Sầu riêng, thanh long đang có giá cao và cơ hội xuất khẩu mặt hàng này sang thị trường Trung Quốc đã mở ra. Nhưng tại sao có nhiều cảnh báo về việc mở rộng diện tích và những trở ngại của thị trường Trung Quốc?

Xuất khẩu nông sản ĐBSCL - Bài 3: Những cảnh báo từ Trung Quốc

Văn Kim Khanh | 03/04/2023, 09:00

Sầu riêng, thanh long đang có giá cao và cơ hội xuất khẩu mặt hàng này sang thị trường Trung Quốc đã mở ra. Nhưng tại sao có nhiều cảnh báo về việc mở rộng diện tích và những trở ngại của thị trường Trung Quốc?

Thanh long Việt Nam trong tương lai có nguy cơ giảm sản lượng xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc, bởi theo công bố của Trung Quốc, diện tích và sản lượng thanh long nước này đã vượt xa Việt Nam. Cuối tháng 2.2023, Trung Quốc công bố tổng diện tích thanh long là 67.000ha,  cao hơn Việt Nam khoảng 3.000ha. Về sản lượng thanh long Trung Quốc đạt 1,6 triệu tấn/năm, cao hơn sản lượng thanh long Việt Nam 200.000 tấn.

Trung Quốc đạt vị trí đứng đầu thế giới về sản lượng thanh long là kết quả của nước này sau nhiều năm liên tục mở rộng diện tích từ 2016 đến nay. Theo thống kê của hải quan Trung Quốc, nhu cầu tiêu thụ của người dân khoảng 2 triệu tấn/năm. Như vậy, sản lượng thanh long tự sản xuất của họ đã gần đáp ứng được nhu cầu tiêu dùng cả nước.

Chung quanh vấn đề xuất khẩu thanh long sang thị trường  Trung Quốc, ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam phân tích: "Trung Quốc công bố diện tích và sản lượng thanh long của họ đã vượt Việt Nam, song năm 2022 do hạn hán nên sản lượng loại trái cây này bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Nhu cầu tiêu dùng trong nước tăng, vì vậy, họ tiếp tục nhập khẩu thanh long Việt Nam, số lượng nhập khẩu giảm so với trước đây. Trước mắt việc xuất khẩu thanh long sang Trung Quốc sẽ ít bị ảnh hưởng. Vì vậy, thanh long trong nước phải nâng cao chất lượng, đáp ứng tiêu chuẩn xuất khẩu và tích cực tìm thị trường tiêu thụ. Cần chế biến và đa dạng hóa sản phẩm trước sự cạnh tranh với thanh long Thái Lan và thanh long Trung Quốc”.

z4121440549492_bd14aeab3cc3532c4e008e2a6d6bf385.jpg
Một trang trại thanh long - Ảnh: Internet

Cũng theo ông Nguyên, về lâu dài, thanh long Việt Nam sẽ gặp nhiều thách thức do Trung Quốc đã tự túc được. Để cạnh tranh, giữ thị phần tại thị trường lớn này, các nhà vườn phải nâng cao chất lượng trái thanh long, xây dựng thương hiệu cho sản phẩm. Đặc biệt phải tìm hướng đi tới nhiều thị trường khác trước khi thanh long Trung Quốc đáp ứng đủ nhu cầu của họ.

Tương tự, trái sầu riêng Việt Nam trong tương lai có thể sẽ bị cạnh tranh khốc liệt hơn. Sầu riêng Việt Nam sẽ phải đương đầu với sầu riêng Trung Quốc. Hiện có nhiều thông tin Trung Quốc đầu tư các đồn điền sầu riêng trên đất Lào, Campuchia do họ thuê đất trồng. Sầu riêng Việt Nam phải cạnh tranh với đối thủ mạnh Thái Lan, với sầu riêng Malaisia, Philippines…

