Chủ tịch UBND TP.Hà Nội Trần Sỹ Thanh cho rằng cần nghiêm túc nhìn nhận vấn đề khi thực trạng cán bộ còn khá e dè, thận trọng trong quá trình tham mưu để trình văn bản cho cấp trên quyết định, vì ai cũng lo cho sự an toàn của bản thân mình.

Chủ tịch Hà Nội: Cán bộ e dè việc tham mưu cho cấp trên bởi lo cho sự an toàn của mình

Hoài Lam | 19/04/2023, 17:40

Chủ tịch UBND TP.Hà Nội Trần Sỹ Thanh cho rằng cần nghiêm túc nhìn nhận vấn đề khi thực trạng cán bộ còn khá e dè, thận trọng trong quá trình tham mưu để trình văn bản cho cấp trên quyết định, vì ai cũng lo cho sự an toàn của bản thân mình.

Tại phiên họp Ban Chỉ đạo cải cách hành chính (CCHC) ngày 19.4, Bộ Nội vụ đã công bố kết quả Chỉ số hài lòng của người dân đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước năm 2022 (SIPAS 2022), Chỉ số CCHC năm 2022 của các bộ, cơ quan ngang bộ, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (PAR INDEX 2022).

Theo đó, kết quả chỉ số CCHC năm 2022 các bộ, cơ quan ngang bộ có 3 nhóm. Trong đó, chỉ số CCHC đạt trên 90%, gồm 2 đơn vị: Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và Bộ Tư pháp.

Chỉ số CCHC từ trên 80% đến dưới 90%, gồm 11 đơn vị: Bộ Tài chính, Bộ Nội vụ, Bộ Thông tin - Truyền thông, Bộ Tài nguyên - Môi trường, Bộ Nông nghiệp - Phát triển nông thôn, Bộ Xây dựng, Bộ Giao thông vận tải, Bộ Kế hoạch - Đầu tư, Bộ Lao động - Thương binh - Xã hội, Bộ Văn hóa - Thể thao - Du lịch, Bộ Công Thương.

Chỉ số CCHC dưới 80% có 4 đơn vị là: Bộ Giáo dục - Đào tạo, Bộ Y tế, Bộ Khoa học - Công nghệ, Bộ Ngoại giao.

Quảng Ninh trở lại vị trí dẫn đầu bảng xếp hạng chỉ số CCHC năm 2022 với kết quả đạt 90,10%. Đây là lần thứ 5 Quảng Ninh đạt ngôi vị quán quân bảng xếp hạng chỉ số CCHC, tương đương với TP.Đà Nẵng - địa phương từng có 5 năm liên tiếp đứng đầu bảng xếp hạng (từ 2012 - 2016).

thanh-2.jpg
Phiên họp trực tuyến Ban Chỉ đạo cải cách hành chính  ngày 19.4

Đứng vị trí thứ 2 trên bảng xếp hạng chỉ số CCHC năm 2022 là TP.Hải Phòng với kết quả đạt 90,09%. Đây cũng là lần thứ 10 liên tiếp Hải Phòng nằm trong nhóm 5 địa phương dẫn đầu chỉ số CCHC. Đứng vị trí thứ 3 là TP.Hà Nội với kết quả đạt 89,58%, như vậy so với năm 2021 thì TP.Hà Nội đã có bước nhảy vọt về chỉ số CCHC khi từ vị trí thứ 10 lên vị trí thứ 3.

Đứng cuối bảng xếp hạng chỉ số CCHC năm 2022 là tỉnh Phú Yên, đạt 75,99%, thấp hơn 5,42% so với kết quả của tỉnh này trong năm 2021 và cũng thấp hơn 3,98% so với đơn vị đứng cuối bảng xếp hạng của năm 2021.

Cắt giảm, đơn giản hóa hơn 2.000 quy định kinh doanh

Việc cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính (TTHC), quy định kinh doanh gắn với chuyển đổi số được chú trọng và đẩy mạnh. Các bộ đã cắt giảm, đơn giản hóa gần 2.200 quy định kinh doanh tại 175 văn bản quy phạm pháp luật. Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt phương án cắt giảm, đơn giản hóa gần 1.100 quy định của 10 bộ, cơ quan. Các bộ đã công khai, cập nhật hơn 17.800 quy định kinh doanh.

Chất lượng dịch vụ công trực tuyến được cải thiện; đã cung cấp hơn 4.400 dịch vụ công trực tuyến trên Cổng dịch vụ công quốc gia. Bộ Công an đã cấp hơn 79,5 triệu thẻ căn cước công dân gắn chip điện tử, kích hoạt trên 6 triệu tài khoản VNeID; hoàn thành tích hợp 21/25 dịch vụ công trực tuyến thiết yếu.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, Thủ tướng nêu rõ tiến độ xử lý văn bản quy phạm pháp luật để tháo gỡ các rào cản về thể chế, cơ chế, chính sách tại một số nơi còn chậm, chưa đáp ứng yêu cầu. TTHC trên một số lĩnh vực còn chồng chéo, nhiều rào cản, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp (như phòng cháy chữa cháy, đầu tư công, tài chính, ngân sách, đất đai, giải phóng mặt bằng…).

“Việc cắt giảm, đơn giản hóa quy định kinh doanh còn chậm, thậm chí một số bộ chưa trình phương án cắt giảm, đơn giản hóa quy định kinh doanh; chưa huy động được sự tham gia tích cực của hiệp hội, doanh nghiệp, người dân trong quá trình cải cách”, Thủ tướng nêu và cho rằng công tác chỉ đạo, điều hành phần lớn vẫn theo phương thức thủ công, bằng giấy tờ.

