PR phim Việt đang được các NSX yêu thích bởi những hiệu quả to lớn mà nó mang lại. Nhưng, chiêu trò PR phim Việt đã phát sinh ra nhiều hình thức mới.

Chóng mặt với những chiêu trò PR của phim Việt

motthegioi | 02/06/2016, 19:16

PR phim Việt đang được các NSX yêu thích bởi những hiệu quả to lớn mà nó mang lại. Nhưng, chiêu trò PR phim Việt đã phát sinh ra nhiều hình thức mới.

Có lẽ phim Việt, đặc biệt dòng phim thị trường đã “học” được rất nhiều chiêu PR phim của các quốc gia có ngành công nghiệp điện ảnh phát triển và ứng dụng có phần còn mở rộng biên độ hơn với nhiều biến tấu.

Không chỉ là đưa ra những hình ảnh casting phim, phim trường, cảnh nội cảnh ngoại, úp mở nội dung có cảnh “nóng”, “lạnh”, kinh dị hay hành động bắt mắt, và phỏng vấn diễn viên chính khoe độ khó cảnh nhạy cảm, cảnh bạo lực…, rồi tung các trailer, clip giới thiệu khi còn đang ở hậu kỳ…, mà chiêu trò PR phim Việt đã phát sinh ra nhiều hình thức mới.

Hiệu quả trước mắt là có nhiều phim đã mời được khán giả làm nóng phòng vé, nhưng có nhiều phim thì mọi chiêu trò chỉ là thêm gia vị vào một cách vô ích, nhạt vẫn hoàn nhạt không “dụ" được khán giả xem phim.

Quá nhiều chiêu trò

Năm 2015, khi phim “Hương Ga” tổ chức khắp trong Nam ngoài Bắc trước khi phim ra rạp những đại tiệc giao lưu cinetour, showcase, concert film từ ra mắt phim đến cảm ơn khán giả như một hoạt động bên lề, đã tạo ra một làn sóng khán giả đến phòng vé để xem Trương Ngọc Ánh và Kim Lý diễn cảnh nóng trong phim cùng những cảnh bạo lực giang hồ xã hội đen thanh toán nhau.

Doanh thu của phim có công của chiêu PR hoành tráng này. Tới phim “Truy sát”, chương trình concert film tổ chức còn hoành tráng gấp nhiều lần, không ở phạm vi sân khấu nhà hát mà là sân vận động ở TP HCM, Cần Thơ, Hà Nội…

Tiếp theo các phim “Em là bà nội của anh”, “Bao giờ có yêu nhau”, “Nữ đại gia”… đều dùng showcase như một cách thức PR phim theo trào lưu. Gần nhất là phim “Taxi, em tên gì?” đã tổ chức một “tiệc tương tác” ra mắt tầm cỡ với hàng trăm nghệ sĩ giới showbiz Việt tham gia cùng hàng ngàn khán giả.

Minh Hằng và Quý Bình trong phim "Bao giờ có yêu nhau".

Hay chuyện úp úp mở mở tình giả tình thật của cặp đôi Quý Bình- Minh Hằng, hai diễn viên chính của phim “Bao giờ có yêu nhau”. Thậm chí có cả kiểu PR quái chiêu của đoàn làm phim, sống như cách sống nhân vật chính trong phim của chân dài Kỳ Hân trong vai làm nghề gái gọi phim “Điệp vụ chân dài”. Còn có chiêu giả vờ tung tin ỡm ờ giới tính của diễn viên trong phim để gợi tò mò…Chiêu “phim giả tình thật” cũng được áp dụng triệt để, mà điển hình là chuyện tình “sét đánh” của ca sĩ Hari Won với diễn viên hài Trấn Thành, hai diễn viên chính của phim “Bệnh viện ma”, khi Hari Won vừa chia tay tình cũ trong nước mắt.

Cũng như với phim “Taxi, em tên gì?”, dù có scandal lộ yêu phụ tình của diễn viên chính thì số khán giả đến với phim cũng không tăng thêm như nhà sản xuất mong đợi.

