Nếu như phát biểu của Trưởng ban Kinh tế Trung ương trở thành sự thực, đó sẽ là cả một cuộc cách mạng lớn đối với nền nông nghiệp Việt Nam tính từ thời điểm ban hành chính sách Khoán 10 cách đây ba thập kỷ, khi mà cái nút thắt cứng đầu nhất và quan trọng nhất là vấn đề tích tụ đất đai cuối cùng cũng đã bắt đầu được cởi dần ra.
Một điều được các doanh nghiệp, người nông dân và các chuyên gia kinh tế chờ đợi rất lâu trong nhiều năm qua đối với ngành nông nghiệp nước nhà có vẻ như sắp trở thành sự thực: Nhà nước sẽ cho phép tích tụ đất đai. Đó là lời khẳng định của Trưởng ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Văn Bình tại hội nghị “Phát triển doanh nghiệp nông nghiệp trong tiến trình tái cơ cấu nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới” tổ chức ngày 8.9 vừa qua ở Hà Nội.
Trong bối cảnh nền nông nghiệp Việt Nam đã đứng ở sát chân tường trong khi sức ép từ hội nhập kinh tế toàn diện và biến đổi khí hậu ngày càng gay gắt, thì việc có những cải cách căn bản để thay đổi tình trạng tụt hậu là điều cần thiết. Khi động lực tăng trưởng cho ngành nông nghiệp đã cạn kiệt, thì điều cần làm là tạo một động lực mới, mà điều đó chỉ có thể là cho phép tích tụ ruộng đất và đẩy mạnh mô hình kinh tế hợp tác.
Bài phát biểu kết luận tại hội nghị của ông Nguyễn Văn Bình có lẽ sẽ khiến các nhà kinh tế, doanh nghiệp và người dân cảm thấy hết sức vui mừng, khi ông Bình tuyên bố: “Nội dung của hội thảo ngày hôm nay sẽ được Ban Kinh tế Trung ương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng các bộ ngành liên quan chắt lọc, đề xuất Bộ Chính trị, Ban Bí thư trong thời gian sớm nhất thông qua hai chủ trương lớn là tích tụ ruộng đất và đẩy mạnh kinh tế hợp tác trong sản xuất nông nghiệp” (theo The Saigon Times). Nếu như phát biểu của ông Bình trở thành sự thực, đó sẽ là cả một cuộc cải cách lớn đối với nền nông nghiệp Việt Nam tính từ thời điểm ban hành chính sách Khoán 10 cách đây ba thập kỷ, khi mà cái nút thắt cứng đầu nhất và quan trọng nhất là vấn đề tích tụ đất đai cuối cùng cũng đã bắt đầu được cởi dần ra.
Các dấu hiệu báo động về tình hình sản xuất nông nghiệp đã liên tiếp xuất hiện trong thời gian gần đây, mà điển hình là tình trạng người nông dân bỏ ruộng ngày càng nhiều trên khắp cả nước. Điều này có những điểm tương đồng với những gì xảy ra tại nhiều vùng sản xuất nông nghiệp của Việt Nam trước khi chính sách Khoán 10 được ban hành. Thu nhập từ sản xuất nông nghiệp quy mô nhỏ lẻ tăng không đáng kể, trong khi các chi phí đầu vào như giống, phân bón, giá nhân lực, nhiên liệu thì ngày càng tăng với tốc độ chóng mặt.
Một sự kiện được xem là báo cáo chung cho mô hình sản xuất nông nghiệp hộ cá thể của Việt Nam là việc kim ngạch xuất khẩu rau quả trong 8 tháng đầu năm đã cao hơn kim ngạch xuất khẩu lúa gạo. Sản xuất lúa gạo được xem là niềm tự hào của Việt Nam nhiều năm qua, chiếm tới hơn 90% diện tích canh tác nông nghiệp cả nước, vậy mà lại có kim ngạch xuất khẩu thấp hơn một lĩnh vực non trẻ mới bắt đầu phát triển mạnh vài năm gần đây là rau quả.
