Các nhà khoa học Trung Quốc đã cho tằm ăn lá dâu được phun graphene và ống nano carbon đơn vách (single-walled), kết quả là họ đã thu được những sợi tơ tằm bền hơn 50% so với tơ tằm thường, chịu nhiệt và lại còn dẫn được điện.
Các nhà khoa học khẳng định loại lụa mới có thể dùng để may quần áo bảo hộ, chế tạo những miếng cấy ghép phân rã về mặt sinh học và những thiết bị điện tử cầm tay sạch về mặt sinh thái.
Theo Scientific American, giáo sư Yingving Zhang và các cộng sự ở Đại học Thanh Hoa đã nuôi tằm bằng những lá dâu được phun dung dịch chứa 0,2% graphene hay ống nano carbon. Sau đó họ đã thu được kén như những kén thông thường nhưng với chất lượng vượt trội.
Thông thường để cải thiện thuộc tính của lụa, người ta phải pha vật liệu nano với dung dịch độc hại để xử lý thành phẩm. Với phương pháp mới đơn giản hơn, sạch hơn về mặt sinh thái và hữu cơ hơn, các nhà khoa học đã thu được vải lụa bền gấp 2 lần, chịu nhiệt tới 1.050 °С và còn dẫn được điện.
Ngoài ứng dụng tạo dung dịch phun lên lá dâu để nuôi tầm, graphene còn là một loại vật liệu đầy triển vọng. Các nhà y học gọi đó là chìa khóa để điều trị chấn thương tủy sống. Trước đó, các nhà khoa học ở Đại học Rice đã dùng graphene để tạo ra vật liệu mới có tên Texas-PEG giúp tủy sống của những con chuột bị chấn thương phục hồi lại và chúng hoàn toàn lấy lại được chức năng vận động.
Graphene cũng còn được coi là nguồn hy vọng cứu Trái đất khỏi tình trạng thiếu nước ngọt khi các nhà khoa học Australia và Mỹ chế tạo được các bộ lọc graphene làm sạch nước với tốc độ nhanh gấp 9 lần các bộ lọc hiện tại. Riêng với phát hiện của các nhà khoa học Trung Quốc, các chủ nông trồng dâu nuôi tằm có thể nâng ngành sản xuất của mình lên một tầm cao mới.
Vũ Trung Hương