Hôm qua, phiên tòa phúc thẩm xử vụ Võ Văn Minh “tống tiền” Tân Hiệp Phát đã kết thúc, và bị cáo Minh vẫn phải nhận mức án 7 năm tù.
Tóm tắt vụ việc: đầu tháng 12.2014, Võ Văn Minh (SN 1980, ngụ An Bình, xã An Cư, Cái Bè, tỉnh Tiền Giang), là chủ quán bún riêu và nước giải khát, bị khách ngồi tại quán trả lại 1 chai nước Number One bên trong có… con ruồi khi chưa mở nắp, còn tem.
Khai với công an, Minh thừa nhận ngay sau đó anh ta điện thoại đến Công ty Tân Hiệp Phát (nhà sản xuất), đề nghị phải đưa cho mình 1 tỉ đồng mới “im miệng”. Bằng không, Minh sẽ kiện ra Hội Bảo vệ người tiêu dùng tỉnh Bình Dương, cung cấp tin cho các báo và in 5.000 tờ rơi phát tán để làm xấu mặt Tân Hiệp Phát.
Sau 3 lần thương lượng và có lập biên bản, Minh hạ giá xuống còn 500 triệu đồng. Tuy nhiên, Minh không thể ngờ được mọi giao dịch của Minh với đại diện Công ty Tân Hiệp Phát đều được đơn vị này thông báo cho công an. Chiều 27.1.2015, Minh đang nhận 500 triệu đồng từ đại diện của Công ty Tân Hiệp Phát tại một quán cà phê ở huyện Cái Bè thì bị công an bắt quả tang…
Sau phiên xử, một số ý kiến của trên mạng xã hội cho rằng: “Đó chỉ là giao dịch dân sự! Có thể nhìn nó theo khía cạnh dân sự là đôi bên tìm cách thương lượng thuận mua vừa bán. Anh Minh này đâu có “cưỡng bức”, uy hiếp được bên doanh nghiệp cái gì đâu, nếu doanh nghiệp không chấp thuận?”.
Cũng có ý kiến: “Ngay từ đầu, Tân Hiệp Phát đã không có thiện chí thương lượng với ông Minh mà chỉ có ý “giăng bẫy” thông qua tờ biên bản, trong đó ông Minh thừa nhận có lời lẽ đe dọa phát tán tờ rơi. Ngay sau khi ký tên vào tờ biên bản với Tân Hiệp Phát, ông Minh đã vô tình đưa chân mình vào vòng lao lý”…
Phải chăng Tân Hiệp Phát quá coi thường người tiêu dùng? Thay vì khi phát hiện sản phẩm có lỗi, ngoài việc khắc phục hậu quả, công ty phải xem xét lại quy trình sản xuất, tránh lỗi lầm tương tự. Đằng này, Tân Hiệp Phát giăng bẫy và báo công an bắt đương sự.
Mọi người có quyền nêu ý kiến, nhưng khách quan trong vụ việc này, rất khó bào chữa cho bị cáo Minh!
Rõ ràng, Minh chính là người chủ động báo cho Tân Hiệp Phát và ra giá 1 tỉ đồng để mua sự im lặng. Và cũng chính Minh đã đe dọa, “cưỡng bức” Tân Hiệp Phát phải chấp thuận đòi hỏi của mình, bằng việc dọa tung tờ rơi và thông tin cho báo chí! Đó là là điều mà bất kỳ nhà sản xuất nào cũng sởn gáy!
Theo luật sư Trần Thanh Phong - Trưởng văn phòng luật sư Trần Thanh Phong, Ủy viên Hội đồng Luật sư toàn quốc, đó chính là hành vi phạm pháp luật. Đó là biểu hiện của hành vi tống tiền. Đúng ra anh Minh phải lựa chọn giải pháp đúng đắn và hợp luật là báo cho cơ quan chức năng. Theo đó, nếu Tân Hiệp Phát có sai ở mức độ nào thì bị xử lý vi phạm ở mức độ đó.
