Tại cuộc gặp gỡ với Tổng thống Philippines Rodrigo Roa Duterte, Chủ tịch nước Trần Đại Quang đánh giá cao Chính phủ Philippines đã đối xử nhân đạo và hợp tác tích cực trong vấn đề ngư dân, tàu thuyền trong những năm qua. Đồng thời đề nghị Philippines xem xét thả hết số ngư dân Việt Nam đang bị giam giữ.

Chủ tịch nước đề nghị Philippines thả số ngư dân Việt Nam bị giam giữ

Trí Lâm | 29/09/2016, 17:59

Tại cuộc gặp gỡ với Tổng thống Philippines Rodrigo Roa Duterte, Chủ tịch nước Trần Đại Quang đánh giá cao Chính phủ Philippines đã đối xử nhân đạo và hợp tác tích cực trong vấn đề ngư dân, tàu thuyền trong những năm qua. Đồng thời đề nghị Philippines xem xét thả hết số ngư dân Việt Nam đang bị giam giữ.

Biển Đông được đề cập mức độ vừa phải

Ngày 29.9, Tổng thống Philippines đã có cuộc hội đàm với Chủ tịch nước Trần Đại Quang. Hai nhà lãnh đạo đã thảo luận nhiều vấn đề nhằm tăng cường hợp tác với nhau trên nhiều lĩnh vực...

Về vấn đề Biển Đông, hai bên cam kết duy trì và thúc đẩy hòa bình, an ninh, ổn định, an toàn và tự do hàng hải và hàng không cũng như thương mại không bị cản trở trong khu vực, đặc biệt là ở Biển Đông; kêu gọi các bên kiềm chế, không đe dọa vũ lực hoặc sử dụng vũ lực; tôn trọng đầy đủ các tiến trình ngoại giao, pháp lý; giải quyết tranh chấp bằng các biện pháp hòa bình, trên cơ sở các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Luật Biển năm 1982 (UNCLOS). Hai bên cũng tái khẳng định sự ủng hộ đối với việc triển khai đầy đủ và hiệu quả Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) và nhanh chóng hợp tác nhằm đạt được Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC).

Trao đổi với báo điện tử Một Thế Giới, TS Nguyễn Ngọc Trường, Chủ tịch Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và phát triển quan hệ quốc tế, cho rằngđiều này cũng không có gì là lạ. Vấn đề Biển Đông là chuyện rất phức tạp, bàn bạc thì có thể bàn sâu nhưng trong thông cáo chung của 2 nước chỉ đề cập đến mức như vậy là điều hợp lý.Ông Trường bày tỏ, thắng lợi của PCA là thắng lợi to lớn, khó bác bỏ, bản thân phán quyết cũng đã có một tác dụng rất lớn cho nên không cần nói quá nhiều đến vấn đề này.

Gần đây, Philippines có những động thái tăng cường hợp tác với Trung Quốc. Ông Nguyễn Ngọc Trường cho rằng việc chính quyền mới lên của Philippines có cách tiếp cận mới với Trung Quốc là điều tất nhiên, nếu không hợp tác thì mới là chuyện lạ chứ hợp tác là chuyện bình thường.

“Việt Nam và Philippines cũng cần hợp tác với nhau trong nhiều vấn đề chứ không chỉ mình vấn đề Biển Đông bởi hai nước đã có quan hệ đối tác chiến lược. Biển Đông là vấn đề đấu tranh lâu dài, hơn nữa, Philipines cũng gặp nhiềusức ép, đối ngoại còn phải cân bằng với Mỹ, Nhật, Trung Quốc nên chúng ta cũng cần phải hiểu cho vị trí của họ’’ – ông Trường nêu.

Trước đó, trao đổi với báo Một Thế Giới, GS Ngô Vĩnh Long của Trường đại học Maine (Mỹ) cũng nhận định rằngchuyến thăm của ông Duterte một phần là để thanh minh và trấn an dư luận về chính sáchgần đây.Theo ông Long, phán quyết của Toà Trọng tàiThường trực PCA là một thắng lợi rất lớn cho Philippines nói riêng và cho các nước khác trong khu vực cũng như trên thế giới nói chung, nhất là trong việc ngăn chặn sự bành trướng của Trung Quốc. Đây là thành quả của nhiều năm vận động chính trị và dư luận của nhiều nước trên thế giới, trong đó có Việt Nam.