Dữ liệu từ Phòng Thương mại xuất nhập khẩu thực phẩm, sản phẩm tự nhiên Trung Quốc (CFNA) cho thấy sầu riêng là loại quả được nhập khẩu hàng đầu vào Trung Quốc, lên tới 4,3 tỉ USD trong năm 2022, với tổng số hàng 825.000 tấn. Việt Nam là nước mới bắt đầu xuất khẩu sầu riêng chính ngạch sang Trung Quốc. Tuy nhiên, thị trường nông sản Trung Quốc từ lâu là một thị trường lớn, hấp dẫn và nhiều sóng gió với doanh nghiệp xuất khẩu.

lh-vu.jpg
Sầu riêng  Việt Nam đang đối mặt với sự cạnh tranh khốc liệt - Ảnh: L.H.V

Sau nhiều lần thử nghiệm thất bại, hiện nay Trung Quốc đã thành công với cây sầu riêng. Họ trồng nhiều ở đảo Hải Nam, một số vùng ở phía nam Trung Quốc, giáp Lào và Việt Nam. Công bố mới đây của Viện Cây ăn quả nhiệt đới, Học viện Khoa học nông nghiệp Hải Nam cho biết các tỉnh phía nam nước này đã trồng thành công hơn 2.000ha sầu riêng. Sản phẩm dự kiến bán ra thị trường năm 2024 với nguồn cung khoảng 45.000 - 75.000 tấn. Đây là số liệu báo cáo và truyền thông của Trung Quốc. Tuy nhiên, đây cũng là điều ta phải lưu tâm vì liên quan đến thị trường xuất khẩu sầu riêng Việt Nam.

Theo Học viện Khoa học nông nghiệp Hải Nam (Trung Quốc), quy mô trồng sầu riêng sẽ được mở rộng ra phía bắc. Trung Quốc đang tìm cách nhập khẩu cây giống chất lượng cao từ nước ngoài, bên cạnh nguồn cây giống trong nước. Sắp tới, việc mở rộng diện tích sầu riêng tại Trung Quốc có thể tăng nhanh.

thu-hoach-sau-rieng-mua-dich-my-tho.jpg
Sầu riêng Tiền Giang phần lớn đã được xuất khẩu - Ảnh: Internet

Bà Ngô Tường Vy - Phó giám đốc Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Chánh Thu (Bến Tre) - doanh nghiệp xuất khẩu lô sầu riêng chính ngạch đầu tiên sang Trung Quốc, cho rằng "sầu riêng, thanh long Việt Nam sẽ thất thế so với hai mặt hàng này của Trung Quốc nếu không nâng cao chất lượng. Chính vậy vậy, ngay từ bây giờ, Việt Nam phải sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, phải đảm đảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Việt Nam phải sớm xây dựng thương hiệu quốc gia một số nông sản chủ lực, và quan trọng là phải đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, nếu không muốn bị bỏ lại phía sau trong cuộc đua xuất khẩu hàng nông sản trên thế giới".

Bài liên quan
Kỹ thuật giúp lúa sống chung với nắng hạn của Việt Nam được ca ngợi
Trên Bưu điện Nam Hoa, Mohammad Yunus đã có bài viết về tình hình nắng nóng đe dọa cây lúa ở Đông Nam Á, đồng thời ca ngợi các sáng kiến chống khô hạn - trong đó có sáng kiến của nông dân Việt Nam.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Khánh thành và khai thác cao tốc Cam Lâm – Vĩnh Hảo, Diễn Châu – Bãi Vọt
Chiều 28.4, Bộ Giao thông Vận tải phối hợp với UBND các tỉnh Ninh Thuận, Nghệ An, Hà Tĩnh tổ chức lễ khánh thành Dự án đường bộ cao tốc Cam Lâm - Vĩnh Hảo và thông xe đưa vào khai thác dự án cao tốc Diễn Châu - Bãi Vọt.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Xuất khẩu nông sản ĐBSCL - Bài 3: Những cảnh báo từ Trung Quốc