Chủ tịch Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) Nguyễn Thị Thu Sắc tin rằng, năm 2024 xuất khẩu thủy sản sẽ cao hơn năm 2023, có thể tới mốc 9,5 tỉ USD.
Năm 2023, xuất khẩu thủy sản đạt 9 tỉ USD, thấp hơn 18% so với năm 2022. Lạm phát cao, nhu cầu giảm, tồn kho lớn, giá xuất khẩu giảm và những khó khăn, bất cập trong sản xuất kinh doanh trong nước như chi phí đầu vào cho cả chuỗi cung ứng đều tăng, thẻ vàng IUU… đã tác động đến xuất khẩu thủy sản Việt Nam trong năm qua.
Tháng 1.2024, xuất khẩu thủy sản đã có tín hiệu tích cực hơn khi tăng 64% so với cùng kỳ năm 2023, đạt 750 triệu USD. Trong đó, các mặt hàng chủ lực đều có bứt phá đáng kể so với cùng kỳ năm ngoái.
Về thị trường, tăng đột phá nhất là Trung Quốc, tăng gấp hơn 3 lần; xuất khẩu sang Mỹ tăng 63%; sang Nhật Bản tăng 43%; sang EU tăng 34%...
Theo Chủ tịch VASEP Nguyễn Thị Thu Sắc, mặc dù nhiều doanh nghiệp (DN) cho biết thị trường chưa thực sự khởi sắc và còn nhiều khó khăn, nhưng những con số tăng trưởng cao của tháng đầu năm 2024 vẫn mang lại cảm xúc tin tưởng và hy vọng vào sự hồi phục mạnh mẽ hơn trong năm nay.
“Vẫn còn đó những vấn đề DN xuất khẩu thủy sản phải đối mặt như tình trạng dư cung, tồn kho nhiều, giá mua thấp, áp lực cạnh tranh lớn… song chúng ta có thể hy vọng nửa cuối năm giá bán sẽ tốt hơn khi lượng tồn kho giảm, nhu cầu của các thị trường hồi phục”, bà Thu Sắc nói.
Theo lãnh đạo VASEP, những thách thức mới như căng thẳng Biển Đỏ làm cước vận tải tăng, thẻ vàng IUU và thuế chống trợ cấp sẽ làm khó cho DN, nhưng DN sẽ biến “nguy thành cơ”, khai thác và phát triển được các sản phẩm và thị trường phù hợp bối cảnh mới hậu COVID-19, lạm phát và chiến tranh.
“Tôi vẫn hy vọng rằng ngành tôm Việt Nam không bị áp thuế chống trợ cấp, ngành hải sản sẽ được tháo gỡ thẻ vàng IUU trong thời gian nhanh nhất”, bà Thu Sắc nói.
Bà Thu Sắc cũng cho biết VASEP cùng cộng đồng DN cam kết sẽ nỗ lực hết mình, chủ động và năng động để đảm bảo chuỗi cung ứng và chuỗi giá trị ngành thủy sản chất lượng, an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc, hướng tới mục tiêu là nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển bền vững ngành hàng thủy sản.
Bà đề nghị toàn ngành tiếp tục quan tâm, đầu tư và giữ vững thương hiệu chất lượng an toàn của thủy sản Việt Nam; tiếp tục gia tăng ở các thị trường truyền thống và thâm nhập nhiều hơn nữa ở các thị trường đầy tiềm năng như Ấn Độ, Trung Đông, ASEAN....
Về nguyên liệu, lãnh đạo VASEP cho biết đây là yếu tố vô cùng quan trọng trong sản xuất, kinh doanh thủy sản toàn cầu. “Chúng ta không chỉ cần có số lượng hàng hóa lớn, mà quan trọng là chất lượng nguyên liệu, nguyên liệu hợp pháp với giá thành hợp lý nhất”, bà nói.
Bà Nguyễn Thị Thu Sắc cũng cho biết cộng đồng DN tin tưởng và trông đợi vào sự tiếp tục đồng hành và hỗ trợ của Chính phủ, các bộ ngành trong hoạt động cải cách thủ tục hành chính,hỗ trợ nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho DN và nâng cao năng lực cạnh tranh cho DN cũng như cho ngành thủy sản.
“Hy vọng sự đồng hành, chung tay của Chính phủ và các bộ ngành sẽ giúp ngành thủy sản Việt Nam giải quyết được bài toán của từng lĩnh vực ngành hàng: như là vấn đề chất lượng giống tôm, giống cá tra, thức ăn nuôi thủy sản, cải thiện năng suất và giảm giá thành sản xuất…”, bà Thu Sắc nói.
Theo đó, với sự nỗ lực, linh hoạt và thích ứng của DN thủy sản và sự đồng hành hỗ trợ của Chính phủ và các bộ ngành, bà Thu Sắc tin rằng năm 2024, xuất khẩu thủy sản sẽ cao hơn năm 2023, có thể tới mốc 9,5 tỉ USD.