Và rõ ràng nhất là với phim “Truy sát”, gần như nhà sản xuất áp dụng đủ các chiêu trò PR, không sót chiêu nào, thậm chí chi phí cho các cuộc cinetour rất cao, nhưng phim cũng chỉ ghi nhận khiêm tốn, bởi nội dung không thu hút ngoài trai xinh gái đẹp, các màn đấu súng copy phim hành động của Mỹ, Hong Kong nhưng không “đẹp” bằng, thiếu hấp dẫn.

Quay ngược lại, như với hai phim thành công nhất về doanh thu của năm 2015 là “Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh”, “Em là bà nội của anh”, thì rõ ràng họ không có nhiều chiêu trò gì PR cho phim, một phim quay những clip phong cảnh long lanh đẹp như thơ, hay một show ca nhạc phim trước khi phim ra rạp, nhưng hiệu quả lại vượt quá sự mong đợi, bởi phim chất lượng nghệ thuật tốt, nội dung đánh trúng tâm lý khán giả, đặc biệt cả hai phim đều thu phục khán giả mọi lứa tuổi.

Hay ở một số phim khác chỉ dùng hình thức PR “mưa dầm thấm lâu”, rỉ rả từng chút một, đưa một cách tiết chế vài hình ảnh phim nhưng lại kích thích khán giả đến rạp, mang lại ít nhiều thành công theo mong muốn của nhà sản xuất như các phim: “Ngày nảy ngày nay”, “Tía tôi là cao thủ”…

"Taxi, em tên gì?" là một hành trình đầy hài hước với sự tham gia của Trường Giang vàAngela Phương Trinh.

PR phim Nhà nước vẫn trong bóng tối

Ngoài phim hợp tác với tư nhân “Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh” thì gần như phim của các hãng phim nhà nước đều không thấy PR gì, các hoạt động giới thiệu phim đôi khi cho có khi phim ở khâu chuẩn bị sản xuất, và đến khi ra rạp thì cũng chỉ có ít dòng giới thiệu trên truyền thông, cùng lắm chỉ có 1 clip giới thiệu nhạt nhòa, không hiệu quả.

PR phim Việt đang được các NSX yêu thích bởi những hiệu quả to lớn mà nó mang lại. Nhưng chiêu trò PR phim Việt đã phát sinh ra nhiều hình thức mới.

Khán giả gần như rất ít biết đến dòng phim Nhà nước, trừ những đợt chiếu miễn phí nhân dịp lễ kỷ niệm hay sự kiện văn hóa quốc gia. Và đó cũng là một yếu tố gây thất bại, hay lạnh nhạt với phim Nhà nước cho dù nhiều phim có nội dung ý nghĩa.

Ba khó khăn lớn nhất của công tác phát hành, phổ biến phim ở các địa phương là tình trạng rạp xuống cấp, trang thiết bị lạc hậu và thiếu nguồn phim.

Và chính vì thế mà dòng phim tư nhân, phim thị trường càng thêm thênh thang để áp dụng các chiêu trò PR cho phim, mỗi phim mới có thêm một hình thức mới để PR.

Nhưng PR cũng là con dao có nhiều lưỡi, có thể rất đắc dụng nếu chọn đúng đối tượng, và áp dụng chiêu trò phù hợp, tạo cho thành công của phim. Nó cũng có thể là cái máy chém, mang đến thất bại cho nhà sản xuất, nếu PR không thật sự đúng với những gì khán giả mong muốn.

Theo Hoài Hương/VOV
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Mục tiêu chống 'vàng hóa' đã thành công, nên bỏ độc quyền vàng miếng SJC
Các chuyên gia khẳng định mục tiêu chống "vàng hóa" đã thành công, họ đề xuất bỏ quy định nhà nước độc quyền vàng miếng SJC.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Chóng mặt với những chiêu trò PR của phim Việt