Những năm qua, nhiều chợ nổi ở miền Tây Nam Bộ đã bị xóa sổ. Ngay cả chợ nổi có lịch sử hàng trăm năm như chợ nổi Cái Bè cũng đang đứng trước nguy cơ tiêu vong.

Chợ nổi - Bài 6: Những chợ nổi bị xóa sổ

Mỹ Tho - Văn Kim Khanh | 26/06/2023, 07:00

Những năm qua, nhiều chợ nổi ở miền Tây Nam Bộ đã bị xóa sổ. Ngay cả chợ nổi có lịch sử hàng trăm năm như chợ nổi Cái Bè cũng đang đứng trước nguy cơ tiêu vong.

cho-noi-cai-be-tien-giang-1.jpg
Chợ nổi Cái Bè (tỉnh Tiền Giang) thời hoàng kim - Ảnh: Internet

Dù chính quyền và các ngành chức năng tỉnh Tiền Giang đã nỗ lực thực hiện nhiều giải pháp để duy trì, ổn định chợ nổi Cái Bè nhưng chợ nổi này ngày càng thưa vắng và có nguy cơ biến mất.

Theo sử sách, chợ nổi Cái Bè được hình thành từ khoảng cuối thập niên 80 của thế kỷ 17 tại vàm sông Cái Bè (thuộc xã Đông Hòa Hiệp, huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang bây giờ). Đây là nơi tụ hội ghe thuyền của người dân các tỉnh Tiền Giang, Bến Tre, Vĩnh Long để mua bán, trao đổi hàng hóa.

Vào thời hoàng kim, chợ nổi Cái Bè hoạt động suốt ngày đêm và thường là theo con nước lớn. Chợ họp từ 3 - 5 giờ sáng cho đến tận xế chiều. Hàng hóa rất đa dạng và phong phú, từ vải vóc, thủy hải sản cho đến đồ gia dụng, đồ uống… nhưng nổi bật nhất là trái cây. Gần đây, do điều kiện giao thông đường bộ phát triển, nhu cầu mua hàng hóa dưới sông nước giảm dần nên chợ nổi Cái Bè thưa vắng. Hiện tại, chỉ có vài ghe thuyền tụ tập bán hàng hóa nhưng không ổn định, hàng hóa ế ẩm, khách đến chợ nổi đa phần là khách du lịch đi ngang qua.

cncb-4.jpg
Chợ nổi Cái Bè mấy năm trước - Ảnh: Mỹ Tho

Cuối năm 2017, UBND huyện Cái Bè (Tiền Giang) lập đề án “Bảo tồn và phát huy chợ nổi Cái Bè” nhằm ổn định lại hoạt động chợ nổi, đảm bảo số lượng ghe, tàu neo đậu cố định từ 100 - 150 chiếc và tiếp nhận 200 - 300 ghe, tàu neo đậu mua bán có tải trọng từ 20 - 60 tấn. Đồng thời, phải bảo tồn tối đa những giá trị văn hóa tiêu biểu, đặc sắc của chợ nổi nhằm đáp ứng nhu cầu sinh kế của người dân và trở thành một trong những điểm nhấn, một sản phẩm du dịch độc đáo, đặc thù của tỉnh Tiền Giang. Tuy nhiên, đề án này kém hiệu quả, chợ nổi ngày càng đìu hiu.

Ông Lê Văn Ý, Phó chủ tịch UBND huyện Cái Bè cho biết chợ nổi vắng khách do quy luật phát triển kinh tế - xã hội. Quan trọng là điều kiện hạ tầng giao thông đường bộ phát triển, việc sinh kế của dân thương hồ sống trôi nổi theo sông nước giảm dần.

