Theo Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, để nâng cao chất lượng, năng lực hoạt động của các cơ quan dân cử thì cần phải hướng tới ngày càng tăng số lượng đại biểu chuyên trách. Do vậy, việc giảm số lượng phó trưởng ban chuyên trách của HĐND cấp tỉnh và phó chủ tịch HĐND cấp tỉnh là chưa có cơ sở.

Chủ tịch Quốc hội: Cần tăng số lượng đại biểu chuyên trách ở cơ quan dân cử

Bùi Trí Lâm | 16/07/2019, 13:29

Theo Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, để nâng cao chất lượng, năng lực hoạt động của các cơ quan dân cử thì cần phải hướng tới ngày càng tăng số lượng đại biểu chuyên trách. Do vậy, việc giảm số lượng phó trưởng ban chuyên trách của HĐND cấp tỉnh và phó chủ tịch HĐND cấp tỉnh là chưa có cơ sở.

Tại phiên họp thứ 35, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về một số vấn đề của dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ (TCCP) và Luật Tổ chức chính quyền địa phương (CQĐP).

Theo đó, UB Pháp luật và cơ quan chủ trì soạn thảo thống nhất với ý kiến của các ĐBQH cho rằng, việc giao Chính phủ quy định khung số lượng cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh, cấp huyện sẽ tạo cơ sở pháp lý cho các địa phương chủ động quyết định, phù hợp với đặc điểm, tình hình cụ thể.

Việc xác định những cơ quan chuyên môn nhất thiết phải tổ chức, những cơ quan chuyên môn có thể tổ chức linh hoạt tùy theo đặc điểm, tình hình của địa phương và một số cơ quan chuyên môn đặc thù, không phải địa phương nào cũng có.

Như vậy, trên toàn quốc sẽ tạo nên sự “thống nhất trong đa dạng” trong việc tổ chức các cơ quan chuyên môn, không còn tình trạng tổ chức đồng nhất như nhau giữa các địa phương, không phải trung ương có cơ quan nào thì địa phương có cơ quan đó...

Dự thảo Luật cũng được chỉnh lý theo hướng sửa đổi khoản 3 Điều 23 của Luật hiện hành để bổ sung nội dung Chính phủ quy định khung số lượng cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh, cấp huyện; quy định tiêu chí thành lập đơn vị bên trong của Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh, cấp huyện.

Cùng với đó, sửa đổi khoản 4 Điều 23 của Luật hiện hành để bổ sung nội dung Chính phủ quy định số lượng cấp phó tối đa, biên chế tối thiểu trong các cơ quan hành chính nhà nước.

Theo đó, Chính phủ quy định số lượng cấp phó tối đa của người đứng đầu vụ, văn phòng, thanh tra, cục, đơn vị sự nghiệp công lập nhưng phải bảo đảm bình quân không quá 3 người trên một đơn vị. Số lượng cụ thể cấp phó của mỗi đơn vị do Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ quyết định theo yêu cầu công việc.

Liên quan đến việc giảm số lượng đại biểu HĐND các cấp, tiếp thu ý kiến của đa số ý kiến ĐBQH, giảm số lượng đại biểu HĐND các cấp ở từng loại đơn vị hành chính; giảm số lượng phó chủ tịch HĐND cấp huyện xuống còn 1 người.

Về số lượng phó chủ tịch HĐND cấp tỉnh, đề xuất 2 phương án: Phương án 1 quy định lãnh đạo HĐND cấp tỉnh có 2 đại biểu hoạt động chuyên trách.

Trường hợp chủ tịch HĐND cấp tỉnh là đại biểu hoạt động chuyên trách thì bố trí 1 phó chủ tịch HĐND hoạt động chuyên trách; trường hợp Chủ tịch HĐND là đại biểu hoạt động kiêm nhiệm thì bố trí 2 phó chủ tịch HĐND hoạt động chuyên trách (phương án này là sự kết hợp phương án 2 trong dự thảo Luật do Chính phủ trình và tiếp thu ý kiến ĐBQH).

Phương án 2 là giảm số lượng phóchủ tịch HĐND cấp tỉnh từ 2 người xuống còn 1 người (như phương án 1 trong dự thảo Luật do Chính phủ trình).

UBPL và cơ quan chủ trì soạn thảo thống nhất đề xuất lựa chọn phương án 1 như ý kiến của đa số đại biểu Quốc hội.

Đối với nội dung về bộ máy giúp việc của chính quyền địa phương, UBPL thấy rằng, chủ trương hợp nhất Văn phòng Đoàn ĐBQH, Văn phòng HĐND, Văn phòng UBND cấp tỉnh thành một Văn phòng tham mưu, giúp việc chung đã được nêu tại Nghị quyết số 18-NQ/TW.

Hiện tại, đã có 12 địa phương thực hiện thí điểm theo Nghị quyết số 580/2018/UBTVQH14 ngày 4.10.2018 của UBTVQH. Nếu không sửa các quy định liên quan đến bộ máy giúp việc của chính quyền địa phương thì sẽ không tạo cơ sở pháp lý cho việc sắp xếp, tổ chức lại 3 văn phòng.

Theo đó, sau khi kết thúc việc thí điểm, để tổ chức, sắp xếp lại các văn phòng khác với hiện nay thì Chính phủ lại phải trình Quốc hội sửa đổi, bổ sung Luật để quy định về vấn đề này.

Vì vậy, Thường trực UB Pháp luật đề nghị cần sửa đổi ngay các quy định có liên quan đến bộ máy giúp việc của chính quyền địa phương để tạo cơ sở pháp lý, dự liệu trước cho việc sắp xếp tổ chức lại 3 Văn phòng sau thí điểm.

Với những lý do nêu trên, UB Pháp luật đề nghị sửa đổi, bổ sung các quy định có liên quan đến Văn phòng HĐND cấp tỉnh, Văn phòng UBND cấp tỉnh và Chánh Văn phòng HĐND cấp tỉnh tại 3 điều trong Luật Tổ chức CQĐP theo hướng: Không quy định chánh văn phòng HĐND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương thuộc cơ cấu của Thường trực HĐND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.

Theo quan điểm của Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Hà Ngọc Chiến, số lượng phó Trưởng ban chuyên trách của HĐND cấp tỉnh nên quy định giữ như hiện hành.

Ông Hà Ngọc Chiến cho rằng, để thực hiện chủ trương tinh gọn bộ máy, mà giảm số lượng phó trưởng ban chuyên trách của HĐND cấp tỉnh và phó chủ tịch HĐND cấp tỉnh sẽ không đảm bảo được mục tiêu hoạt động hiệu lực hiệu quả, chất lượng hoạt động của HĐND.

Theo Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, để nâng cao chất lượng, năng lực hoạt động của các cơ quan dân cử thì cần phải hướng tới ngày càng tăng số lượng đại biểu chuyên trách.

Do vậy, việc giảm số lượng phó trưởng ban chuyên trách của HĐND cấp tỉnh và phó chủ tịch HĐND cấp tỉnh là chưa có cơ sở. Bên cạnh đó, qua khảo sát, HĐND các tỉnh cũng không đồng thuận với quy định này. Chủ tịch Quốc hội cho rẳng, nếu giảm ở cấp huyện thì có thể, còn đối với cấp tỉnh thì phải nên cân nhắc.

Lam Thanh
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Ba kịch bản về lạm phát năm 2024
Ba kịch bản lạm phát năm 2024 tương ứng với CPI bình quân năm lần lượt là 3,8%, 4,2% và 4,5%.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Chủ tịch Quốc hội: Cần tăng số lượng đại biểu chuyên trách ở cơ quan dân cử