“Tại Mỹ, một nước đồng minh quan trọng nhất của Philippines, nếu không có phản ứng mạnh mẽ và nhất quán của lưỡng viện Quốc hội trong hai năm qua thì Trung Quốc đã có thể nuốt luôn hết Scarborough Shoal rồi. Bây giờ không lẽ đã thắng thế trước PCA và dư luận quốc tế mà Philippines lại bỏ đi tất cả mà nhân nhượng Trung Quốc để gây tổn hại cho chính mình về lâuvề dài hay sao?” – ông Long nhấn mạnh.

Hợp tác chống ma túy, thả ngư dân

Tại cuộc gặp gỡ, hai bên cũng đã đánh giá hợp tác an ninh, quốc phòng là một trong những trụ cột quan trọng của quan hệ Đối tác chiến lược giữa hai nước. Đồng thời nhất trí tiếp tục phát huy hiệu quả các cơ chế hợp tác, trong đó có cơ chế Đối thoại chính sách cấp Thứ trưởng Quốc phòng, đẩy mạnh hợp tác đào tạo, nghiên cứu, chia sẻ kinh nghiệm tham gia lực lượng gìn giữ hoà bình của Liên Hợp Quốc.

Hai nhà lãnh đạo cũng nhất trí giao các cơ quan an ninh của hai bên tăng cường chia sẻ thông tin, kinh nghiệm và hợp tác đấu tranh phòng chống các loại tội phạm, chống khủng bố, tội phạm công nghệ cao, tội phạm ma tuý và buôn người, đồng thời sớm đàm phán và ký kết Hiệp định dẫn độ và Hiệp định chuyển giao người bị kết án phạt tù.

Hai bên cũng đã trao đổi sâu rộng về các lĩnh vực hợp tác khác như: biển và đại dương, nông nghiệp, giao thông vận tải, văn hoá du lịch, giao lưu nhân dân, giáo dục... Chủ tịch nước đánh giá cao Chính phủ Philippines đã đối xử nhân đạo và hợp tác tích cực trong vấn đề ngư dân, tàu thuyền trong những năm qua; đồng thời đề nghị Philippines xem xét thả hết số ngư dân Việt Nam đang bị giam giữ.

Bên cạnh hợp tác song phương, hai bên đã tập trung trao đổi về các vấn đề quốc tế và khu vực mà hai bên cùng quan tâm. Hai bên khẳng định ủng hộ lẫn nhau hoàn thành tốt vai trò chủ nhà ASEAN 2017 của Philippines và chủ nhà APEC 2017 của Việt Nam; đồng thời cam kết tiếp tục phối hợp và nỗ lực cùng các nước ASEAN khác triển khai thành công Cộng đồng ASEAN, đề cao đoàn kết và phát huy vai trò trung tâm của ASEAN trong cấu trúc khu vực.

Trí Lâm
Bài liên quan
Đêm nay miền Bắc lạnh, siêu bão Man-Yi đang tiến vào Biển Đông
Siêu bão Man-yi vẫn giật trên cấp 17, di chuyển theo hướng Tây Bắc, tốc độ 20 km/giờ và hướng vào vùng biển miền Trung. Biển động dữ dội.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Chuyển đổi số xanh Hải Phòng: Thách thức và cơ hội
1 giờ trước Nhịp đập khoa học
Ngày 22.11, UBND TP.Hải Phòng và Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ CNTT Việt Nam (VINASA) tổ chức Diễn đàn Chuyển đổi số – Hải Phòng 2024 với chủ đề “Chuyển đổi số xanh – Động lực phát triển kinh tế, xã hội”.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Chủ tịch nước đề nghị Philippines thả số ngư dân Việt Nam bị giam giữ