Tại chợ đầu mối Bình Điền (TP.HCM), chỉ cần có sạp ở chợ, nếu không đứng ra kinh doanh buôn bán mà cho thuê lại thì mỗi tháng chủ sạp thu về một số tiền tương đối lớn. Tùy vào việc sạp ở khu vực nào, số tiền thu về sẽ khác nhau. Rẻ nhất là khu chợ hoa, và mắc nhất là chợ thịt với số tiền thuê lên đến vài trăm triệu đồng mỗi tháng.
Bỏ mối heo, mỗi tháng trả chủ sạp hơn 300 triệu
Nổi danh là khu chợ đêm sầm uất, tấp nập nhất TP.HCM, chợ Bình Điền không những mang một giá trị nhất định về văn hóa mà phải nói ngay đến giá trị thương mại vô cùng to lớn.
Trong hành trình khám phá chợ đêm Bình Điền, chúng tôi không khỏi giật mình trước giá sạp rất đắt đỏ không kém cạnh các ngôi chợ lớn của thành phố như chợ Bến Thành, chợ An Đông, thậm chí còn hơn thế.
Ghé vào chợ thịt lúc trời còn chưa sáng, cả dãy sạp bán thịt heo được bày la liệt. Heo đã làm sạch và phân ra từng nửa con, được treo lên cao, nhìn cả một khu thịt heo thật hoành tráng không phải ai cũng có dịp thấy. Kẻ bán người mua, ngã giá xôm tụ. Ở chợ thịt, đa số chủ sạp đều lấy hàng của thương lái và ăn tiền trên khối lượng hàng bán ra.
Trao đổi với chúng tôi, anh Cường, một lái heo cung cấp heo cho chủ sạp K.S cho biết phải trả cho chủ sạp 800.000 đồng/tấn heo gọi là tiền “ăn dậu”. Công việc của anh là lấy heo ở nhiều địa phương khác nhau, gửi đến các điểm chuyên gia công làm sạch và vận chuyển đến chợ Bình Điền. Tại đây, anh Cường sẽ bàn giao khối lượng thịt heo này cho chủ sạp. Chủ sạp sẽ chịu trách nhiệm về đầu ra cho số heo này và lấy liền “ăn dậu” trên mỗi ký lô heo bán được.
Không tiết lộ giá mua từ trại tại các đơn vị ở miền Tây Nam Bộ hoặc Đồng Nai, nhưng anh Cường cho biết mỗi ngày anh bán được trên 10 tấn, anh nói: “Số heo tôi bán ra cũng nhiều và đều đặn. Trung bình mỗi tháng tôi phải trả cho chủ sạp hơn 300 triệu tiền “dậu”.
Như vậy, mỗi ngày trung bình chủ sạp thu về trên dưới 10 triệu tiền sạp, đó là chưa kể chủ sạp còn lấy heo từ những lái khác, thì số tiền “dậu” thu về quả thật khó tưởng tượng.
Heo được treo ngay ngắn, thẳng hàng chờ người mua. Ảnh: T.H
Nói về khoản thu hơn 300 triệu mỗi tháng, có vẻ như mọi chuyển không đơn giản như việc “sáng mở mắt ra là có tiền” như chị T.L, một chủ sạp tại chợ thịt chia sẻ. Lấy tiền “ăn dậu” nhưng không có nghĩa là chủ sạp lấy hết tất cả mà phải bỏ ra nhiều khoản chi phí như nhân công, thuế, điện, nước… lo đầu ra cho sản phẩm, giữ chân các mối hàng, và hơn hết là trách nhiệm về vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm. “Tiền người ta đâu dễ lấy, mình cũng phải bỏ công bỏ sức ra chứ”, chị T.L giải thích.
Đó là trường hợp chủ sạp đứng ra tự làm trực tiếp với thương lái để lấy tiền “ăn dậu”. Cũng có một số ít trường hợp cho thuê lại sạp để người khác đứng ra làm việc với thương lái cũng như toàn quyền kinh doanh, thuê mướn nhân công, trả các loại chi phí thì giá thuê từ 100-150 triệu đồng tùy vị trí. Tuy vậy, theo anh K, một chủ sạp thịt gần đó cho biết hầu hết chủ sạp ở đây đều tự đứng ra làm, như thế thu nhập cao hơn, chẳng đặng đừng vì lý do riêng mới để lại cho người khác mướn.