Phát biểu kết luận hội nghị, ông Nguyễn Văn Bình giải thích lý do vì sao đã đến lúc Việt Nam cần chuyển đổi mô hình phát triển nông nghiệp từ hộ cá thể sang tích tụ đất đai và đẩy mạnh kinh tế hợp tác: “Mô hình kinh tế hộ là tự cung tự cấp, lo cái ăn cho gia đình, cho nhu cầu trong nước. Giờ sứ mệnh lịch sử đã xong. Chúng ta phải sản xuất hàng hóa lớn để tham gia vào thị trường và chuỗi giá trị toàn cầu. Mục tiêu đã khác, quan hệ cũng đã khác” (theo The Saigon Times). Nhận định này của trưởng ban kinh tế trung ương cũng đồng nghĩa với việc, lẽ ra Việt Nam cần phải chuyển đổi mô hình kinh tế hộ sang kinh tế hợp tác và cho phép tích tụ đất đai từ cách đây hơn 20 năm. Ngay từ đầu những năm 90 của thế kỷ trước, Việt Nam đã không còn là quốc gia thiếu lương thực và thậm chí đã có thể xuất khẩu lúa gạo cả triệu tấn mỗi năm. Ngay từ thời điểm đó Việt Nam đã đủ điều kiện để chuyển sang kinh tế hợp tác và sản xuất nông nghiệp quy mô lớn theo hình mẫu các nước phát triển, nhưng chúng ta đã chậm trễ hơn 20 năm.
Những hệ quả của sự chậm trễ này là nhãn tiền, khi theo con số thống kê tại hội nghị, tốc độ tăng trưởng năng suất của nông nghiệp Việt Nam trong gần 30 năm qua có xu hướng chững lại đáng kể, đặc biệt là trong giai đoạn 2000-2013 tốc độ này chỉ còn đạt 3,4% trong khi tại các quốc gia khác trải qua giai đoạn tương tự như Trung Quốc hay Hàn Quốc thì cao hơn gấp đôi là 7,5%. Trong số các ngành trụ cột của nền kinh tế ở thời điểm hiện tại, năng suất lao động trong ngành nông nghiệp thuộc diện thấp nhất, chỉ bằng 39% so với năng suất lao động chung của nền kinh tế (theo CafeF).
Nguyên nhân cơ bản nhất của sự tụt hậu và trì trệ ghê gớm này trong nông nghiệp, chính là ở mô hình kinh tế hộ nơi sản xuất nông nghiệp manh mún trong các thửa ruộng nhỏ như thời phong kiến. Ngay cả ở những tỉnh thuộc đồng bằng sông Cửu Long vốn được xem là có những cánh đồng cò bay thẳng cánh và thích hợp với sản xuất quy mô lớn, thì hiện cũng không khá hơn. Chẳng hạn như tại An Giang vốn là tỉnh có sản lượng lúa hàng đầu của vùng thì cũng có tới 75% hộ nông dân có diện tích canh tác dưới 1 ha. Mô hình sản xuất lạc hậu theo kiểu manh mún là lý do khiến nông nghiệp không thể phát triển, dù có được đầu tư bao nhiêu vốn để đổi mới kỹ thuật đi chăng nữa, khi mà yếu tố nền tảng là nút thắt đất đai vẫn chưa được cởi bỏ. Chính vì nút thắt đất đai nên số doanh nghiệp hoạt động trong ngành nông nghiệp chỉ chiếm khoảng 1% số doanh nghiệp trong nền kinh tế.
Những phát biểu kết luận hội nghị của Trưởng ban Kinh tế Trung ương đang là những điều đáng để kỳ vọng, nhưng cũng là thách thức không nhỏ: “Không thể lấy hộ gia đình mà phải lấy hợp tác xã và doanh nghiệp làm hạt nhân… Nhưng tư liệu sản xuất lớn nhất là đất đai lại đang manh mún, làm sao đảm bảo tích tụ ruộng đất mà vẫn đảm bảo quyền lợi người nông dân”. Thực tế là, dù Nhà nước có bật đèn xanh và ban hành chính sách tạo điều kiện cho tích tụ ruộng đất và doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, thì mọi chuyện sẽ không dễ dàng thay đổi, khi vẫn có tới gần 70% người dân sinh sống tại các vùng nông thôn và có thu nhập phụ thuộc vào sản xuất nông nghiệp. Vừa có thể tiến hành tích tụ đất đai và sản xuất nông nghiệp quy mô lớn mà vẫn đảm bảo không ảnh hưởng đến công ăn việc làm và thu nhập của người nông dân là điều không dễ dàng chút nào.
Nhàn Đàm