Khoản 6, điều 8 về “Quyền của người tiêu dùng”, Luật Bảo vệ người tiêu dùng năm 2010 đã được quy định cụ thể. Người tiêu dùng có quyền: “Yêu cầu bồi thường thiệt hại khi hàng hóa, dịch vụ không đúng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, chất lượng, số lượng, tính năng, công dụng, giá cả hoặc nội dung khác mà tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ đã công bố, niêm yết, quảng cáo hoặc cam kết”.
Do đó, anh Minh hoàn toàn được hoan nghênh nếu báo sự cố chai nước Number One cho hội bảo vệ người tiêu dùng, hoặc cơ quan quản lý thị trường… Nhưng anh chủ quán này đã tham tiền, cố tình vướng vào lưới pháp luật.
Còn việc phải chăng đó là thỏa thuận dân sự giữa Minh và Tân Hiệp Phát, để sau đó hạ giá còn 500 triệu đồng? Giải thích vấn đề này, theo luật sư Phong, sự thỏa thuận giữa bất kỳ cá nhân nào với cá nhân khác- hoặc tổ chức, đúng là giao dịch dân sự, nhưng phải phù hợp pháp luật. Thỏa thuận lấy 500 triệu đồng để “mua” chai nước bẩn, đó là điều pháp luật hoàn toàn không công nhận, khi thỏa thuận che giấu cái xấu.
Việc Tân Hiệp Phát tham gia thỏa thuận, về luật cũng sai, nhưng luật sư Phong cho rằng chính cái kết là báo sự việc cho công an nên họ không sai. Họ đã không thỏa thuận để che giấu cái xấu, bởi sự việc được họ chủ động đưa ra pháp luật.
Họ cũng không chủ động gài bẫy, mồi chài Minh, mà chính Minh mới là người chủ động ra giá. Mọi động thái sau đó của Tân Hiệp Phát chỉ là giúp công ty này có đủ bằng chứng để tố cáo đến công an dấu hiệu hành vi cưỡng đoạt tài sản của Minh.
Và trong vụ “con ruồi giá 500 triệu đồng”, Tân Hiệp Phát rõ ràng cũng sai! Nhà sản xuất, nhưng tung ra sản phẩm lỗi, có thể ảnh hưởng sức khỏe cho khách hàng của mình là điều khó chấp nhận. Và nhất là đây không phải lần đầu tiên.
Như hồi tháng 6.2012, Tân Hiệp Pháp cũng từng “nhờ” công an gỡ cho mình vụ 1 khách hàng đòi 50 triệu đồng để “mua” sự im lặng cho chai nước trà xanh có chứa… con gián. Kết cục, “đối tác” của Tân Hiệp Phát cũng phải vào nhà đá.
Cái sai tiếp theo của Tân Hiệp Phát, là họ có dấu hiệu coi thường người tiêu dùng. Sau vụ con ruồi trong chai nước lần này, Tân Hiệp Phát vẫn chưa công bố sai sót thuộc về khâu nào, hay ai khui chai nhét con ruồi vào, để tỏ thái độ tôn trọng khách hàng và tôn trọng chính thương hiệu của mình. Cứ hễ có gián, có ruồi, nhờ công an là xong ư?
Cái khó là nếu chai nước có vấn đề, rất khó kiện Tân Hiệp Phát, bởi khó chứng minh thiệt hại. Bởi nếu uống chai nước Number One có con ruồi, chai trà xanh có con gián sẽ thiệt hại sức khỏe đến đâu, chả ai định lượng được hậu quả xảy ra nếu người tiêu dùng sử dụng những sản phẩm ấy. Rất mơ hồ. Có chăng, cơ quan chức năng chỉ có thể phạt hành chính.
Nhưng dù bị cáo Minh nhận mức án 7 năm, Tân Hiệp Phát cũng đã thua, khi thương hiệu bị tổn hại nghiêm trọng sau các vụ con gián, con ruồi! Người tiêu dùng sẽ phải cân nhắc khi chọn các chai nước giải khát của Tân Hiệp Phát, bởi nó đã “nổi tiếng” vì con ruồi, con gián.
Nguyễn Hồ