Nếu cần thiết, phải xử lý cán bộ "đùn đẩy"

Phát biểu tại phiên họp, Chủ tịch UBND TP.Hà Nội Trần Sỹ Thanh kiến nghị Chính phủ nghiên cứu, đề xuất sửa đổi Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật để rút ngắn thời gian ban hành các nghị định, các văn bản luật sửa đổi để ban hành kịp thời với yêu cầu thực tiễn.

Ông Thanh cũng cho rằng cần nghiêm túc nhìn nhận vấn đề khi thực trạng cán bộ còn khá e dè, thận trọng trong quá trình tham mưu để trình văn bản cho cấp trên quyết định, vì ai cũng lo cho sự an toàn của mình.

thanh.jpg
Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh phát biểu

Người đứng đầu chính quyền Hà Nội đề xuất Chính phủ ban hành nghị định để lý giải rõ điều này, trong đó nhấn mạnh người đứng đầu, người quyết định mới là người chịu trách nhiệm, có như vậy cán bộ cấp dưới mới dám nghĩ dám làm, tạo được những kết quả bứt phá trong công việc.

“Nếu không giải quyết được việc này, tình trạng cán bộ đùn đẩy, né tránh, sợ trách nhiệm với công việc sẽ vẫn còn tiếp diễn”, Chủ tịch UBND TP.Hà Nội Trần Sỹ Thanh nhấn mạnh.

Thủ tướng cho rằng trách nhiệm trong thực thi công vụ của một bộ phận cán bộ, công chức chưa cao, chưa có ý thức thay đổi thói quen để sử dụng văn bản điện tử thay cho văn bản giấy; một số cán bộ, công chức sợ trách nhiệm, né tránh, đùn đẩy trách nhiệm, gây phiền hà, sách nhiễu cho người dân, doanh nghiệp, thậm chí tham nhũng vặt.

Về bài học kinh nghiệm, Thủ tướng nhấn mạnh vai trò, vị trí, tầm quan trọng của người đứng đầu các cấp trong lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện, kiểm tra, giám sát, đôn đốc, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc kịp thời, hiệu quả trong CCHC, TTHC. Trong cùng một điều kiện, môi trường pháp lý như nhau, ở đâu người đứng đầu quyết liệt, quan tâm, chủ động thì ở đó mang lại hiệu quả cao hơn.

Về quan điểm chỉ đạo, điều hành, Thủ tướng yêu cầu thấm nhuần quan điểm đầu tư cho CCHC là đầu tư cho phát triển, là nhiệm vụ chính trị quan trọng của mỗi cấp, mỗi ngành, mỗi địa phương, mỗi cá nhân, tập thể có liên quan.

"Cải cách TTHC gắn với chuyển đổi số theo phương châm lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm phục vụ; đẩy mạnh kết nối, chia sẻ dữ liệu, bảo đảm trên, dưới, dọc, ngang thông suốt vì lợi ích chung", Thủ tướng nói.

thanh-3.jpg
Thủ tướng phát biểu tại phiên họp

Đặc biệt, Thủ tướng nêu rõ, cần chấm dứt tình trạng sợ trách nhiệm, không dám làm, không dám tham mưu, đề xuất của một bộ phận cán bộ, công chức; tình trạng đùn đẩy trách nhiệm các cơ quan, các bộ, các ngành, giữa trung ương với địa phương, dứt khoát không xử lý những nhiệm vụ không thuộc thẩm quyền và không đùn đẩy trách nhiệm của mình lên cấp trên và cho các cơ quan khác; cần phản ứng chính sách, xử lý các thủ tục, nhất là với người dân và doanh nghiệp nhanh chóng, kịp thời, linh hoạt, hiệu quả hơn nữa.

"Nếu cần thiết thì có các biện pháp xử lý cán bộ phù hợp; đồng thời động viên, bảo vệ, khuyến khích những người dám nghĩ, dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì công việc chung; vừa khắc phục, xử lý các mặt yếu kém, vừa thúc đẩy mặt tích cực", Thủ tướng nhấn mạnh.

Bài liên quan
Thủ tướng Phạm Minh Chính tới thủ đô Praha, bắt đầu thăm Cộng hòa Séc
Sau khi kết thúc tốt đẹp chuyến thăm chính thức Cộng hòa Ba Lan, vào lúc 13 giờ ngày 18.1, giờ địa phương (tức 19 giờ giờ Hà Nội), chuyên cơ chở Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cùng phu nhân Lê Thị Bích Trân và Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đã tới sân bay Václav Havel, thủ đô Praha, bắt đầu thăm chính thức Cộng hòa Séc từ ngày 18 - 20.1, theo lời mời của Thủ tướng Cộng hòa Séc Petr Fiala.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng Phạm Minh Chính tới thủ đô Praha, bắt đầu thăm Cộng hòa Séc
4 giờ trước Sự kiện
Sau khi kết thúc tốt đẹp chuyến thăm chính thức Cộng hòa Ba Lan, vào lúc 13 giờ ngày 18.1, giờ địa phương (tức 19 giờ giờ Hà Nội), chuyên cơ chở Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cùng phu nhân Lê Thị Bích Trân và Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đã tới sân bay Václav Havel, thủ đô Praha, bắt đầu thăm chính thức Cộng hòa Séc từ ngày 18 - 20.1, theo lời mời của Thủ tướng Cộng hòa Séc Petr Fiala.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Chủ tịch Hà Nội: Cán bộ e dè việc tham mưu cho cấp trên bởi lo cho sự an toàn của mình