Với giá thuê và số tiền “dậu” mỗi tháng cao như thế, người ta không khó để đoán được giá sang sạp sẽ lên đến mức nào. Dù chưa được kiểm chứng trên thị trường nhưng có chủ sạp đã nói lên đến 30 tỉ đồng cũng nên.
Khó có sạp chính chủ
Tại sạp rau quả Đ.G.T, chủ sạp cho biết đã thuê lại 13 triệu/tháng từ một chủ sạp tư nhân từ 10 năm nay. Chị cho biết hiện thuê từ ban quản lý rất mắc, “lúc bỏ thầu sạp chợ, nhiều người bỏ giá mấy chục triệu, tôi bỏ giá 15 triệu không cách nào thắng nổi, đành thuê lại sạp của người khác, những người này đã mua lại từ nhà nước đã lâu và giá không mắc như bây giờ”. Nói về việc sở hữu một cái sạp, chị tỏ ý ngạc nhiên, lắc đầu nguầy nguậy: “Em nghĩ đi, thuê đã trầy trật vậy, làm sao mà có được cái sạp của riêng mình, vốn đâu ra…”.
Đãi nghêu, phân loại nghêu to nhỏ. Ảnh: T.H
Một loại sạp có giá rất đắt đỏ chỉ đứng sau chợ thịt là chợ cá, thủy hải sản. Một chủ sạp tại đây cho biết với giá sang sạp không dưới 10 tỉ đồng. Ông chủ sạp T.Đ tự hào với vị trí sạp 2 mặt tiền đưa ra ví dụ so sánh: “Giá thuê sạp ở đây ngấp nghé 100 triệu/tháng (vị trí 2 mặt tiền góc ngã tư), còn một căn nhà 2 tầng khoảng 2 tỉ cho thuê 1 tháng khoảng 7-8 triệu là cùng, vậy nên một cái sạp ở đây không dưới 10 tỉ đâu nhé, hơn mấy cái nhà ngoài kia nhiều…”.
Ở vị trí kém thông thương hơn, tại quầy mực không nằm ở ngã tư, chỉ có một mặt tiền, chị chủ sạp ở đây “bật mí” nếu chị cho thuê lại thì với giá khoảng 60-70 triệu. Chị cho biết sạp này là của chị đã có từ lâu, từ khi mới thành lập. Chị cho biết đã bán ở chợ đầu mối từ thời ngoài cầu Ông Lãnh đến bây giờ.
Thiên đường “hái ra tiền” dường như chỉ ưu ái những mặt hàng thiết yếu như thịt, cá, rau củ… Được cho là khu chợ với giá thuê, sang sạp rẻ nhất là khu chợ hoa. Trao đổi với chúng tôi, chủ sạp hoa T.N cho biết cách đây gần 3 năm chị đăng ký thuê sạp với ban quản lý với số tiền thế chân là hơn 20 triệu. “Sạp chị nằm trong đây bán ế lắm, không được đắt như ở phía ngoài kìa đâu”, chị T.N than thở. Chị cũng cho biết thêm, nhiều chủ sạp vì lý do riêng không trực tiếp kinh doanh mà cho thuê lại có khi với giá thấp hơn giá thuê từ ban quản lý. Đối với những sạp trước lối vào chợ, ngay đường xe chạy có giá thuê cao hơn. “Ở ngoài đó thuê 7 - 8 triệu từ ban quản lý, nhưng để lại cho người khác thuê tiếp thì giá lên 15 triệu, không như trong này chủ sạp chịu lỗ đâu”, chị T.N chia sẻ.
Dù sao đi nữa, để có được một sạp chợ “chính chủ” tại đây là điều vô cùng khó khăn vì nhu cầu sang sạp không sôi động hầu hết chỉ cho thuê mặt bằng sạp là chính. Hiện ban quản lý chợ chủ yếu cho bỏ thầu thuê sạp, nhưng với mức giá khá cao, nhiều tiểu thương khó mà “với” tới được. Phải nói, có được cái sạp chính chủ là điều mơ ước của rất nhiều tiểu thương.
Thảo Hương - Phan Diệu