UBND huyện Cái Bè vừa tổ chức lấy ý kiến các ngành, đoàn thể, cán bộ hưu trí về đề án “Bảo tồn và phát huy chợ nổi Cái Bè” nhưng đa phần đại biểu đều cho rằng nên dừng đề án này vì hoạt động chợ nổi đã không còn hiệu quả. Thời gian qua, không có nhà đầu tư nào đến tham gia thực hiện công tác bảo tồn và phát huy chợ nổi Cái Bè. UBND huyện sẽ xem xét, tìm các giải pháp khả thi và phù hợp nhất cho hoạt động chợ nổi Cái Bè trong thời gian tới.

cncb-2.jpg
Chợ nổi Cái Bè hiện nay - Ảnh: Mỹ Tho

Cũng như nhiều chợ nổi ở ĐBSCL, một số chợ nổi theo quy luật kinh tế nên vắng khách và tự mất đi. Theo chúng tôi nắm được, ngoài chợ nổi Cái Bè đang chết dần, chợ nổi Phong Điền đã chấm dứt hoạt động. Chợ nổi Long Xuyên trước kia sung túc do nơi đây giao lưu hàng hóa giữa các tỉnh ĐBSCL và Campuchia, nhưng đã từ lâu chợ nổi Long Xuyên được xem như xóa sổ.

cn-nga-5-new.jpg
Chợ nổi Ngã Bảy Phụng Hiệp ngày xưa - Ảnh: Internet

Chợ nổi Trà Ôn trước kia là nơi giao lưu hàng hóa, nông sản giữa các tỉnh bắc và nam sông Hậu nay cũng thưa vắng khách. Nguyên nhân chính là giao thông đường bộ phát triển quá nhanh. Hàng hóa phần lớn đều được vận chuyển bằng đường bộ.

Chợ nổi bị "bức tử chết ngộp" là chợ nổi Ngã Bảy. Chợ nằm ở ngay 7 con kênh, đầu mối là chợ Phụng Hiệp - nơi giao nhau của 7 nhánh sông/kênh. Chợ có lịch sử hàng trăm năm từ khi khai hoang, mở đất. Thế nhưng, đến năm 2002, lấy lý do chợ nổi Ngã Bảy họp nơi ngã sông ảnh hưởng giao thông đường thủy và gây ô nhiễm môi trường nên tỉnh Cần Thơ lúc đó có phương án di dời về nơi cách chợ hiện hữu khoảng 1km, theo hướng kênh Lái Hiếu. Cũng từ đó chợ suy giảm khách.

Đến năm 2009, Tổng cục Du lịch có hỗ trợ hàng chục tỉ đồng để bảo tồn và phát huy chợ nổi phục vụ du lịch. Chợ dời về gần sông Ngã Bảy hơn, có làm bến bãi và cầu tàu cho “văn minh” hơn. Thế nhưng chợ nổi Ngã Bảy - Phụng Hiệp cũng “chìm” luôn từ đó.

chonoiphongdien5_637.jpg
Chợ nổi Phong Điền trước kia - Ảnh: Văn Kim Khanh

Nói về chợ nổi Phụng Hiệp, ông Nhâm Hùng, người có nhiều công trình nghiên cứu về văn hóa miền Tây Nam Bộ cho rằng: “Những chợ nổi có tiếng và lâu đời như Cái Bè, Ngã Bảy không còn hoạt động thật đáng tiếc. Điển hình như chợ nổi Ngã Bảy - Phụng Hiệp, người ta đã dùng mệnh lệnh hành chính "bức tử nó”. Xưa nay ta hay có thói quen trong quản lý kinh tế - xã hội, cái gì không quản được thì cấm. Nếu người ta tìm cách quản lý để chợ nổi Ngã Bảy - Phụng Hiệp phát triển trong điều kinh kinh tế - xã hội bình thường thì đến nay chợ nổi Ngã Bảy - Phụng Hiệp đã không chết”.

Cũng theo ông Nhâm Hùng, đó là bài học cần rút ra, và rất mừng khi lãnh đạo TP.Cần Thơ quyết tâm bảo tồn chợ nổi Cái Răng để phục vụ phát triển kinh tế, xã hội, du lịch...

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Du lịch xanh lên ngôi
7 giờ trước Văn hóa
Xu hướng du lịch xanh trong những năm gần đây ngày càng "lên ngôi", được nhiều du khách trong và ngoài nước quan tâm.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Chợ nổi - Bài 6: Những chợ nổi bị xóa sổ