải ngân đạt 120.000 tỉ đồng, nhưng không quá ngày 31.12.2030.

Về mức lãi suất, NHNN cho biết lãi suất cho vay áp dụng đến hết ngày 30.6 đối với chủ đầu tư là 8,7%/năm, đối với người mua nhà là 8,2%/năm. Thời gian ưu đãi đối với chủ đầu tư là 3 năm kể từ ngày giải ngân nhưng không quá thời hạn cho vay tại thỏa thuận ban đầu, đối với người mua nhà, thời hạn cho vay tối đa là 5 năm.

Khi hết thời gian ưu đãi, ngân hàng thương mại và khách hàng sẽ tự thỏa thuận, thống nhất với nhau về lãi suất cho vay để đảm bảo phù hợp với quy định của pháp luật và được xác định rõ cách xác định tại thỏa thuận cho vay ký kết giữa ngân hàng và khách hàng.

NHNN yêu cầu Agribank, BIDV, Vietcombank, VietinBank khẩn trương thực hiện chương trình từ ngày 1.4 và ban hành hướng dẫn thống nhất trên toàn hệ thống về việc triển khai.

Ngân hàng thương mại cho khách hàng vay vốn để thực hiện chương trình bằng nguồn vốn tự huy động của chính ngân hàng. Ngân hàng thương mại có trách nhiệm xem xét, thẩm định, quyết định cho vay đối với khách hàng theo quy định của pháp luật về cho vay và tự chịu trách nhiệm về quyết định cho vay của mình. Ngân hàng thương mại thực hiện phân loại nợ, trích lập dự phòng và xử lý rủi ro đối với các khoản cho vay thuộc chương trình này theo quy định của pháp luật.

NHNN nêu rõ, các ngân hàng thương mại kịp thời báo cáo NHNN những khó khăn, vướng mắc phát sinh trong quá trình cho vay theo chương trình này. Định kỳ hàng tháng (trước ngày 10 của tháng kế tiếp) báo cáo NHNN kết quả triển khai chương trình, đồng thời định kỳ báo cáo Trung tâm thông tin tín dụng quốc gia Việt Nam.

NHNN chi nhánh các tỉnh, thành phố, chỉ đạo việc thực hiện, theo dõi tình hình và thanh tra, giám sát việc cho vay của các ngân hàng thương mại tham gia chương trình trên địa bàn; kịp thời báo cáo Thống đốc Ngân hàng Nhà nước những vướng mắc phát sinh. Đồng thời, phối hợp với các sở, ban, ngành của tỉnh, thành phố trong việc cho vay của các ngân hàng thương mại tham gia chương trình trên địa bàn; kịp thời tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố xử lý các vướng mắc phát sinh trong quá trình triển khai.

Như đã đưa tin, Chính phủ vừa phê duyệt đề án "Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021-2030". Đề án đã có chỉ đạo rõ về chương trình tín dụng 120.000 tỉ đồng.

Cụ thể, đề án đề cập trước mắt, tập trung phối hợp với NHNN Việt Nam triển khai thực hiện Chương trình tín dụng khoảng 120.000 tỉ đồng và các gói tín dụng cụ thể để cho chủ đầu tư và người mua nhà của các dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân vay với lãi suất thấp hơn khoảng từ 1,5 - 2% so với lãi suất cho vay trung dài hạn VND bình quân của các ngân hàng thương mại nhà nước (bao gồm Agribank, BIDV, Vietcombank, Vietinbank) trên thị trường trong từng thời kỳ và các ngân hàng thương mại ngoài nhà nước có đủ điều kiện với từng gói tín dụng cụ thể theo chỉ đạo tại Nghị quyết số 33/NQ-CP ngày 11.3.2023 của Chính phủ.

Đề án cũng nêu để đảm bảo mục tiêu phát triển nhà ở xã hội đến năm 2030, cần khoảng 849.500 tỉ đồng chủ yếu bằng nguồn vốn xã hội hóa để hoàn thành mục tiêu đề ra đến năm 2030 là hoàn thành 1.062.200 căn hộ nhà ở xã hội, nhà công nhân. Do vậy, cần tập trung và ưu tiên tín dụng để cho vay các dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân đảm bảo công tác an sinh, xã hội.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Cần có một cuộc cách mạng thực sự về khoa học - công nghệ
4 giờ trước Khoa học - công nghệ
TSKH Nghiêm Vũ Khải - nguyên Phó chủ tịch Liên hiệp Các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam cho rằng nếu không có một cuộc cách mạng thực sự về khoa học - công nghệ thì sẽ không thể vượt qua tình trạng tụt hậu.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Chính thức triển khai gói tín dụng 120.000 tỉ đồng cho nhà ở xã hội