Đài truyền hình tỉnh phải tổ chức thực hiện chuyên mục phát sóng trực tiếp hàng tuần, mời các chuyên gia, ngành có liên quan đến dự trao đổi, trả lời những ý kiến thắc mắc của người dân về việc tiêm vắc xin hay cách phòng chống dịch bệnh COVID-19.
Ngày 9.11, Ban chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 tỉnh An Giang tổ chức buổi họp trực tuyến để kịp thời chỉ đạo về công tác phòng, chống dịch COVID-19 trên địa bàn tỉnh trong thời gian tới.
Tại các điểm cầu có sự tham dự 11 đơn vị hành chính trực thuộc, gồm 2 thành phố Long Xuyên, Châu Đốc, thị xã Tân Châu và 8 huyện An Phú, Tịnh Biên, Tri Tôn, Châu Phú, Châu Thành, Thoại Sơn, Chợ Mới, Phú Tân.
Tại cuộc họp, lãnh đạo các sở ngành, địa phương đã trao đổi, góp ý, đề xuất các giải pháp trong công tác phòng chống dịch bệnh COVID-19, nhất là trong chỉ đạo, tổ chức, phối hợp thực hiện tầm soát, xét nghiệm thần tốc, sớm bóc tách F0 ra khỏi cộng đồng để chăm sóc, điều trị kịp thời, hiệu quả… Đồng thời, các bên tham dự thảo luận xây dựng những giải pháp phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an sinh xã hội, sức khỏe của người dân, từng bước đưa cuộc sống người dân trở lại trạng thái bình thường mới.
Ông Trần Quang Hiền – Giám đốc Sở Y tế tỉnh An Giang cho biết, tính đến 8 giờ sáng 9.11, toàn tỉnh An Giang tổng số trường hợp nhiễm COVID-19 là 14.625 ca, đã điều trị khỏi 9.524 trường hợp.
“Toàn tỉnh có 11 hệ thống xét nghiệm Realtime RT-PCR; đang triển khai thêm 3 hệ thống xét nghiệm tại Trung tâm y tế các địa phương: An Phú, TP.Châu Đốc, Châu Phú. Ngoài ra, tỉnh đã triển khai 36 cơ sở điều trị bệnh nhân COVID-19 theo quy mô tháp 3 tầng với 5.068 giường. Trong đó, có 32 cơ sở điều trị tầng 1, tầng 2 và có 4 bệnh viện tuyến tỉnh điều trị tầng 3.
Về công tác tiêm vắc xin, tỉnh tiếp nhận gần 1,8 triệu liều. Đến ngày 8.11 đã tổ chức tiêm gần 1,6 triệu liều, đạt tỷ lệ 94,12% người từ 18 tuổi trở lên được tiêm 1 liều vắc xin và đạt tỷ lệ 22,33% người được tiêm đủ 2 liều vắc xin. Tỉnh đang triển khai kế hoạch tiêm vắc xin phòng COVID-19 cho trẻ em từ 12 đến 17 tuổi (dự kiến có khoảng 200.000 trẻ). Bên cạnh đó, Sở Y tế còn xem xét đề xuất tiêm mũi 3 cho người đã tiêm đủ 2 liều vắc xin.
Về giải pháp chống dịch, Sở Y tế sẽ tăng cường kiểm tra, giám sát tại các địa phương, đơn vị; Kiểm soát chặt chẽ các cửa ngõ, quyết không để dịch bệnh từ ngoài xâm nhập vào tỉnh; Tăng cường năng lực điều trị các tuyến, hạn chế thấp nhất tỷ lệ tử vong; Định kỳ đánh giá cấp độ dịch theo Nghị quyết 128 và Quyết định số 4800 để có biện pháp thích ứng phù hợp; Tăng cường rà soát, kiểm tra các điểm cách ly y tế trên địa bàn, nhất là điểm cách ly y tế tập trung nhằm đảm bảo việc tuân thủ cách ly theo quy định; Tiếp tục tuyên truyền thông điệp 5K và đảm bảo an sinh xã hội cung cấp đủ nhu yếu phẩm cho người dân; Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong phòng chống dịch bệnh, thống nhất một ứng dụng công nghệ bảo đảm kết nối, liên thông”, ông Hiền nêu trong báo cáo.
Phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp, ông Nguyễn Thanh Bình - Chủ tịch UBND tỉnh An Giang cho rằng các địa phương tiếp tục thực hiện nghiêm chỉ đạo của Trung ương, Thủ tướng Chính phủ và các văn bản chỉ đạo của tỉnh về công tác phòng chống dịch COVID-19.
“Việc cách ly F0 không triệu chứng tại nhà, các địa phương phải tăng cường tổ y tế, thuốc điều trị, tuyên truyền việc luyện tập thể dục thể thao, đồng thời, nghiên cứu mô hình cách ly tại nhà hiệu quả nhằm giảm áp lực cho các khu cách ly tập trung; rà soát kiểm tra các điểm cách ly tập trung trên địa bàn không để lây nhiễm chéo. Từ đó, kéo chậm sự lây lan, ngăn chặn thấp nhất số ca tử vong”, ông Bình đề nghị.
Ông Bình đề nghị thêm, đối với các địa phương đã công bố cấp độ 4 phải lập chốt để kiểm soát người ra, vào địa bàn, tránh để người dân di chuyển từ nơi nguy cơ cao sang nơi khác gây lây lan dịch bệnh. Phải đánh giá mức độ nguy cơ lây lan dịch bệnh ở nơi tập trung đông dân cư để có biện pháp kiểm soát hợp lý. Tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát việc tuân thủ các biện pháp phòng dịch theo đúng quy định từng cấp độ dịch tại mỗi địa phương. Còn đối với việc tổ chức tiêm vắc xin cần đảm bảo giãn cách, tránh tập trung đông người, phải tuyên truyền để người dân ý thức đi đúng khung giờ, đảm bảo giãn cách, tránh lây lan dịch bệnh.
“Về công tác tăng cường tuyên truyền để người dân nâng cao ý thức phòng chống dịch bệnh, tôi đã nhiều lần nhắc nhở Đài truyền hình tỉnh phải tổ chức thực hiện chuyên mục phát sóng trực tiếp hàng tuần, mời các chuyên gia, ngành có liên quan đến tham dự trao đổi, trả lời những ý kiến thắc mắc của người dân về việc tiêm vắc xin hay cách phòng chống dịch bệnh COVID-19. Đây là lần cuối tôi nhắc trong cuộc họp này”, ông Bình nhấn mạnh.